Tái chế chai lọ, được hoàn tiền đặt cọc

TTO – Giá đồ uống trong chai thủy tinh, nhựa hay kim loại có thể sẽ tăng nhẹ nếu Anh áp dụng chương trình hoàn tiền đặt cọc, nhưng người tiêu dùng có thể lấy lại tiền nếu tái chế chúng.

 

Tái chế chai lọ, được hoàn tiền đặt cọc - Ảnh 1.

Chai nhựa đang là một trong những rác thải chính làm ô nhiễm đại dương – Ảnh: CNN

Đây là nỗ lực nhằm giảm lượng rác thải trên mặt đất và đại dương. Toàn thế giới, lượng chai nhựa chiếm 1/3 rác trên biển, chưa kể tới 5 nghìn tỉ tấn nhựa khác đang làm ô nhiễm đại dương.

Tuần qua, chính phủ Anh công bố một báo cáo, cho thấy nếu không có sự can thiệp, lượng rác thải trôi nổi trên biển sẽ tăng gấp ba trong vòng một thập kỷ. Ước tính, 13 tỷ chai nhựa được sử dụng ở Anh mỗi năm, trong đó 5,5 tỷ chai không được đưa đến các cơ sở tái chế.

Thư ký Bộ môi trường của Anh, ông Michael Gove, cho biết: “Chúng ta không thể phủ nhận nhựa đang làm ô nhiễm môi trường biển – giết chết cá heo, làm rùa nghẹt thở, và phá hủy môi trường sống quý giá của chúng ta. Chúng ta buộc phải hành động ngày để giải quyết mối nguy này, và kiểm soát hàng triệu chai nhựa đang không được tái chế mỗi ngày”.

Khuyến khích tái chế

Hệ thống hoàn tiền cọc tương tự đã đi vào vận hành ở một số quốc gia, như Thụy Điển, Đức, Phần Lan và một số bang của Mỹ. Số tiền cụ thể ở Anh chưa được công bố, nhưng người tiêu dùng các nước khác phải trả khoảng 0,1 đến 0,5 USD.

Các doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm đảm bảo những chai lọ do khách trả được tái chế hiệu quả. Theo chính phủ Anh, điều này đã giúp Đức đạt tỉ lệ tái chế 97%.

Một số quốc gia sử dụng “máy bán hàng tự động ngược” để thu thập chai lọ đựng đồ uống. Returpack, tổ chức chính áp dụng phương pháp tiền cọc ở Thụy Điển, cho biết họ đạt tỉ lệ tái chế 85% với chai nhựa và hộp thiếc.

Tại Phần Lan, Suomen Palautuspakkaus Oy – nhà vận hành hệ thống hoàn tiền lớn nhất – đạt mức trả lại vỏ chai khoảng 89-95% vào năm 2015. Hệ thống tương tự ở Nam Australia có tỉ lệ trả lại vỏ là 80%.

Tái chế rác nhựa có đủ không?

Kế hoạch hoàn tiền của Anh là kết quả của một cuộc thảo luận dựa trên quan điểm của các nhà sản xuất, cung ứng và người tiêu dùng.

Năm 2017, Hiệp hội Cửa hàng tiện ích của Anh đã bày tỏ lo ngại về tác độc của chương trình này đến khu vực hàng tiện ích, cho rằng điều đó tăng thời gian khách hàng chờ thanh toán, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và an toàn cho nhân viên, cũng như giảm không gian sử dụng trong cửa hàng.

Tổ chức từ thiện Surfers Against Sewage đã vận động áp dụng hệ thống hoàn tiền khắp nước Anh trong 18 tháng qua. Tháng 9-2017, họ đã gửi tới chính phủ Anh một bản kiến nghị có 329.000 chữ ký.

Hugo Tagholm, CEO của Surfers Against Sewage, cho biết: “Động thái bảo vệ đại dương này sẽ ngăn hàng triệu chai nhựa bị thải ra môi trường hàng năm, cũng như giảm bớt làn sóng nhựa đang bao trùm các bờ biển của chúng ta”.

Tổ chức Greenpeace UK cho biết giải pháp này của chính phủ đã đi đúng hướng, nhưng cần có thêm chính sách để kiểm soát việc sản xuất nhựa.

Cô Elena Polisano, một thành viên chiến dịch bảo vệ biển của Greenpeace UK, cho biết: “Chúng ta đang tạo ra nhiều chai nhựa dùng cho một mục đích hơn hệ thống tái chế có thể xử lý, và thường phải chôn, đốt hay vận chuyển chúng ra nước ngoài. Đó không phải là phát triển bền vững.

Ngoài việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng, chính phủ Anh cũng nên tạo áp lực với các nhà sản xuất và phân phối để thay đổi hành vi của họ.

Điều đó đồng nghĩa với việc khuyến khích các công ty sản xuất và phân phối giảm lượng sản phẩm nhựa dùng một lần và tìm kiếm các giải pháp thay thế. Hành động cả từ lãnh đạo và người dân là chìa khóa giúp ngăn chặn rác thải nhựa làm ô nhiễm đại dương”.

HẢI ĐĂNG (Theo CNN) ( Theo nguồn báo Tuổi Trẻ )

1116 views