Cần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho hàng xuất khẩu

(HQ Online)- Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, trong thời gian qua, phát hiện nhiều trường hợp hàng XK có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nên chi cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho hàng hóa XK của DN.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết, đơn vị vừa chuyển vụ việc một DN XK bánh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ cho Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM làm rõ, xử lý theo thẩm quyền. Lô hàng XK gồm 1.200 thùng bánh ChocoPie có trọng lượng 3.825,6kg, trị giá lô hàng 8.624,1 USD do Công ty TNHH chế biến thực phẩm & bánh kẹo P. đứng tên mở tờ khai hải quan. Do nhãn hiệu này đã được đăng kí bảo hộ với cơ quan Hải quan, nên Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã dừng thông quan và phối hợp với Đội Kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Cục Điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan kiểm tra thực tế lô hàng. Kết quả giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ xác định Công ty TNHH chế biến thực phẩm & bánh kẹo P. xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ  “ChocoPie” do Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho Công ty Orion Corporation – Hàn Quốc. Chi cục đã lập Biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ vụ việc sang Chi cục Quản lý thị trường thành phố theo ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Theo ông Lê Thanh Hải, DN có thể vô tình hoặc cố ý khai sai mã hàng hóa dẫn đến hàng hóa có quy định điều kiện được XK nhưng được phân loại vào nhóm hàng hóa không có điều kiện để tránh bị kiểm tra, phát hiện. Có những trường hợp DN không ý thức được vấn đề liên quan  đến vi phạm sở hữu trí tuệ, cố tình sử dụng một nhãn hiệu của DN khác hay thực hiện sản xuất hàng hóa theo hợp đồng với đối tác nước ngoài, nhưng lại có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu.

Trước đó, vào cuối năm 2015, khi làm thủ tục XK 3 container thuốc lá trị giá trên 4,2 tỷ đồng đi Hồng Kông của Công ty TNHH MTV Thuốc lá C.L., Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cũng đã phát hiện toàn bộ lô hàng trên bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc và nơi sản xuất hàng hóa. Theo hồ sơ vi phạm, DN khai báo hàng XK gồm 3 container thuốc lá nhãn hiệu Master, được đóng trong 2.820 thùng carton, thuế suất thuế XK 0%. Qua thông tin nghi vấn, Đội Thủ tục hàng hóa XK đã phối hợp với Tổ Kiểm soát của Chi cục thực hiện kiểm tra, phát hiện hàng hóa đúng khai báo hải quan về tên hàng, số lượng. Tuy nhiên, trên bao bì gói thuốc và tube thuốc đều thể hiện made in Armenia, trong khi hàng được sản xuất tại Việt Nam. Với hành vi vi phạm này, UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH MTV Thuốc lá C.L. 50 triệu đồng, đồng thời áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ 3 container thuốc lá XK này.

Trên thực tế tổ chức và hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn thiếu đồng bộ và chồng chéo, nhiều tầng nấc xử lý khiến hiệu lực thực thi bị phân tán, phức tạp. Hiện có tới 6 cơ quan, gồm: UBND các cấp, Thanh tra Khoa học và công nghệ, Thanh tra Văn hóa, Cảnh sát kinh tế, Quản lý thị trường, Hải quan cùng có thẩm quyền xử phạt vi phạm.

Việt Nam đã là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó, quyền sở hữu trí tuệ là một trong những chủ đề lớn của Hiệp định. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy sáng tạo của DN. Theo Hiệp định này, Việt Nam cam kết bảo hộ và thực thi bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ. Thực hiện tốt cam kết này sẽ góp phần thực hiện tốt việc chuyển giao và đổi mới công nghệ, góp phần phát triển đất nước. Vì vậy, nâng cao nhận thức cho người dân, DN và các tổ chức là điều cần thiết. Bên cạnh đó cần tăng cường năng lực thực thi cho các cơ quan có thẩm quyền như đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ công chức và lực lượng chức năng, đi đôi với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Lê Thu

 

1336 views