Hướng dẫn marketing xuất khẩu sang thị trường Singapore

VIETRADE – Singapore là một trong những nền kinh tế mở nhất và cũng độc lập nhất trên thị trường quốc tế; đứng thứ 14 về xuất khẩu và đứng thứ 15 về nhập khẩu. Với thu nhập bình quân đầu người 54.713 đô la Mỹ, Singapore cũng là một trong những thị trường tiêu thụ lớn các mặt hàng giá trị cao của Việt Nam.
Hợp tác kinh tế, thương mại song phương Việt Nam – Singapore cũng không ngừng phát triển với mức tăng trưởng bình quân trong 3 năm qua đạt 12,7%/năm. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Singapore trong 8 tháng đầu năm 2014 đạt 1,88 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 8/2014, xuất khẩu sang thị trường này đạt 246,99 triệu USD, tăng 36,9% so với tháng 7/2014. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Singapore gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng; thuỷ tinh và sản phẩm từ thủy tinh…
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục xuất khẩu thành công sang thị trường Singapore, bài viết dưới đây xin giới thiệu một số lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường này:


TỔNG QUAN VỀ THỊ TRƯỜNG

Singapore là một đảo quốc phát triển với diện tích 432 km2 và dân số 5,41 triệu người, trong đó, 74% là người Hoa, 13,3% là người Malay, 9% là người Ấn Độ và 3,5% còn lại đến từ những quốc gia khác. Ngôn ngữ chính được sử dụng tại Singapore là tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Malay. Singapore có tỉ lệ sinh thấp, nhỏ hơn 1%.
Nằm ở vị trí chiến lược trong vùng lưu thông hàng hóa giữa châu Á, châu Úc, châu Âu, Trung Đông và Hoa Kỳ, Singapore là một trong những nền kinh tế mở nhất và cũng độc lập nhất trên thương trường quốc tế. Lượng xuất khẩu của quốc gia này cao hơn 3,5 lần so với mức GDP. Bất kì sụt giảm về kinh tế ở một trong những thị trường chính của Singapore như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của quốc gia này. 5 đối tác thương mại chính của Singapore là các quốc gia EU, châu Âu, Malaysia, Trung Quốc và Mỹ.
Singapore là giao điểm của các tuyến đường hàng không và hàng hải quan trọng của khu vực châu Á Thái Bình Dương, là trung tâm và cũng là điểm trung chuyển hàng hóa chính của khu vực Đông Nam Á và tiểu lục địa Ấn Độ. Vai trò của Singapore trong giao thương của khu vực được thể hiện ở chỗ 45-50% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này là tái xuất khẩu. Singapore cũng là nơi giới thiệu thực phẩm và cũng là nơi đặt trụ sở của các công ty lớn về thực phẩm và nông sản.
Nguồn lương thực của Singapore hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu, không có sản xuất trong nước. Nước này không áp dụng bất kì loại thuế nhập khẩu đối với các loại thực phẩm và đồ uống, trừ các loại đồ uống có cồn và thuốc lá. Tuy nhiên, mức thuế 7% dành cho hàng hóa và dịch vụ được áp dụng tại tất cả các điểm phân phối.
Trong năm 2013, Singapore đã nhập khẩu 12,18 tỷ đô la các loại hàng nông, lâm, thủy sản. Hoa Kỳ là nhà cung cấp lớn thứ 5 cho thị trường này với giá trị nhập khẩu 954 triệu đô la. Malaysia, Pháp, Indonesia và Trung Quốc là tốp 4 các thị trường lớn nhất của nước này, theo thứ tự giảm dần. Tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm định hướng người tiêu dùng vượt ngưỡng 6,8 triệu đô la trong năm 2013. Hơn 1 tỷ đô la cá và các loại hải sản cũng được nhập khẩu trong năm 2013. Các mặt hàng thực phẩm định hướng người tiêu dùng chính như cá và hải sản, các chế phẩm từ sữa, các loại đồ uống có cồn và không cồn, thịt, rau quả tươi, các loại đồ ăn vặt và các loại rau quả đã qua chế biến.


Tác động của nhân khẩu học và các vấn đề kinh tế xã hội

Mức tăng dân số của Singapore giảm rất nhanh trong thập kỉ vừa qua do tỉ lệ sinh giảm. Theo số liệu tháng 6 năm 2014, tổng dân số của Singapore là 5,47 triệu dân, trong đó gồm 3,87 triệu dân thường trú và 1,6 triệu dân tạm trú. Tỉ lệ người già đã tăng mạnh trong thập kỉ qua. Số người trên 65 tuổi chiếm 11% trong số dân thường trú của Singapore. Theo số liệu năm 2013, một nửa trong tổng số người trên 25 tuổi có trình độ sau trung học; Số lượng người tốt nghiệp đại học chiếm 27% tổng số dân thường trú. Một thập kỉ trước, con số này chỉ ở mức 16%.
Trong 10 năm qua, tỉ lệ người độc thân tăng lên trong khi số người kết hôn giảm. Tỉ lệ kết hôn ở độ tuổi dưới 30 trong năm 2013 thấp hơn nhiều so với 1 thập kỉ trước, cho thấy xu hướng kết hôn muộn đang gia tăng tại quốc gia này. Độ tuổi kết hôn vào năm 2003 là 30 đối với nam và 25 đối với nữ. Con số này vào năm 2013 là 34 đối với nam và 29 đối với nữ.


NHỮNG CHÚ Ý TRONG KINH DOANH XUẤT KHẤU

Tập quán và văn hóa kinh doanh địa phương

Trong lĩnh vực thương mại quốc tế, những tập quán kinh doanh của Singapore có xu hướng mô phỏng theo các tập quán kinh doanh của các nền kinh tế phát triển và có tốc độ đô thị hóa cao hơn. Pháp luật của quốc gia này có khuôn mẫu dựa trên hệ thống pháp luật Anh. Ngoài ra, cũng có một sự phụ thuộc đáng kể vào các tập quán và hợp đồng trong thương mại quốc tế. Thư tín dụng thường được sử dụng cho các giao dịch đầu tiên và chỉ khi mối quan hệ kinh doanh giữa các bên được hình thành lâu dài thì các điều khoản thanh toán mới có thể được điều chỉnh thành một tài khoản giao dịch mở với các điều khoản thanh toán có giá trị lên đến hai tháng. Việc người mua yêu cầu những mẫu giao dịch trên từ nhà cung cấp ngay từ lần giao dịch đầu tiên không phải là không phổ biến.


Thị hiếu và sở thích tiêu dùng nói chung

Với thu nhập tăng, người dân Singapore sẵn sàng trả tiền để mua các sản phẩm hoặc thực phẩm có chất lượng cao hơn giúp tiết kiệm sức lao động và thời gian chế biến. Do vậy, trên các kệ trong siêu thị, chúng ta có thể thấy được số lượng ngày càng tăng của các loại thực phẩm tiện lợi và được chế biến sẵn. Nhu cầu về rau củ được thái sẵn dạng hạt lựu cũng như các loại thịt gia súc và gia cầm có độ dày được kiểm soát có xu hướng tăng lên khi các  thành viên trong gia đình đều bận rộn.
Bởi hầu hết các hộ gia đình Singapore đều là gốc người châu Á, nên các thực phẩm nhập khẩu được sử dụng trong nấu ăn thường ngày cần phù hợp với phong cách ẩm thực châu Á. Các món ăn châu Á thường là những món rán chiên, được chuẩn bị cùng nước sốt cà ri hoặc được ướp trong nước sốt ớt.


Các tiêu chuẩn và quy định về thực phẩm

Luật thực phẩm Singapore được mô tả trong Đạo luật thực phẩm và tất cả các loại thực phẩm đóng gói sẵn bán tại các cửa hàng bán lẻ đều phải tuân thủ đúng theo các thành phần và hàm lượng chất bảo quản cho phép được liệt kê trong đạo luật nêu trên.
Singapore có chế độ nhập khẩu rất mở; tất cả các loại thực phẩm, ngoại trừ đồ uống có cồn và thuốc lá, đều được miễn thuế nhập khẩu. Trên thực tế, không có những hàng rào phi thuế quan bởi có quá ít sản phẩm nội địa và các chính sách của chính phủ trong thời gian gần đây là để tìm kiếm nguồn thực phẩm từ khắp nơi trên thế giới. Thủ tục hải quan đối với các sản phẩm thức ăn được thực hiện bằng điện tử hóa và quá trình này được hoàn tất trong vòng chưa đến 48 giờ.


Chu trình kiểm dịch và nhập khẩu

Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa xuất khẩu là bắt buộc đối với các mặt hàng nhập khẩu là thịt gia súc, gia cầm và động vật có vỏ. Đối với hầu hết các nhập khẩu, việc kiểm tra và xét nghiệm ngẫu nhiên đối với các sản phẩm là thịt gia súc và gia cầm sẽ được thực hiện.

Thủy sản & Thực phẩm và đồ uống theo định hướng người tiêu dùng

Là nước có thu nhập trên đầu người đứng thứ 2 ở châu Á, Singapore là một trong các nền kinh tế mở nhất trên thế giới, không áp đặt thuế suất lên các mặt hàng thực phẩm ngoài trừ đồ uống có cồn. Do đó có thể tìm thấy rất nhiều các mặt hàng thức phẩm từ khắp nơi trên thế giới tại siêu thị ở đảo quốc đông đúc 5.41 triệu dân này.
Nhà cung cấp chính các loại trái cây ôn đới cho Singapore là Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Châu Âu, Trung Quốc, Nam Phi, Argentina và Chi-lê. Nhà cung cấp các loại trái cây nhiệt đới là các nước lân cận như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam. Các gia đình ở Singapore ưa chuộng lá trà xanh từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Còn mặt hàng rau củ lại được nhập chủ yếu từ Úc, New Zealand, châu Âu và Hoa Kỳ.
Singapore nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm từ khắp nơi trên thế giới. Sản phẩm thịt gia cầm và thịt lợn được tiêu thụ rất nhiều tại đây. Gà được nhập sống từ Malaysia, sau đó được giết mổ tại các lò mổ trong nước. Bên cạnh đó, nhu cầu về thịt gà cũng được đáp ứng qua việc nhập khẩu gà đông lạnh (nguyên con và từng bộ phận) từ Bra-xin, Hoa Kỳ, Trung Quốc và châu Âu.
Từ khi các trang trại chăn nuôi lợn tại Singapore đóng cửa vào tháng  4 năm 1999, nguồn nhập khẩu duy nhất (khoảng 330,000 con/năm) để giết mổ trong nước là từ Indonesia. Phần lớn nhu cầu về thịt lợn được đáp ứng bằng việc nhập khẩu thịt lợn ướp lạnh từ Úc và thịt lợn đông lạnh từ châu Ấu và Hoa Kỳ. Không phổ biến như thịt gà, thịt bò được bán chủ yếu ở các siêu thị. Nguồn cung chính là Úc, New Zealand, Argentina và Trung Quốc. Hoa Kỳ chỉ được phép cung cấp thịt của những con bò dưới 30 tháng tuổi do lo ngại về bệnh bò điên.
Mặt hàng hải sản, cá tươi và cá đông lạnh tiêu thụ tại Singapore được đánh bắt, sản xuất tại các quốc gia láng giềng như Malaysia, Indonesia, Trung Quốc và Việt Nam. Một số nhà cung cấp chính khác như Na-uy, Thái Lan, Nhật, Úc và Ấn Độ. Vào năm 2013, tổng kim ngạch nhập khẩu hải sản từ khắp thế giới của Singapore là 1,1 tỷ đô la Mỹ.
Người Singapore rất ưa chuộng hải sản, đặc biệt là vây cá, cua, tôm hùm, và ngao. Trong khi phần lớn vây cá được cung cấp tại các sạp hàng hải sản tươi để sử dụng tại nhà, người Singapore thường đi đến các cửa hàng ăn khi muốn thưởng thức các món tôm hùm và cua.


Ngành bán lẻ thực phẩm

Ngành bán lẻ thực phẩm tại Singapore đạt Doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2013. Ước tính khoảng 50% doanh thu bán lẻ, xấp xỉ 4,5 tỷ USD, là từ các siêu thị lớn và các siêu thị mini hiện đại. Phần doanh thu còn lại là từ các cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng truyền thống tại địa phương (cửa hàng Mom & Pop), trạm xăng và các sạp đồ tươi sống. Người Singapore có truyền thống sử dụng các sản phẩm nông sản, thịt và cá tươi sống  tại các sạp hàng tươi ngoài chợ. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay đang thay đổi, các hộ gia đình bắt đầu tìm đến các siêu thị để mua các sản phẩm này. Thông thường, các nhà nhập khẩu đại diện cho các thương hiệu nước ngoài sẽ chịu trách nhiệm phát triển thị trường, xây dựng chiến lược quảng cáo và khuyến mãi, tăng cường các kênh phân phối trong thị trường bán lẻ.
Thông thường, các chuỗi siêu thị lớn và một vài các nhà bán lẻ sản phẩm cao cấp nhập trực tiếp sản phẩm từ các nước nguồn, bên thu gom, nhà phân phối về bán ở các cửa hàng của họ. Trong khi đó, các nhà bán lẻ nhỏ hơn thường nhập hàng từ nhà phân phối địa phương. Sản phẩm được nhập khẩu trực tiếp thường là hoa quả, mứt, bánh kẹo, bánh quy, sốt sa-lát, thịt nguội đóng gói, và trái cây ôn đới. Các sản phẩm phân phối bởi các nhà nhập khẩu địa phương bao gồm các sản phẩm từ vùng châu Á, đồ tạp hóa khô, trái cây nhiệt đới, gà đông lạnh, các bộ phận gà, thịt bò đông lạnh, các loại nước sốt, và món ăn dân tộc.
Hai chuỗi siêu thị chính chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Singapore là Dairy Farm và NTUC Fairprice. Cửa hàng Dairy Farm nhắm đến đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình và cao, trong khi NTUC Fairprice lại phục vụ đối tượng đại trà. NTUC Fairprice hiện vẫn thống lĩnh trong ngành bán lẻ với 32% thị trường.
Chuỗi siêu thị lớn nhất tính về số lượng các cửa hàng bán lẻ là Dairy Farm với 123 cửa hàng, gồm 47 cửa hàng Kho lạnh (Cold Storage), 9 cửa hàng Thị trường hàng đầu (Premier Market Place), 4 cửa hàng Đặc sản (Specialty), và 62 cửa hàng Khổng lồ (Giant Stores) (trước kia còn được gọi là Mua sắm tiết kiệm). Một phần không nhỏ các sản phẩm từ các cửa hàng này được nhập từ nước ngoài như các nước châu Âu, Úc, New Zealand và Hoa Kỳ. 9 trong số các cửa hàng được đặt tại các khu vực dân cư có thu nhập trung bình và cao. Khách hàng chủ yếu của các cửa hàng này là người nước ngoài và người Singapore có thu nhập trung bình và cao. Thêm vào đó, Dairy Farm vận hành 7 chuỗi cửa hàng tiện lợi bao gồm 530 cửa hàng và 128 cửa hàng Dược phẩm Guardian.
Đứng thứ hai là chuỗi cửa hàng NTUC Fairprice với 97 siêu thị, 16 cửa hàng Fairprice Thượng hạng, và 7 cửa hàng Fairprice Đặc biệt (Đại siêu thị). Thêm vào đó, chuỗi NTUC có 160 cửa hàng tiện lợi vui vẻ, 20 cửa hàng Fairprice tiện lợi với một vài cửa hàng nằm ở các trạm Esso – Mobil. Khách hàng mục tiêu của NTUC Fairprice chủ yếu là nhóm có thu nhập trung bình và thấp. Giá cả cạnh tranh là một trong các yếu tố quyết định việc đưa các sản phẩm mới vào chuỗi cửa hàng NTUC Fairprice. Chuỗi NTUC Fairprice được xem là rộng lớn nhất xét về độ bao phủ khách hàng, địa lý và các nhóm thu nhập. Các cửa hàng của Fairprice có mặt ở hầu hết các khu dân cư tập trung đông đúc. Các nhà nhập khẩu có mong muốn phân phối sản phẩm trên toàn quốc, hướng đến thị trường đại trà thường ưa thích làm việc với NTUC Fairprice.

Chuỗi cửa hàng NTUC Fairprice thu mua các mặt hàng thực phẩm từ những công ty gom hàng lẻ, nhà phân phối, và nhà nhập khẩu địa phương. Từ năm 1985, công ty bắt đầu xây dựng thương hiệu với các sản phẩm gia đình, nhu yếu phẩm như bánh kẹo, gạo, bánh mì, sốt, dầu ăn, giấy vệ sinh, giấy ăn, đường, chất tẩy rửa, các loại rau, củ, quả đóng hộp… Trung bình các sản phẩm tại cửa hàng có giá thấp hơn 10 – 15 cent (tương đương 2,000 – 3,000 đồng) so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Vào tháng 7 năm 2008, “Pasar Organic” được bán ở các cửa hàng của NTUC Fairprice, cung cấp nông sản hữu cơ với giá phải chăng.

Bên cạnh đó cũng có một số siêu thị quản lý độc lập như Isetan, Meidi-Ya, Mustafa’s, và Prime. Chuỗi siêu thị mới mở gần đây nhất, Sheng Siong với 33 cửa hàng vừa và nhỏ và Prime với 19 cửa hàng, là mô hình kinh doanh gia đình. Các chuỗi cửa hàng này đều phát triển từ các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, có mức giá rất cạnh tranh do hàng hóa chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc và các quốc gia châu Á lân cận có chi phí thấp. Khách hàng của cả hai chuỗi siêu thị này phần lớn là nhóm có thu nhập trung bình và thấp. Các siêu thị còn lại kể trên đều vận hành độc lập với một cửa hàng duy nhất. Isetan và Meidi-Ya nhắm vào đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình và cao và cộng đồng người Nhật Bản ở Singapore.

Ngành dịch vụ ẩm thực

Thị trường dịch vụ ẩm thực tại Singapore gần đây phát triển rất ổn định do nền kinh tế trong nước không có nhiều biến động, du lịch phát triển và những thay đổi về địa lý. Doanh thu của các nhà hàng theo báo cáo tăng 10% trong năm 2013 do đối tượng khách đi du lịch và công tác tăng mạnh. Nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ ẩm thực là sự tăng trưởng của ngành du lịch, môi trường kinh tế ổn định, sự gia tăng số lượng lao động nữ, và lạm phát thấp. Sự ra đời của hai khu nghỉ dưỡng tích hợp, Marina Bay Sands và Resorts World Singapore và các trang thiết bị phục vụ giải trí; Garden by the Bay và Marine Life Park, cùng các khu trung tâm thương mại tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh hoặc các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường.
Người Singapore hàng năm chi khoảng 5,7 tỷ USD cho việc đi ăn tiệm. Các nhóm nhà hàng chiếm khoảng 37% trong khi các cửa hàng đồ ăn nhanh chiếm 13% tổng doanh thu của khu vực dịch vụ ẩm thực và đồ uống. Các quầy đồ ăn chiếm 12% thị trường ẩm thực và đồ uống. Nhóm danh mục khác bao gồm cà-phê, quán cà-phê, khu ẩm thực, nhà ăn chiếm 38% tổng ngành. Do ăn tại những cửa hàng đồ ăn sẵn hiện diện ở mọi ngõ ngách của các khu dân cư lớn khá là rẻ, hầu hết người Singapore sử dụng dịch vụ này một lần một ngày. Kết quả khảo sát của phòng thống kê chỉ ra rằng trung bình các hộ gia đình mỗi tháng chi khoảng 213 USD cho việc đi ăn hàng, cà-phê và giải khát. Do ở hầu hết các gia đình Singapore người vợ cũng đóng vai trò lao động, nên các gia đình này cảm thấy thuận tiện và thường là rẻ hơn khi đi ăn ngoài. Và không khó để tìm thấy các gia đình người Singapore cùng nhau đi ăn tối ở một cửa hàng đồ ăn gần nơi mình sinh sống.
Có khoảng 5.500 cửa hàng đồ ăn trên cả nước. Bênh cạnh đó còn có các chuỗi đồ ăn nhanh như McDonalds, Kentucky Fried Chicken, Burger King, Pizza Hut, Swensen’s hiện diện ở các trung tâm thương mại lớn, rải rác trên khắp cả nước.
Các công ty chuyên về dịch vụ ẩm thực ở Singapore đang mở rộng mạng lưới phân phối tới các quốc gia châu Á khác để đạt được tính kinh tế theo qui mô. Do nhu cầu cho các nhà hàng khá là hạn chế, các công ty cung cấp dịch vụ ẩm thực ở Singapore cung cấp chuỗi sản phẩm đến những khách hàng có nhu cầu, dù nhỏ lẻ nhưng thường xuyên, với đồ ăn mang phong cách Mỹ.


Nhập khẩu thực phẩm tiêu dùng và thủy hải sản của Singapore

Mặt hàng 2011 2012 2013
Thực phẩm tiêu dùng 6.086 6.162 6.805
Thức ăn nhanh (trừ các loại hạt) 341 366 389
Ngũ cốc, bánh ăn sáng 32 33 37
Thịt đỏ: tươi/ ướp lạnh/ đông lạnh 503 520 520
Thịt đỏ: chế biến sẵn 166 178 186
Thịt gia cầm 270 274 280
Sản phẩm sữa (trừ phô mai) 976 885 1049
Phô mai 78 81 87
Trứng và các sản phẩm từ trứng 127 116 130
Trái cây tươi 413 439 486
Rau tươi 366 394 436
Trái cây và rau chế biến 311 331 365
Nước trái cây 61 74 81
Các loại hạt 159 131 121
Rượu và bia 615 621 729
Sản phẩm cho trẻ nhỏ 93 82 87
Thức ăn cho thú nuôi (chó và mèo) 26 30 33
Các sản phẩm khác 1.548 1.606 1.791
Thủy hải sản 1094 1006 1009
Cá hồi 50 49 68
Surimi 0 0 0
Động vật giáp xác 330 323 372
Cá tầng đáy và cá da trơn 34 42 29
Động vật thâm mềm 120 107 106
Các loại thủy hải sản khác 560 484 434

Nguồn: Bản đồ thương mại thế giới (GTA)


Ngành chế biến thực phẩm

Ngành chế biến thực phẩm ở Singapore có khoảng 750 công ty, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những công ty này trải rộng ở 17 ngành, từ hương liệu, sốt, đồ ăn sẵn, mì, thịt đóng hộp, chế biến sốt, bánh kẹp, sô-cô-la, đồ ăn nhẹ đến đồ uống. Một số nhà sản xuất thực phẩm quan tâm đến các hoạt động đầu tư mạo hiểm ở nước ngoài và đã có được chỗ đứng nhất định trên nhiều thị trường như thị trường các nước ASEAN, Trung Đông và Nga.
Các nhà sản xuất thực phẩm Singapore rất chú ý đến mảng R&D (Nghiên cứu và phát triển) để phát triển cơ sở khách hàng rộng hơn bằng cách cải thiện khâu đóng gói, bao bì sản phẩm, cũng như là nghiêm chỉnh chấp hành các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Có rất nhiều tiêu chuẩn được chứng nhận bởi các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế như HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), ISO 22000, và BRC (Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm), giúp các nhà sản xuất giành được lợi thế trên thị trường quốc tế.
Trên thực tế tất cả các nguyên liệu để sản xuất thực phẩm được nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau do Singapore không trồng lúa, nuôi gia súc gia cầm.
Singapore là quốc gia xuất khẩu thành phẩm (các sản phẩm cà-phê, trà, co-ca, gia vị, đồ uống; cá, hải sản; các sản phẩm đồ uống và thuốc lá).
Tổng giá trị sản phẩm của ngành sản xuất thuốc lá, đồ uống-thực phẩm đạt 7 tỷ USD vào năm 2013, trong đó hơn 50% sản phẩm được tái xuất khẩu. Các sản phẩm này bao gồm bia, đồ uống không cồn, dầu ăn, sô – cô –la, hải sản chế biến, bột sữa, sữa đặc, sốt và gia vị.
Nguồn gốc cạnh tranh phụ thuộc vào bản chất của sản phẩm. Ví dụ như ÚC và New Zealand cung cấp phần lớn sữa và các sản phẩm từ sữa trong khi Trung Quốc cung cấp phần lớn các sản phẩm từ ngô và đậu nành. Malaysia cung cấp gần 20% thị trường nguyên liệu thực phẩm và là nhà cung cấp chính gia cầm sống để giết thịt, dầu ăn, rau quả nhiệt đới. Hoa Kỳ chiếm một phần không nhỏ thị trường trái cây, nước trái cây cô đặc, bộ phần gia cầm đông lạnh, trái cây ôn đới, hạt, hương liệu, gia vị và thuốc lá.


Top 15 nước xuất khẩu thực phẩm tiêu dùng và thủy hải sản lớn sang Singapore

Xếp hạng Quốc gia 2011 2012 2013
1 Malaysia 998 1,025 1,121
2 Hoa Kỳ 587 675 746
3 Australia 644 628 614
4 Trung Quốc 470 466 509
5 Pháp 464 451 506
6 New Zealand 442 398 492
7 Brazil 319 340 378
8 Thái Lan 286 286 315
9 Indonesia 322 296 299
10 Hà Lan 169 196 216
11 Việt Nam 70 101 166
12 Đức 101 109 125
13 Ấn Độ 105 97 120
14 Nhật Bản 101 120 117
15 Italy 85 93 101
Các nước khác 924 884 981
Tổng cộng 6.086 6.162 6.805
Nguồn: Bản đồ thương mại thế giới (GTA) (hết)
11103 views