Doanh nghiệp “tố” bị hải quan làm khó

TTO – Tổng công ty CP y tế Danameco (TP Đà Nẵng) vừa có đơn kiến nghị kêu bị làm khó khi bị hải quan áp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng…

Doanh nghiệp “tố” bị hải quan làm khó
Lãnh đạo Danameco cho biết nếu bị truy thu thuế bất hợp lý, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh – Ảnh: V.Hùng

Tổng công ty CP y tế Danameco (TP Đà Nẵng) vừa có đơn kiến nghị gửi các cơ quan trung ương và UBND TP Đà Nẵng kêu bị làm khó khi bị hải quan áp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (GTGT) cao hơn mức trước đó và bị truy thu thuế.

Ông Nguyễn Tấn Tiên, tổng giám đốc Danameco, cho biết nhiều năm qua công ty nhập khẩu gạc hút nước tẩy trắng để sản xuất bông băng gạc y tế được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện.

Từ năm 2010 đến giữa năm 2015, loại hàng nhập này được công ty khai và hải quan đồng ý áp mã số 30059020 (bông, gạc, băng và các sản phẩm tương tự) với mức thuế nhập khẩu là 7-8%, thuế GTGT 5% và công ty đã hoàn thành nhiệm vụ nộp thuế.

Tuy nhiên cuối năm 2015, khi thanh tra tại Danameco, thanh tra Tổng cục Hải quan cho rằng gạc hút nước tẩy trắng là vật liệu dệt từ sợi bông, còn ở dạng nguyên liệu nên áp vào mã số mặt hàng vải (nhóm 52082900) có mức thuế nhập khẩu là 12%, thuế GTGT 10%, đều cao hơn trước 5% với số tiền thuế truy thu từ Danameco gần 8 tỉ đồng.

Theo ông Tiên, lẽ ra nguyên liệu phải có thuế suất thấp hơn thuế thành phẩm nhưng doanh nghiệp lại bị áp thuế nguyên liệu (12%) cao hơn thuế nhập thành phẩm (10%) là không hợp lý, cũng không khuyến khích doanh nghiệp sản xuất mà chuyển sang nhập khẩu.

“Nếu phải nộp số tiền thuế nêu trên, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn về tài chính và phải dừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, gây mất việc làm cho hơn 500 lao động, không thể tiếp tục cung cấp bông băng gạc y tế cho ngành y tế” – ông Tiên bức xúc.

Trong công văn trả lời Danameco, Vụ Pháp chế Bộ Y tế cũng cho rằng nguyên liệu gạc hút nước thuộc nhóm 30059020 chỉ dùng trong y tế là phù hợp, vải thông thường không có tính chất này và không thể dùng thay thế gạc y tế được.

Đặc biệt, trong văn bản gửi Tổng cục Hải quan ngày 25-1, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định “việc áp thuế như vậy là bất hợp lý, không khuyến khích doanh nghiệp sản xuất mà chuyển sang nhập khẩu”.

Cũng theo công văn này, Vụ Chính sách thuế cho rằng để đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu của chính sách thuế là khuyến khích phát triển sản xuất trong nước, đề nghị Tổng cục Hải quan báo cáo bộ nhằm hướng dẫn phân loại áp dụng từ thời điểm có hướng dẫn. “Vụ sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan tập hợp các trường hợp bất hợp lý về thuế suất để đề xuất sớm sửa đổi cho phù hợp” – văn bản cho biết.

Thế nhưng ngày 7-6, Tổng cục Hải quan vẫn ra dự thảo kết luận thanh tra gửi Danameco khẳng định nguyên liệu là mặt hàng vải, vẫn giữ đề nghị truy thu thuế. Kết luận thanh tra cũng nhìn nhận sự bất cập khi áp dụng mã số mặt hàng vải 52082900 với mức thuế nhập khẩu 12%, đồng thời cho biết “Tổng cục Hải quan sẽ báo cáo Bộ Tài chính để sửa đổi bất cập về thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này”.

Doanh nghiệp bức xúc là có cơ sởTrao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Thọ, cục trưởng Cục Hải quan TP Đà Nẵng, nhìn nhận những bức xúc của Danameco là có cơ sở vì thuế suất nhập khẩu cao hơn thuế suất thành phẩm, dẫn đến bất hợp lý trong chính sách thuế.

Theo ông Thọ, thanh tra Tổng cục Hải quan cũng thấy “có lấn cấn” bởi việc áp mức thuế nguyên liệu cao hơn thuế nhập thành phẩm là không hợp lý, nên thanh tra đang xin ý kiến các cơ quan chuyên môn.

“Nếu biểu thuế sai sẽ phải điều chỉnh, sửa lại sao cho hợp lý. Danameco nghiên cứu dự thảo kết luận thanh tra, nếu không đồng ý điểm nào thì nêu rõ quan điểm của doanh nghiệp. Trong trường hợp vẫn kết luận y như dự thảo, ảnh hưởng đến quyền lợi, doanh nghiệp có quyền khiếu nại, khiếu kiện theo quy định pháp luật” – ông Thọ nói.

VIỆT HÙNG

1422 views