Không dễ để tận dụng ưu đãi từ FTA Việt Nam – EAEU

Ngày 29/5, Hiệp định Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), tuy nhiên để tận dụng các ưu đãi từ FTA này lại là một bài toán không hề đơn giản với doanh nghiệp Việt Nam.

 

Phát biểu tại Tọa đàm “FTA Việt Nam – EAEU: Để doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội” vừa diễn ra gần đây tại Hà Nội, ông Dương Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Công Thương cho biết, khi FTA Việt Nam – EAEU có hiệu lực, thì 90% dòng thuế sẽ cắt giảm xuống 0%. Điều này sẽ mở ra những cơ hội rất lớn để Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường với tổng dân số trên 180 triệu người, GDP trên 2.200 tỷ USD, đặc biệt trong các ngành thủy sản, dệt may, da giày và nông sản.

 

Lấy ví dụ về mặt hàng thủy sản, theo cam kết của Liên minh Á – Âu, thì 95% dòng thuế sẽ được xóa bỏ, trong đó hơn 71% dòng thuế về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

 

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản, trong nhiều năm qua, ngành thủy sản Việt Nam luôn xác định Nga và khu vực này có sức tiêu thụ đặc biệt, đây là thị trường đầy tiềm năng.

 

Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản của nước ta vào các thị trường này còn khá khiêm tốn, với giá trị khoảng xấp xỉ 110 triệu USD/năm, chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, do các quy định tiếp cận hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (SPS) của Nga và khối Á-Âu hiện rất chặt chẽ, ông Nam lý giải.

 

Nguyễn Văn Sưu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, chia sẻ, khi FTA Việt Nam – EAEU có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu những mặt hàng thép chất lượng cao với thuế nhập khẩu là 0%, từ đó sản xuất các sản phẩm thép trong nước có chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

 

Song, ông cũng thừa nhận rằng, sẽ rất khó để doanh nghiệp thép Việt Nam được chấp nhận tại “sân chơi” này do đa phần các doanh nghiệp có quy mô nhỏ với năng suất chỉ vài trăm nghìn tấn/năm. Hơn thế nữa, chi phí sản xuất cao sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm cao.

 

Để tận dụng các ưu đãi từ FTA Việt Nam – EAEU, theo ông Minh, các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, bởi không thể trông chờ mãi vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Các doanh nghiệp phải nghiên cứu rất kỹ các nội dung cụ thể của Hiệp định với từng dòng thuế của từng sản phẩm; đặc biệt, đối với ngành thủy sản, cần nghiên cứu quy định về quy tắc xuất xứ, các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, v.v…

 

Ông Minh cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với phía bạn để nắm bắt thông tin thị trường và hỗ trợ cho doanh nghiệp hai bên. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng đề án tuyên truyền thông tin về các Hiệp định thương mại, tập trung vào việc hướng dẫn, đào tạo cán bộ của doanh nhiệp nhằm tận dụng tối đa các ưu đãi mà Hiệp định mang lại.

 

“Bộ đã đăng tải toàn văn Hiệp định FTA Việt Nam – EAEU, theo đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu thông tin. Nếu có vướng mắc, khó khăn về chính sách, doanh nghiệp có thể phản hồi với Bộ qua email và đường dây nóng hoặc các hiệp hội ngành, nghề…” ông Minh nhấn mạnh.

 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Sưa khuyến cáo, doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến để cho ra sản phẩm chất lượng cao hơn, năng suất hơn, giá thành hợp lý hơn. Đối với ngành thép, cần nâng cao quy mô của doanh nghiệp vì với quy mô nhỏ như hiện nay, doanh nghiệp thép sẽ phải chịu gánh nặng về chi phí tài chính, như phí khấu hao.

 

Còn ông Nguyễn Hoài Nam lại mong mỏi, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, bởi, nếu một mình doanh nghiệp cố gắng, thì những cơ hội ấy không thể tận dụng tối đa, thậm chí là không tận dụng được./.

 

http://www.vietrade.gov.vn/tin-tuc/20-tin-tuc/5209-khong-de-de-tan-dung-uu-dai-tu-fta-viet-nam–eaeu.html

1875 views