Nghị định 59/2018/NĐ-CP làm rõ quy định về hàng trung chuyển, quá cảnh

(HQ Online)- L.T.S: Nghị định 59/2018/NĐ-CP (viết tắt là Nghị định 59) sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP (Nghị định 08) về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan (có hiệu lực thi hành từ ngày 5/6/2018). Từ số báo này, Báo Hải quan sẽ trích đăng các nội dung đáng lưu ý tại Nghị định 59.

Hàng XNK được vận chuyển lên tàu tại cảng Cái Mép- Thị Vải. Ảnh: Nguyễn Huế.

Một trong những điểm đáng chú ý là quy định liên quan đến thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh, trung chuyển tại Khoản 19, 20 Điều 1 của Nghị định.

Làm rõ khái niệm

Những vấn đề liên quan đến khái niệm, công tác giám sát, chính sách quản lý đối với hàng quá cảnh, trung chuyển đã được làm rõ trong Nghị định 59. Điều này xuất phát từ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Điều 43, 44 Nghị định 08/2015/NĐ-CP khi chưa quy định cụ thể về thủ tục hải quan đối với việc chuyển tải, lưu kho chia tách, thay đổi phương thức vận tải, hàng quá cảnh đóng chung với hàng NK, hàng XK; hàng trung chuyển vào tại một cảng và chỉ được đưa ra từ đó. Nghị định 08 cũng chưa phân định rõ ràng giữa hàng quá cảnh và hàng trung chuyển, dẫn đến phát sinh việc các đối tượng bị điều chỉnh thực hiện không thống nhất, trong khi đây là các hoạt động đã được Luật Thương mại cho phép và phù hợp với thông lệ quốc tế, cần được tạo thuận lợi cho hoạt động logistic phát triển.

Nghị định 59 đã bổ sung các quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng quá cảnh, trung chuyển tại Khoản 19, 20 Điều 1. Chẳng hạn, quy định về thủ tục hải quan đối với việc chia tách, lưu kho, thay đổi phương thức, phương tiện vận tải hàng quá cảnh, việc đóng chung hàng hóa quá cảnh với hàng XK, Khoản 1 Điều 43 Nghị định 08 đã được sửa đổi như sau: “Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh phải được thực hiện tại trụ sở hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khẩu xuất cuối cùng, trừ trường hợp hàng hóa quá cảnh đóng chung container, toa xe chở hàng với hàng nhập khẩu, xuất khẩu, đóng chung với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quy định tại khoản 9 Điều này”.

Điểm d Khoản 3 Điều 43 về trách nhiệm người khai hải quan quy định: “Trong trường hợp hàng hóa quá cảnh có thực hiện chuyển tải, lưu kho, chia tách, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải, đóng chung container, người khai hải quan gửi Chi cục hải quan nơi quản lý địa điểm thực hiện chuyển tải, lưu kho, chia tách, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải, đóng chung container một bản chính văn bản đề nghị theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp được chấp nhận, thực hiện khai hải quan trên từng tờ khai vận chuyển hoặc chứng từ vận chuyển theo từng chặng vận chuyển, từng loại hình tương ứng”.

Đối với hàng trung chuyển, Nghị định 59 bổ sung khái niệm hàng hóa trung chuyển là hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển từ nước ngoài vào khu vực trung chuyển tại cảng biển, sau đó được đưa ra nước ngoài từ chính khu vực trung chuyển tại cảng biển này hoặc đến khu vực trung chuyển tại cảng biển khác để đưa ra nước ngoài. Hàng hóa trung chuyển vận chuyển giữa các cảng biển phải được vận chuyển bằng đường thủy nội địa, đường biển. Hàng hóa trung chuyển được đưa toàn bộ ra nước ngoài một lần hoặc nhiều lần.

Hoạt động trung chuyển hàng hóa bao gồm việc xếp dỡ, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa theo yêu cầu của người vận chuyển tại khu vực trung chuyển của cửa khẩu nhập hoặc khu vực trung chuyển của cửa khẩu xuất. Thời hạn lưu giữ hàng hóa trung chuyển không quá 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.

Trường hợp hàng hóa trung chuyển trong thời gian được lưu giữ tại cảng biển Việt Nam bị hư hỏng, tổn thất cần phải có thêm thời gian để khắc phục thì thời gian trung chuyển được gia hạn tương ứng với thời gian cần thiết để thực hiện các công việc đó và phải được cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục trung chuyển chấp thuận; trường hợp hàng hóa trung chuyển được trung chuyển theo văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền thì phải được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận việc gia hạn.

Khu vực trung chuyển khi lưu giữ hàng trung chuyển phải đảm bảo tách biệt với khu vực lưu giữ hàng hóa khác của cảng, có lắp đặt hệ thống camera giám sát và chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan. Hàng hóa ra, vào khu vực trung chuyển phải được theo dõi, quản lý bằng phần mềm ứng dụng và được kết nối với cơ quan Hải quan.

Nghị định bổ sung quy định khu vực thực hiện trung chuyển hàng hóa tại cảng biển Việt Nam thuộc cảng biển loại IA theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cảng biển TP. Hồ Chí Minh và có đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật (khoản 20 Điều 1 Nghị định 59).

Ngoài ra, tại Nghị định 59 cũng đơn giản chính sách quản lý đối với hàng trung chuyển nhằm thu hút hoạt động trung chuyển hàng hóa qua Việt Nam, phát huy lợi thế của các cảng biển Việt Nam.

Cho phép sử dụng niêm phong hãng vận chuyển

Trong công tác quản sát hải quan, Nghị định 59 đã bổ sung nhiều quy định để đảm bảo công tác quản lý. Theo phân tích của Ban soạn thảo, Luật Hải quan, Luật Thương mại quy định hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam phải đảm bảo nguyên trạng, phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan Việt Nam trong toàn bộ thời gian quá cảnh (các phương thức giám sát theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật Hải quan). Theo đó, trách nhiệm của cơ quan Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến (cửa khẩu xuất) phải kiểm tra, đối chiếu tình trạng niêm phong hải quan của toàn bộ lô hàng quá cảnh vận chuyển để xác định tính nguyên trạng của lô hàng. Quy định nêu trên dẫn đến khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra niêm phong hải quan hoặc niêm phong hãng vận chuyển do hiện tại một số cửa khẩu biên giới Campuchia (Vĩnh Xương, Thường Phước) không có bến bãi neo đậu cặp bờ, chưa có phương tiện cẩu, công cụ bốc dỡ, hàng hóa được chứa trong container xếp chồng khít, nhiều tầng, nhiều lớp.

Do đó, Nghị định 59 quy định đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không, đường sắt thực hiện niêm phong hải quan trong trường hợp không còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển. Trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa vào Việt Nam không thể kiểm tra tình trạng niêm phong của hãng vận chuyển và không thực hiện được việc niêm phong hải quan, giao người khai hải quan chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa. Cơ quan Hải quan tại cửa khẩu xuất sẽ thực hiện kiểm tra niêm phong hải quan hoặc kiểm tra niêm phong của hãng vận chuyển.

Riêng đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ, thủy nội địa, ngoài việc niêm phong hải quan hoặc niêm phong của hãng vận chuyển thì phải được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật khác, trường hợp hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường thủy nội địa ra nước ngoài, Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất căn cứ thông tin về lộ trình, thời gian vận chuyển, các cảnh báo (nếu có) để quyết định việc kiểm tra niêm phong hải quan hoặc niêm phong của hãng vận chuyển.

Theo Ban soạn thảo, việc sử dụng niêm phong của hãng vận chuyển thay cho niêm phong hải quan trong một số trường hợp vẫn đảm bảo việc giám sát hàng hóa vận chuyển lại đơn giản hóa, giảm bớt thủ tục, thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển. Đồng thời giải quyết được vướng mắc phát sinh trong việc kiểm tra niêm phong hải quan hoặc niêm phong hãng vận chuyển gặp phải tại một số cửa khẩu Vĩnh Xương, Thường Phước.

Ngọc Linh

 

3122 views