QUY TRÌNH XUẤT KHẨU

Một quy trình xuất khẩu hoàn chỉnh sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiếp kiệm được thời gian, nhân lực trong hoạt động xuất khẩu đồng thời góp phần không nhỏ trong thành công của hoạt động này. Nhận thức được tầm quan trọng của quy trình này đối với doanh nghiệp xuất khẩu, vietGO xin giúp quý công ty xây dựng một quy trình xuất khẩu hoàn chỉnh dưới đây. Hy vọng quy trình sẽ giúp ích ít nhiều trong hoạt động xuất khẩu của quý công ty. Quy trình bao gồm các bước như sau:

 

Bước 1 – Gửi Email

Sau khi có được đề nghị đặt mua hàng của khách hàng, doanh nghiệp xuất khẩu và đối tác nước ngoài trao đổi những thông tin cơ bản đầu tiên thông qua Email. Đây là bước tạo tiền đề cho giao dịch trong tương lai và tạo dựng hình ảnh ban đầu với đối tác.

 

Bước 2 – Gửi hàng mẫu

Sau khi nhận được những thông tin cần thiết, phía đối tác sẽ yêu cầu doanh nghiệp gửi hàng mẫu cụ thể. Hàng mẫu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của khách hàng về ; chất lượng, quy cách, kích thước, kỹ thuật, mầu sắc…Đối với những mặt hàng có tính quy chuẩn thì không cần bước này như: Gạo, tinh bột sắn, sắt thép…

 

Bước 3 – Đàm phán

Sau khi đối tác chấp nhận hàng mẫu và hài lòng về tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm, hai bên sẽ đàm phán về các điều khoản trong Hợp đồng như: Giá thành, thời gian sản xuất, địa điểm giao hàng, phương thức thanh toán, vận chuyển

 

Bước 4 – Gặp đối tác

Đối với các hợp đồng lớn hoặc đối tác có thiện chí hợp tác lâu dài họ sẽ bay sang Việt Nam để thăm quan nhà máy, quy trình sản xuất, cách thức làm việc và quy mô của Doanh nghiệp. Đây là bước tạo niềm tin cho hợp đồng sắp tới và hợp tác trong tương lai

 

Bước 5 – Ký Hợp đồng

Đây là một trong những bước quan trọng nhất của quy trình xuất khẩu, sau khi hai bên cùng thống nhất với các điều khoản, hợp đồng sẽ được ký qua Fax hoặc ký tại Việt Nam nếu đối tác sang.

 

Bước 6 – Mở thanh toán Quốc tế

Đối tác sẽ mở thủ tục thanh toán quốc tế theo như thoả thuận đã ký trong hợp đồng bằng hình thức L/C, T/T, ngân hàng sẽ báo có sau khi đối tác mở thanh toán quốc tế từ 3-7 ngày, doanh nghiệp cần kiểm tra các chứng từ có giá xem nội dung có đúng như trong thoả thuận, cần thông báo với đối tác để chỉnh sửa ngay nếu các điều kiện thoanh toán không đúng theo thoả thuận. Doanh nghiệp cần xác nhận chứng từ có giá đối với những hợp đồng có giá trị lớn hoặc mở tại những ngân hàng chưa có uy tín. Đối với những hợp đồng có điều khoản thanh toán T/T, khách hàng sẽ giao tiền ngay khi ký hợp đồng hoặc chuyển khoản. (Lưu ý: Nếu tiền không đi qua ngân hàng thì công ty bạn sẽ không được hoàn thuế VAT.)

 

Bước 7 – Sản xuất

Doanh nghiệp bắt đầu đi vào sản xuất khi xác nhận được thanh toán quốc tế, doanh nghiệp cần hết sức chú ý đến chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, ngoài ra thường xuyên gửi ảnh và thông báo tiến độ sản xuất cho đối tác, Doanh nghiệp cần lập đội KCS và gửi quy trình kiểm hàng cho đối tác để tạo được niềm tin. Sau khi công việc sản xuất hoàn tất, đối tác sẽ chỉ định công ty kiểm hàng hoặc tự kiểm hàng. Doanh nghiệp đóng gói theo yêu cầu của khách hàng.Tất cả phải được hoàn tất trước thời hạn hợp đồng và thời hạn thanh toán quốc tế

 

Bước 8 – Vận tải nội địa

Hàng hoá được đóng vào container cung cấp đúng theo số lượng đã ký kết với khách hàng trong Hợp đồng và được vận chuyển ra cảng. Trước khi hàng ra tới cảng xuất khẩu, hàng hoá phải có đầy đủ Bộ chứng từ như: chứng nhận xuất xứ hàng hoá, giấy chứng nhận về kiểm định hàng hoá ( Đối với các nước ASEAN), hun trùng ( Hàng mây tre lá, Mùn cưa, Gỗ….), kiểm dịch thực vật, hoá đơn…Công việc này thường được các công ty vận tải trong nước làm giúp doanh nghiệp.

 

Bước 9 – Vận tải Quốc tế

Nếu trong hợp đồng là doanh nghiệp bán C&F hoặc CIF, hàng hoá sẽ được kéo đến cảng và đưa lên tầu trước ngày cuối cùng ghi trong chứng từ thanh toán quốc tế. Công tác vận tải đường biển sẽ được các công ty vận tải và các hãng tầu đảm nhiệm. Khi hàng cập cảng đến, các tầu sẽ tự động thông báo với khách hàng để làm thủ tục nhập hàng.

 

Bước 10: Gửi chứng từ thanh toán

Sau khi tầu chạy, doanh nghiệp đem toàn bộ hồ sơ chứng từ của lô hàng xuất khẩu đến Ngân hàng mà doanh nghiệp đăng ký tài khoản để xin thanh toán quốc tế. Công việc đó nếu doanh nghiệp không tự làm được thì doanh nghiệp có thể uỷ nhiệm cho các công ty vận tải trong nước làm giúp. Toàn bộ các nội dung của bộ chứng từ phải hoàn toàn chính xác so với chứng từ có giá của ngân hàng thì việc thanh toán sẽ đỡ mất thời gian của doanh nghiệp.

 

Bước 11: Nhận tiền

Từ 7-10 ngày sau khi ngân hàng duyệt bộ chứng từ của doanh nghiệp, tiền sẽ được chuyển về tài khoản của doanh nghiệp một cách đầy đủ (thường áp dụng với các trường hợp thanh toán L/C). Đối với trường hợp thanh toán T/T khách hàng sẽ chuyển tiền khi hàng lên tầu hoặc cập cảng đến, điều này tuỳ thuộc vào điều kiện trong hợp đồng xuất khẩu.

 

11054 views