Quy định mới về trị giá hải quan khác gì so với hiện hành?

(HQ Online)- Dự thảo Nghị định quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa XK, NK hướng dẫn Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) đã được Tổng cục Hải quan xây dựng và đang lấy ý kiến trong ngành. So với các quy định hiện hành tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2015/TT-BTC, dự thảo Nghị định này có khá nhiều điểm mới để khắc phục những bất cập hiện hành.

Công chức  Chi cục Hải quan Cha Lo, Quảng Bình kiểm tra hàng hóa trên phương tiện nhập cảnh.
Ảnh: HỮU LINH.

Quy định lại về “ngày XK”

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2015/TT-BTC thì ngày XK là ngày phát hành vận đơn. Trường hợp không có vận đơn, ngày XK sẽ là ngày đăng ký tờ khai hải quan NK hàng hóa.

Quy định lại về khái niệm “ngày XK”, tại dự thảo Nghị định quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa XK, NK đã chia ra thành 2 phương án để chọn lựa. Phương án 1 quy định: ngày XK là ngày xếp hàng lên phương tiện vận tải; trường hợp không có ngày xếp hàng lên phương tiện vận tải là ngày phát hành vận đơn. Trường hợp không có ngày xếp hàng lên phương tiện vận tải và ngày phát hành vận đơn thì ngày XK sẽ là ngày đăng ký tờ khai hải quan NK hàng hóa. Phương án 2 chỉ quy định: ngày XK sẽ là ngày đăng ký tờ khai hải quan NK hàng hóa.

Bổ sung thêm trách nhiệm của cơ quan Hải quan

Quy định hiện hành về quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan, trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan Hải quan tại Thông tư 39 mới chỉ quy định những quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm mang tính đặc thù riêng trong lĩnh vực trị giá hải quan. Theo đó, cơ quan Hải quan chỉ được xác định trị giá cho một số trường hợp: Người khai hải quan không xác định được trị giá hải quan hoặc các trường hợp hàng hóa NK đã qua Việt Nam đã thay đổi mục đích sử dụng, hàng không có hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn thương mại.

Vì vậy, dự thảo Nghị định đã bổ sung thêm trường hợp cơ quan Hải quan được xác định trị giá khi người khai hải quan không giải trình hoặc không giải trình được về tính trung thực, chính xác của trị giá khai báo.

Quy định rõ “cửa khẩu xuất”

Quy định tại Điều 20 Nghị định 08/2015/NĐ-CP về trị giá hải quan là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm chi phí bảo hiểm quốc tế (I), phí vận tải quốc tế (F), tuy nhiên lại chưa quy định rõ khái niệm “cửa khẩu xuất” và các khoản chi phí phải cộng vào trị giá hàng hóa XK dẫn đến vướng mắc trong thực hiện đối với trường hợp DN ký hợp đồng theo điều kiện giao hàng FAS, EXW, FCA thì cơ quan Hải quan không có căn cứ cụ thể để xác định chính xác khoản chi phí nào có liên quan đến hàng hóa XK tại cửa khẩu xuất.

Để khắc phục bất cập hiện hành, dự thảo Nghị định đã quy định: “Trị giá hải quan là giá bán thực tế tính đến cửa khẩu xuất bao gồm cả phí bảo hiểm (nếu có), phí vận tải và các chi phí khác liên quan đến hàng hóa XK cho đến khi hàng hóa đã được xếp lên phương tiện vận tải tại cửa khẩu xuất; không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế (I), phí vận tải quốc tế (F) và thuế XK tại Việt Nam, được xác định theo các phương pháp quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp thuế XK tại Việt Nam được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán thì không được trừ ra khỏi trị giá hàng XK”.

Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ việc xác định “Cửa khẩu xuất” theo các loại hình XNK: Đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không thì cửa khẩu xuất là cảng xếp hàng ghi trên vận đơn; đối với phương thức vận tải đường sắt, cửa khẩu xuất là ga đường sắt liên vận quốc tế ở biên giới; đối với phương thức vận tải đường bộ, đường sông cửa khẩu xuất là cửa khẩu biên giới nơi hàng hóa XK ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; đối với hàng hóa gửi kho ngoại quan để xuất ra nước ngoài, cửa khẩu xuất là nơi hàng hóa làm thủ tục nhập kho ngoại quan.

Bỏ khoản giảm giá

Ban soạn thảo Nghị định phân tích, theo quy định hiện hành, việc xem xét, quyết định, điều chỉnh trừ khoản giảm giá do Cục trưởng cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét, quyết định nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định trong trường hợp trị giá của khoản giảm giá dưới 5% tổng trị giá lô hàng và trị giá khai báo không thấp hơn mức giảm giá tham chiếu của hàng hóa giống hệt tại Danh mục hàng hóa NK rủi ro về trị giá. Đối với các trường hợp giảm giá khác, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan sẽ xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, thời gian qua, hồ sơ đề nghị xem xét, giảm giá chủ yếu là giảm giá về số lượng. Việc xét hồ sơ giảm giá dễ phát sinh tình trạng lợi dụng chính sách để giảm giá trị thực tế của hàng hóa NK dẫn đến thất thu cho NSNN. Vì vậy, tại dự thảo Nghị định quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa XK, NK đã bỏ khoản giảm giá trong các điều kiện được điều chỉnh trừ khi tính trị giá hải quan.

Kiểm tra trị giá hải quan

Để tăng hiệu quả việc kiểm tra trong thông quan đối với các trường hợp nghi vấn về trị giá khai báo và để giảm tải cho công tác kiểm tra sau thông quan, dự thảo Nghị định đã quy định chặt chẽ hơn công tác kiểm tra trị giá hải quan trong thông quan.

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định đã quy định rõ việc xử lý kết quả kiểm tra trong trường hợp người khai hải quan đồng ý với trị giá hải quan, phương pháp xác định trị giá hải quan do cơ quan Hải quan xác định tại Hệ thống thông quan tự động VNACCS, trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan Hải quan thông báo, người khai hải quan nộp bổ sung chứng từ, tài liệu theo yêu cầu, cơ quan Hải quan giải phóng hàng hóa….

Nếu quá thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan Hải quan thông báo, người khai hải quan không nộp bổ sung chứng từ, tài liệu theo yêu cầu, cơ quan Hải quan thông quan theo trị giá khai báo, chuyển các nghi vấn để thực hiện kiểm tra sau thông quan theo quy định.

Bên cạnh đó Dự thảo Nghị định còn quy định về kiểm tra hàng hóa NK có dấu hiệu nghi vấn về mức giá, thẩm quyền tham vấn, trách nhiệm thực hiện của các bên liên quan như cơ quan Hải quan, người khai hải quan và các bên tham gia tham vấn, xử lý kết quả tham vấn.

Dự thảo Nghị định gồm 3 chương 27 Điều, dự kiến Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2016 theo đúng thời điểm có hiệu lực của Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi).

Thêm khái niệm “cửa khẩu nhập đầu tiên” với hàng hóa gửi kho ngoại quanTheo quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Hải quan 2014 thì kho ngoại quan là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ XK ra nước ngoài hoặc NK vào Việt Nam. Do đó, hàng hóa gửi trong kho ngoại quan chưa được coi là NK vào Việt Nam, khi hàng XK ra khỏi kho ngoại quan vào nội địa Việt Nam mới được coi là NK. Tuy nhiên, trong khái niệm cửa khẩu nhập đầu tiên để tính trị giá hải quan chưa có quy định đối với trường hợp đặc thù này, dẫn đến cách xác định các khoản điều chỉnh cộng khác nhau khi hàng hóa được gửi vào kho ngoại quan để NK vào nội địa.

Vì vậy, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định xác định cửa khẩu nhập đầu tiên đối với hàng hóa gửi kho ngoại quan để NK vào nội địa là nơi hàng hóa làm thủ tục xuất kho ngoại quan.

Thu Trang

 

1739 views