QUY ĐỊNH VỀ GHI NHÃN MÁC XUẤT NHẬP KHẨU

Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 có hiệu lực từ ngày 01/06/2017 thay thế NĐ 89 Quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về NHÃN MÁC đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, NHÃN MÁC hàng hóa xuất  nhập khẩu:

​Danh mục những hàng hóa xuất nhập khẩu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 43/2017/NĐ-CP (không phải ghi nhãn):

– Hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa tạm nhập để tham gia hội chợ, triển lãm sau đó tái xuất; hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu; hàng hóa trung chuyển.

– Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển.

– Hàng hóa đã qua sử dụng.

– Hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa. Một số điểm của Nghị định 43/2017/NĐ-CP về Nhãn hàng hóa có liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu:

– Trong trường hợp hàng hoá xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định.

– Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.

– Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá.

– Đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường phải có nhãn phụ.

– Những hàng hóa không phải ghi nhãn phụ gồm: Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.

Ban hành kèm theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP là các Phụ lục hướng dẫn về nội dung và cách ghi nhãn hàng hóa sau:

– Phụ lục I: Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa của 66 nhóm hàng hóa.

– Phụ lục II: Quy định cách ghi định lượng của hàng hóa theo khối lượng, thể tích, diện tích,…và trạng thái, dạng hoặc loại hàng hóa.

– Phụ lục III: Quy định cách ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng và mốc thời gian khác của hàng hóa.

– Phụ lục IV: Quy định cách ghi về thành phần, thành phần định lượng của hàng hóa.

– Phụ lục V: Quy định cách ghi khác về thông số kỹ thuật, thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn của hàng hóa.

Kiểm tra xuất xứ thông qua nhãn mác hàng hóa nhập khẩu:

– Kiểm tra, đối chiếu các thông tin về xuất xứ ghi trên hàng hóa, bao bì, nhãn mác với nội dung khai báo của người khai hải quan trên Tờ khai hải quan, với kết quả kiểm tra hồ sơ hải quan và đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14 /04/2017  về nhãn hàng hóa XNK.

– Kiểm tra sự thống nhất về xuất xứ trên hàng hóa, bao bì, nhãn mác.

– Đối với hàng nhập khẩu là hàng lỏng, hàng rời, hàng không thuộc diện ghi nhãn hoặc hàng hóa có nhãn mác nhưng không thể hiện thông tin về xuất xứ thì kiểm tra hành trình của lô hàng để có cơ sở xác định xuất xứ hàng hóa.

– Trong trường hợp cần thiết, tiến hành kiểm tra xuất xứ các linh kiện, bộ phận cấu thành sản phẩm hoặc lấy mẫu hàng hóa thực hiện phân tích giám định để có thêm thông tin, căn cứ xác định xuất xứ.

( Sưu Tầm)

1780 views