Tạo hành lang pháp lý giám sát việc thực hiện độc quyền Nhà nước

AsemconnectVietnam – Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại nhằm tạo một hành lang pháp lý cụ thể, minh bạch và thống nhất để Nhà nước kiểm tra giám sát việc thực hiện độc quyền nhà nước phù hợp theo các quy định pháp luật hiện hành và cam kết quốc tế.

Bộ Công Thương cho biết, trong những năm gần đây, quan điểm của Đảng và Nhà nước về vai trò và vị trí của thương mại nhà nước trong nền kinh tế thị trường đã có nhiều biến chuyển sâu sắc. Những thay đổi này xuất phát từ quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nhu cầu đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Trong bối cảnh này, việc xây dựng Nghị định này là cần thiết nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói riêng.

Đồng thời, góp phần thực hiện quy định tại Khoản 4 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 quy định “Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước”.

Việc xây dựng các quy định này cũng góp phần thể chế hóa chủ trương đổi mới quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập tại Quyết định 419/QĐ-TTg ngày 11/4/2012. Trong đó đề cao nguyên tắc thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bằng pháp luật; tăng cường bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Nghị định cũng nhằm đảm bảo sự phù hợp với các cam kết quốc tế. Theo Bộ Công Thương, việc hạn chế sự can thiệp của nhà nước và sự gia tăng các thành phần kinh tế tham gia trong mọi lĩnh vực là một minh chứng chứng minh cho định hướng xây dựng nền kinh tế của Việt Nam là phù hợp với cam kết. Đề án được xây dựng với mục tiêu thu hẹp lĩnh vực độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại với các tiêu chí rõ ràng là sự phù hợp nhất định với cam kết quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Nghị định ra đời sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích khu vực kinh tế khác tham gia đầu tư vào ngành, lĩnh vực. Bộ Công Thương cho biết, việc hạn chế lĩnh vực độc quyền nhà nước cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích khu vực kinh tế khác tham gia đầu tư vào ngành, lĩnh vực. Mặt khác, xét trong khía cạnh nào đó, độc quyền nhà nước cũng tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, dẫn đến sự kìm hãm phát triển của đất nước.

Từ những lý do trên, Bộ Công Thương dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại gồm 3 chương 11 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất rõ nguyên tắc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại, tiêu chí độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại…

Nguyên tắc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại

Cụ thể, việc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại phải đảm bảo 3 nguyên tắc sau: 1- Chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền hoặc các thành phần kinh tế khác không có khả năng tham gia.

2- Độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhất định chỉ được thực hiện theo quy định của Nghị định này hoặc của luật, pháp lệnh, nghị định khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên còn hiệu lực và được ban hành trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về độc quyền Nhà nước.

3- Độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại phải được thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Nguồn: chinhphu.vn

1679 views