Kiểm tra chuyên ngành: “Sạn” nào cần bỏ ngay?

(HQ Online)- Mục tiêu đặt ra khi thực hiện Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK theo Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là nhằm rút ngắn thủ tục, giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa tại cửa khẩu. Tuy nhiên, cho đến nay những kết quả đạt được chỉ như “muối bỏ bể” so với những bất cập đang tồn tại; các giải pháp đổi mới chưa được áp dụng nhiều.

Công chức Chi cục Hải quan Cha Lo-Cục Hải quan Quảng Bình kiểm tra hàng hóa NK. (Ảnh: HỮU LINH)

Câu chuyện hiệu suất và nhãn năng lượng

Là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đôn đốc, giám sát việc thực hiện Đề án, mới đây Bộ Tài chính đã có báo cáo lên Văn phòng Chính phủ nhiều nội dung vướng mắc về thực hiện kiểm tra chuyên ngành hiện nay. Trong đó một vấn đề được Tổng cục Hải quan phản ánh rất nhiều lần, qua làm việc trực tiếp và nhiều công văn nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để, đó là vấn đề kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng. Thực hiện quy định tại Quyết định 51/2011/QĐ-TTg và Quyết định 78/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã ghi nhận những phản ánh vướng mắc của DN cũng như Hải quan địa phương như: Danh mục hàng hóa nêu tại hai Quyết định chưa cụ thể về mã số HS; đồng thời các Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) áp dụng đối với các sản phẩm này chưa được công bố trên các trang điện tử của các cơ quan quản lý nhà nước. Tại các TCVN này cũng không quy định một cách chi tiết, rõ ràng về phạm vi áp dụng, dẫn đến khó khăn cho DN trong việc định hướng NK, phân phối sản phẩm, cơ quan Hải quan cũng gặp khó trong quá trình thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó, việc Bộ Công Thương quy định DN NK, cơ quan Hải quan, các tổ chức thử nghiệm được chỉ định phải thực hiện các thủ tục liên quan đến hàng hóa NK phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu tại các công văn hướng dẫn mà không cụ thể hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật (từ Thông tư trở lên) là chưa hợp lý.

Cách thức quản lý rủi ro trong công tác kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu cũng chưa được áp dụng đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17-11-2015 phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK. Hiện tại DN NK đang phải thực hiện việc kiểm tra từng lô hàng và chưa có hình thức miễn, giảm kiểm tra cũng như cơ chế chấp nhận kết quả thử nghiệm của các cơ quan, tổ chức giám định nước ngoài mặc dù các lô hàng đều được sản xuất từ cùng một công ty nước ngoài, cùng số model/serial…

Cùng với vấn đề dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu, vấn đề kiểm dịch hàng hóa NK cũng là vấn đề cần tháo gỡ ngay. Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay quy trình kiểm dịch động vật ban hành kèm theo Quyết định 15/2006/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu DN phải làm thủ tục đăng ký kiểm dịch hai lần. Lần một trước khi NK hàng hóa DN phải đăng ký với Cục Thú y để xác nhận đơn hàng NK, lần hai khi hàng về đến cửa khẩu DN phải đăng ký với cơ quan kiểm dịch tại khu vực cửa khẩu để thực hiện kiểm dịch. Quy trình kiểm tra như vậy dẫn đến vừa tăng thủ tục hành chính vừa tốn thời gian, chi phí của DN. Mặt khác, bộ máy của cơ quan kiểm dịch hiện đang thiếu và mỏng, chưa đủ trang thiết bị, máy móc, kiểm tra chuyên sâu vẫn phải đưa về các trung tâm vùng. Đối với kiểm dịch thực vật, hiện chưa trang bị đầy đủ máy móc thiết bị cần thiết cho cơ quan kiểm dịch tại cửa khẩu.

Danh mục hàng hóa… vẫn chậm!

Theo danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi bổ sung nêu tại phụ lục kèm Quyết định 2026/QĐ-TTg có tổng số 87 văn bản cần sửa đổi bổ sung. Bộ Tài chính đã kiến nghị các bộ quản lý chuyên ngành, nhất là các bộ liên quan đến hàng hóa XNK như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương, Thông tin và Truyền thông… chủ động rà soát xây dựng, sửa đổi và ban hành văn bản pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, những vướng mắc liên quan đến danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn tồn tại. Chẳng hạn về danh mục hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan, Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật An toàn thực phẩm; Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT đã phân công các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương có trách nhiệm ban hành Danh mục hàng hóa NK phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc lĩnh vực quản lý kèm mã số HS. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được các bộ ban hành đầy đủ. Với Danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại Quyết định 4069/QĐ-BNN-QLCL thì một số nhóm hàng chưa chi tiết tên hàng và chưa có mã số HS. Việc chậm ban hành các danh mục chuyên ngành trong đó có danh mục hàng hóa NK phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan đã gây khó khăn cho DN NK cũng như cơ quan Hải quan trong quá trình thực hiện.

Tình trạng một mặt hàng phải áp dụng nhiều chính sách quản lý; hoặc một mặt hàng thuộc diện quản lý của nhiều bộ, ngành vẫn đang tồn tại như: Mặt hàng sữa vừa thuộc danh mục phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm, vừa thuộc danh mục phải kiểm dịch động vật theo Quyết định 45/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; mặt hàng xe nâng thuộc 3 bộ quản lý (Bộ Công Thương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Giao thông vận tải); mặt hàng cần trục bánh lốp thuộc 2 bộ quản lý (Bộ Giao thông vận tải và Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội); mặt hàng bình chịu áp lực thuộc hai bộ quản lý (Bộ Công Thương và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội)….

Những bất cập trên có thể coi là rào cản trong hoạt động XNK của DN hiện nay.

Cần quyết liệt hơn

Giải pháp cho những bất cập trong quản lý chuyên ngành hiện nay là các bộ cần thực hiện quyết liệt các giải pháp đã được đưa ra trong Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại Bộ Tài chính đang thực hiện đánh giá hoạt động của 9 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại 7 khu vực cửa khẩu, cảng biển, sân bay lớn trên cả nước. Địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung bước đầu đã giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc đưa hàng hóa, hồ sơ từ cửa khẩu đến cơ quan, đơn vị kiểm tra chuyên ngành. Việc kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa XNK thuộc diện kiểm tra chuyên ngành và công tác phối hợp kiểm tra, trao đổi nghiệp vụ liên quan đến kiểm tra chuyên ngành giữa cơ quan Hải quan và đơn vị kiểm tra chuyên ngành được thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Trên cơ sở đánh giá thực trạng các cơ quan có liên quan sẽ rút kinh nghiệm những vấn đề tồn tại và dự kiến tiếp tục phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành mở rộng địa điểm làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành tập trung trong năm 2016, dự kiến mở 20 địa điểm.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính các bộ cần đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia bằng việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và cải cách thủ tục hành chính, xây dựng, triển khai hệ thống công nghệ thông tin để kết nối, xử lý thông tin với Cổng thông tin một cửa quốc gia để đến năm 2020 hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa XK, NK, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Các bộ, ngành cần giải quyết sớm những bất cập hiện nay trong việc kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK. Đặc biệt là rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Khắc phục tình trạng kiểm tra nhiều bằng cách thu hẹp danh mục mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành kèm mã số HS thống nhất với danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam và Biểu thuế XK, NK hiện hành do Bộ Tài chính ban hành. Đồng thời, đổi mới phương pháp kiểm tra chuyên ngành bằng cách áp dụng phương pháp quản lý rủi ro; thực hiện công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra hàng hóa và giảm thiểu việc kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa NK từ những quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao… Tăng cường đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, máy móc hiện đại, điều kiện làm việc phục vụ kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu nơi có lượng hàng hóa XNK nhiều để nâng cao năng suất, chất lượng, rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành.

Ngọc Linh

 

1492 views