Nâng cao giá trị xuất khẩu hạt điều Việt Nam

(HQ Online)- Với chủ trương tăng chất, giảm lượng, ngành Điều Việt Nam mong muốn có thể thu về khoản lợi nhuận cao hơn từ các sản phẩm hạt điều xuất khẩu.

 

Nhiều DN điều đang tập trung đầu tư cho các sản phẩm chế biến sâu. Ảnh: ST.

Bất an với giá nguyên liệu

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu điều trong tháng 2/2018 ước đạt 23.414 tấn với kim ngạch 240,3 triệu USD. Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2018 đạt 54.000 tấn và 556,87 triệu USD, tăng 107% về lượng và tăng 140% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Điểm tích cực đáng khích lệ chính là giá điều xuất khẩu bình quân cũng đạt mức tương đối cao với 10.253,6 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ và tăng 1,3% so với tháng cuối năm 2017.

Theo Hiệp hội Ðiều Việt Nam (Vinacas), nhu cầu sử dụng hạt điều trên toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng khoảng 10%, sẽ là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nhân hạt điều của Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu đầu vào vẫn là thách thức lớn đối với ngành điều. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu điều nhân của Việt Nam đạt 3,62 tỷ USD, giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến và xuất khẩu điều nhân. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giữa ngành chế biến và trồng trọt ngày càng cách xa nhau khi sản lượng trong nước năm 2017 chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu chế biến xuất khẩu. Theo đó, năm 2017, Việt Nam đã phải nhập khẩu tới 2,56 tỷ USD điều nguyên liệu. Như vậy, mặc dù giữ vị trí số 1 thế giới và nắm thị phần trên 60% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều toàn cầu, nhưng phần giá trị gia tăng từ hạt điều mang lại vẫn ở mức thấp.

Theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Vinacas, trong thời gian qua điều thô ở châu Phi đã bị thổi giá một cách phi lý. Cụ thể, giá điều thô tăng 30-40% trong khi giá điều nhân trên thị trường thế giới chỉ tăng khoảng 10-15%. Trong năm 2017, các DN Việt Nam phải nhập khẩu điều thô với mức giá bình quân 1.956 USD/tấn, cao nhất từ trước đến nay. Giá điều thô cuối vụ ở châu Phi hiện cũng tăng cao trong 2 tháng đầu năm, lên mức trên 2.000 USD/tấn, thậm chí có nước tăng lên 2.100 USD/tấn. Do giá điều thô quá cao, các doanh nghiệp Việt Nam đã tạm ngừng nhập khẩu điều thô. Tương tự, các doanh nghiệp Ấn Độ cũng đã tạm ngừng nhập khẩu. Trước tình hình này, nhiều khả năng, từ khoảng giữa tháng 3, giá điều thô châu Phi sẽ phải giảm xuống.

Tuy nhiên, theo dự báo của Vinacas, việc nhập khẩu điều thô từ châu Phi trong năm nay sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi các thương nhân bản địa mong muốn đạt được lợi nhuận cao hơn so với năm trước trong bối cảnh thị trường tiếp tục tồn tại nghịch lý: Giá điều nhân có xu hướng giảm còn giá điều thô liên tục tăng.

Trong bối cảnh đó, theo dự báo của các DN chế biến điều, tình hình thời tiết năm nay tương đối thuận lợi nên sản lượng điều trong nước năm nay có thể sẽ cao hơn năm 2017, đạt khoảng 400.000 – 500.000 tấn. Tương tự, sản lượng điều ở Campuchia cũng có nhiều khả quan, với sự phối hợp với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia, lượng điều thô thu mua được từ Campuchia sẽ giúp các DN Việt Nam giảm bớt áp lực nhập khẩu từ châu Phi.

Tập trung chế biến sâu

Dù có thêm nguồn thu mua từ Campuchia cộng với sản lượng điều trong nước được cải thiện, nhưng cả hai nguồn cung này vẫn không thể thay thế hoàn toàn cho lượng điều nguyên liệu nhập khẩu từ châu Phi. Trước tình hình nguyên liệu còn nhiều biến động, Vinacas và các doanh nghiệp hội viên đã thống nhất chủ trương tăng chất, giảm lượng, tập trung chế biến sâu và phát triển thị trường nội địa. Cụ thể, ngành điều đưa ra mục tiêu xuất khẩu điều nhân trong năm 2018 chỉ còn 300.000 tấn, thay vì 362.700 tấn như năm 2017. Tương ứng với đó là mức kim ngạch đạt 3 tỷ USD năm 2018, thấp hơn mức 3,62 tỷ USD so với năm trước đó.

Lý giải cho sự “thụt lùi” này, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas cho hay, với mức giá nguyên liệu cao như hiện nay, DN chế biến điều chắc chắn sẽ thua lỗ bởi giá điều nhân không thể tăng thêm do phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Vì vậy, cách duy nhất hiện này chính là giảm giá nguyên liệu thu mua xuống mức hợp lý khoảng 1.800 USD/tấn. Và việc hợp tác cùng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia phát triển vùng nguyên liệu điều, với mục tiêu gia tăng sản lượng lên 1 triệu tấn trong vòng 10 năm tới, chính là một trong những giải pháp Vinacas đang khẩn trương thực hiện để giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ châu Phi, vốn bấp bênh cả về giá cả và chất lượng.

Ông Thanh cũng mong muốn Nhà nước có các chính sách hỗ trợ DN ổn định sản xuất bằng các cơ chế, chính sách thông thoáng trong các lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, kiểm dịch thực vật… nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ chế biến, xuất khẩu điều hiệu quả. Cùng với đó, cần hỗ trợ DN điều xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu thực phẩm Việt Nam; hỗ trợ đầu tư, mở rộng sản xuất, hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch hơn, bảo đảm điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm…

Ông Thanh cam kết, Vinacas sẽ đồng hành cùng nhà nông trong các chương trình thâm canh, cải tạo vườn điều… để đưa giá trị thương mại của toàn ngành đạt mục tiêu cao nhất. Ðồng thời, tạo điều kiện để nông dân hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với DN chế biến điều theo hướng sản xuất sạch hơn và hướng đến thị trường.

Khải Kỳ  (Nguồn Báo Hải Quan)

 

1055 views