Biên giới Đồng Tháp: Tân dược nhập lậu vẫn “nóng”

(HQ Online)- Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về việc rà soát thông tin, bám sát và xây dựng hồ sơ các đối tượng, tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu, hành vi buôn lậu tân dược, từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan Đồng Tháp đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu tân dược.

Tân dược nhập lậu do Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Đồng Tháp) bắt giữ​​​.

Theo Cục Hải quan Đồng Tháp, địa bàn trọng điểm của buôn lậu trên tuyến biên giới tập trung tại khu vực thị xã Hồng Ngự. Các đối tượng đã tổ chức đóng gói tân dược bằng túi nilon đen, cất giấu trong túi xách, xe gắn máy hoặc xuồng để vận chuyển lậu qua biên giới, sau đó chuyển bằng xe khách về nội địa để tiêu thụ. Việc bắt giữ tân dược nhập lậu hiện nay rất khó khăn do mặt hàng nhỏ gọn, dễ cất giấu, dễ ngụy trang nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Đầu tháng 4 vừa qua, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Đồng Tháp) đã phối hợp với Công an phường An Thạnh (thị xã Hồng Ngự) tiến hành tuần tra kiểm soát tại khu vực khóm An Thạnh, phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự phát hiện, bắt giữ lô hàng là tân dược không có giấy tờ hợp pháp. Tang vật gồm: 1.675 lọ hiệu BILNEURO 5000, NEUROVIT 5000 dạng bột đông khô (chứa các thành phần Vitamin B1, B6,…; không rõ nước sản xuất) và 1.675 ống thủy tinh dung môi hiệu BILNEURO NEUROVIT 5000, thể tích 5 ml. Theo xác định ban đầu,  lô hàng tân dược trên có trị giá gần 70 triệu đồng. Qua nguồn tin báo, Đội Kiểm soát Hải quan xác định số tân dược nói trên được vận chuyển từ biên giới Campuchia về thị xã Hồng Ngự, chờ chuyển lên xe khách để đưa vào nội địa tiêu thụ.

Trong tháng 3/2018, tại khu vực đường Nguyễn Huệ (thuộc khóm 2, phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Đồng Tháp) phối hợp với Công an phường An Thạnh cũng đã phát hiện, thu giữ một số lượng lớn tân dược không rõ nguồn gốc chuẩn bị “lên xe khách” để vận chuyển vào nội địa. Số lượng tân dược bị bắt giữ gồm 112.000 viên mang nhãn hiệu OCON F, có hạn dùng tới tháng 10/2021, trị giá khoảng 40 triệu đồng. Qua nắm tình hình, lực lượng hải quan xác định số tân dược nói trên được vận chuyển từ nhiều đợt nhỏ lẻ, sau đó tập trung đến khu vực này để đưa lên xe khách vận chuyển đến nơi khác tiêu thụ.

Trước tết Nguyên đán, vào tháng 1/2018 cũng chính Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp với Công an xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bắt giữ 1 lô hàng tân dược vận chuyển trái phép qua biên giới bằng phương tiện xe gắn máy từ hướng Mộc Rá về phía chợ Thị xã Hồng Ngự. Khi phát hiện lực lượng kiểm soát, lợi dụng đêm tối đối tượng vận chuyển lập tức bỏ trốn để lại phương tiện là 01 xe máy đã qua sử dụng và hàng hóa gồm: 12.000 viên nén tân dược hiệu Solupred 20mg, 42.000 viên nén tân dược hiệu Sabumol 2mg (không rõ nước sản xuất); ước trị giá hơn 90  triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Tháp cho biết, tân dược là một trong những mặt hàng trọng điểm mà Hải quan Đồng Tháp luôn chỉ đạo các đơn vị quan tâm đấu tranh, bắt giữ mặc dù biết đây là mặt hàng rất khó phát hiện do nhỏ gọn, thủ đoạn tinh vi. Qua nghiên cứu, Cục Hải quan Đồng Tháp thấy rằng hầu hết các loại tân dược bị bắt giữ đều là loại đắt tiền, thường sử dụng điều trị cho các bệnh hiểm nghèo nhưng không rõ nguồn gốc nên bắt buộc phải tiêu hủy. Nên chăng, cần có một cơ quan chuyên môn tiến hành giám định chất lượng, nếu đạt tiêu chuẩn thì có thể chuyển giao cho các cơ sở y tế để điều trị như các loại thuốc nhập khẩu chính thức khác. Như thế sẽ giảm bớt áp lực chi phí điều trị cho các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nghèo.

Đăng Nguyên  ( Theo nguồn Báo Hải Quan )

 

878 views