Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển: Câu 10

Câu 10: Theo luật Anh, khi nào hợp đồng thuê tàu được coi là đã được xác lập và ràng buộc các bên?

Trả lời:

Theo luật Vương quốc Anh, không có quy định bắt buộc nào về hình thức của hợp đồng thuê tàu. Vì vậy, về mặt lý thuyết, hợp đồng thuê tàu có thể được lập bằng văn bản hoặc bằng miệng. Tuy nhiên, trong thực tiễn hàng hải thường có hai giai đoạn để hình thành và xác lập hợp đồng thuê tàu như sau:

– Giai đoạn thứ 1: Là giai đoạn đàm phán về các điều khoản cơ bản của hợp đồng thuê tàu. Nếu hai bên thống nhất được với nhau, thì giai đoạn này được kết thúc bằng một thỏa thuận không chính thức (informal agreement), các bên tổng hợp và xác nhận lại các vấn đề đã thỏa thuận (recap).

– Giai đoạn thứ 2: Là giai đoạn soạn thảo và ký kết hợp đồng thuê tàu.

Trong trường hợp vì một lý do nào đó mà hợp đồng thuê tàu không được ký kết và xảy ra tranh chấp, Tòa án hay Trọng tài Anh thường nghiên cứu kỹ các thư từ, điện tín trao đổi giữa các bên ở giai đoạn đàm phán để xác định xem liệu hợp đồng thuê tàu đã được xác lập hay chưa? Thông thường, thỏa thuận không chính thức (thỏa thuận qua các văn bản giao dịch) vẫn có giá trị ràng buộc các bên, nếu qua đàm phán hai bên đã đạt được sự nhất trí về các điều khoản cơ bản của hợp đồng thuê tàu.

Tuy nhiên, nếu trong các văn bản giao dịch các bên có bảo lưu rõ ràng rằng kết quả đàm phán, thương lượng “phụ thuộc vào việc ký hợp đồng” (subject to contract), thì trong trường hợp này, ý chí của các bên là mọi thỏa thuận đạt được trong giai đoạn đàm phán không có giá trị ràng buộc các bên cho đến khi hợp đồng thuê tàu chính thức được ký kết.

Trong vụ Sociedade Portuguesa v. Hvalsfslak Polaris (1952), sau một thời gian dài thương lượng giữa người thuê ở Bồ Đào Nha và chủ tàu Na Uy, có một lượng lớn thư từ, điện tín được trao đổi qua các nhà môi giới ở London và Oslo. Trong một số văn bản giao dịch, nhà môi giới của chủ tàu nêu rõ rằng thương lượng phụ thuộc vào việc ký hợp đồng (negotiating subject to contract). Các bên đã đạt được thỏa thuận về các điều khoản cơ bản của hợp đồng thuê tàu, nhưng sau đó hợp đồng không được ký kết và người thuê ở Bồ Đào Nha từ chối việc thuê tàu.

Chủ tàu đã khởi kiện đòi bồi thường tổn thất vì cho rằng người thuê đã vi phạm hợp đồng thuê tàu. Tòa phán rằng qua các văn bản giao dịch có thể thấy rằng các bên chủ định rằng “thương lượng phụ thuộc vào việc ký hợp đồng”. Trong hoàn cảnh như vậy, hợp đồng thuê tàu chỉ được xác lập khi đã được hai bên chính thức ký kết. Vì vậy, thương nhân Bồ Đào Nha không phải bồi thường thiệt hại cho chủ tàu.

Một vụ tranh chấp khác giữa chủ tàu Việt Nam và người thuê tàu nước ngoài áp dụng luật Anh. Đầu tháng 3 năm 2009, một chủ tàu Việt Nam giao dịch với người thuê tàu có trụ sở ở Mỹ cho thuê tàu để vận chuyển hàng hóa từ một cảng Nam Mỹ về Singapore và Bangkok. Qua đàm phán, hai bên đã nhất trí với nhau về các điều khoản cơ bản của hợp đồng thuê tàu như: tên tàu, hàng hóa, cảng xếp và dỡ hàng, thời gian tàu đến cảng xếp hàng, mức xếp dỡ hàng, thưởng phạt, chi phí xếp dỡ hàng, cước phí và thanh toán. Hai bên còn thỏa thuận rằng tranh chấp sẽ được giải quyết tại Trọng tài London theo luật Anh và các điều khoản khác theo mẫu hợp đồng thuê tàu Gencon 1994.

Đến cuối tháng 3 năm 2009, thị trường biến động mạnh, cước phí đường biển tăng rất cao. Khi nhận được bản dự thảo hợp đồng thuê tàu do người thuê tàu gửi đến, thấy bị hớ, chủ tàu không ký hợp đồng và điện yêu cầu người thuê tàu phải tăng cước cho bằng giá cả thị trường lúc bấy giờ. Người thuê tàu đã cố gắng thuyết phục chủ tàu rằng giá cước đã thỏa thuận không thể thay đổi và nên giữ chữ tín để làm ăn lâu dài. Tuy vậy, chủ tàu vẫn điện cho người thuê tàu khăng khăng yêu cầu tăng cước, nếu không sẽ cho tàu đi chở hàng khác.

Đầu tháng 4 năm 2009, người thuê tàu gửi thư cho chủ tàu thông báo rằng họ đã thuê tàu khác để vận chuyển lô hàng và sẽ khởi kiện chủ tàu tại Trọng tài London đòi bồi thường thiệt hại 240.000 USD do chủ tàu vi phạm hợp đồng thuê tàu đã được xác lập qua các văn bản giao dịch. Chủ tàu đã thuê luật sư Anh để tư vấn về hướng giải quyết vụ tranh chấp.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu do chủ tàu cung cấp, luật sư thấy rằng trong quá trình giao dịch, giữa chủ tàu và người thuê tàu đã nhất trí với nhau về các điều khoản cơ bản của hợp đồng thuê tàu, mà không có bảo lưu gì. Vì vậy, theo luật Anh thì hợp đồng thuê tàu được coi là đã được xác lập và có giá trị ràng buộc các bên, dù nó chưa được chính thức ký kết .

Để tránh việc ra Trọng tài ở London phát sinh thêm chi phí rất tốn kém, theo tư vấn của luật sư, chủ tàu đã giải quyết tranh chấp với người thuê tàu bằng thương lượng hòa giải. Hai bên đã ký với nhau một thỏa thuận, theo đó chủ tàu cho người thuê tàu thuê một con tàu khác cho một chuyến hàng khác với giá cước rẻ hơn thị trường, đủ để bù đắp thiệt hại của người thuê tàu. Đổi lại, người thuê tàu cam kết từ bỏ mọi khiếu nại liên quan tới hợp đồng thuê tàu đã được xác lập qua các văn bản giao dịch, nhưng không được chủ tàu thực hiện.

Qua hai vụ tranh chấp nêu trên, có thể thấy rằng theo luật Anh hợp đồng thuê tàu được coi là đã được xác lập và có giá trị ràng buộc các bên, nếu qua đàm phán hai bên đã đạt được sự nhất trí về các điều khoản cơ bản của hợp đồng thuê tàu, mà trong các văn bản giao dịch không có bảo lưu gì. Trường hợp trong các văn bản giao dịch có bảo lưu “phụ thuộc vào việc ký hợp đồng” (subject to contract) thì hợp đồng thuê tàu chỉ được xác lập khi nó đã được hai bên chính thức ký kết.

 

3132 views