Xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ 4 tháng đầu 2015: Vượt qua khó khăn tiếp tục tăng trưởng

AsemconnectVietnam – Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đạt mức khá cao và cán cân thương maị tiếp tục có lợi cho Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều diễn biến không thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, thương mại song phương giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ trong 4 tháng đầu năm đạt 611,3 triệu USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 566,7 triệu USD (tăng 34,1%) và nhập khẩu đạt 44,5 triệu USD (tăng 28,6%) so với cùng kỳ. Trong khi đó, theo số liệu 4 tháng đầu năm của Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ thì kim ngạch hai chiều đạt 781,2 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 735 triệu USD (tăng 16,4%) và nhập khẩu chỉ đạt 46,1 triệu USD (giảm 27,2%) so với cùng kỳ.
Về mặt hàng xuất khẩu, điện thoại di động và linh kiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất với kim ngạch 301 triệu USD, tăng tới 50,5% so với cùng kỳ, tiếp theo là mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt qua xơ, sợi dệt để trở thành mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với kim ngạch 61 triệu USD, tăng tới 61,1% so với cùng kỳ. Mặt hàng xơ, sợi dệt các loại đã tụt xuống thứ 3 với kim ngạch chỉ còn 57,5 triệu USD, giảm tới 24,6% so với cùng kỳ. Về nhập khẩu, mặt hàng vải chiếm tỷ trọng lớn nhất với kim ngạch 11,7 triệu USD, tăng tới 31,5% so với cùng kỳ, tiếp theo là máy móc, thiết bị và phụ tùng với kim ngạch 8,5 triệu USD, tăng tới 44% so với cùng kỳ. Dược phẩm chiếm vị trí thứ 3 về tỷ trọng với kim ngạch 3,9 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ 2014.
Trong 4 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế, chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều vấn đề không thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng tìm các biện pháp để tạo các rào cản với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong quan hệ thương mại song phương với Việt Nam, nổi bật trong những tháng đầu năm 2015 là Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gia tăng số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại, tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ đã có thông báo trước khi công bố quyết định điều tra, do đó các cơ quan hữu quan của Việt Nam cũng như doanh nghiệp xuất khẩu có thêm thời gian để chuẩn bị xử lý vụ việc. Đây là điểm mới sau các nỗ lực của Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu phía bạn tạo điều kiện thuận lợi trong xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại.
Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi kiện điều tra chống bán phá giá đối với sợi dún (mã HS 5402.33) đây là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn của ta trong mặt hàng xơ sợi dệt với kim ngạch 114 triệu USD trong năm 2014 và cũng đã khởi động điều tra chống lẩn thuế chống bán phá giá với gỗ dán (gỗ veneer), đây cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, gần 20 triệu USD trong năm 2014. Đồng thời, phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng điều tra tự vệ với đồ dùng nhà bếp và bàn ăn từ gốm và sứ, nhưng nhiều khả năng Việt Nam không chịu ảnh hưởng do kim ngạch nhỏ và thị phần thấp. Cùng với các vụ kiện cuối năm 2014, các vụ việc này đã nâng số vụ việc đang điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lên tới 6 vụ, hầu hết là các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, trong đó một nửa số vụ là điều tra lẩn thuế chống bán phá giá. Trong các vụ việc này, vụ điều tra tự vệ đối với điện thoại di động là đáng lo ngại nhất do đây là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng tới 50% trong 4 tháng đầu năm 2014 của Việt Nam, tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không đưa ra quyết định sơ bộ và áp dụng biện pháp tạm thời trước sự phản đối mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp sản xuất điện thoại.
Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 7/6 và nhiều ý kiến cho rằng cuộc bầu cử này khó dự đoán kết quả do Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền chưa xử lý được những vấn đề kinh tế hóc búa và nền kinh tế tăng trưởng chậm kéo dài trong hơn 2 năm qua với nhiều chỉ số kinh tế đáng lo ngại như thâm hụt cán cân vãng lai kéo dài, đồng nội tệ Lira mất giá gần 15% từ đầu năm 2015, lạm phát tiếp tục cao, tỷ lệ thất nghiệp lên đến mức đỉnh, xuất khẩu suy có dấu hiệu suy giảm…Trong khi đó, các Đảng đối lập không chỉ luôn tận dụng những yếu kém trong điều hành nền kinh tế để công kích nhằm giành sự ủng hộ của cử tri mà còn trực tiếp chỉ trích Đảng AKP về lĩnh vực chính trị như xu hướng độc đoán, lãng phí trong mua sắm công như việc xây dựng Phủ Tổng thống, mua xe ô tô đắt tiền… Giới kinh doanh cũng có dấu hiệu chờ đợi kết quả bầu cử và thành phần Chính phủ mới.
Một số chuyên gia dự đoán Đảng AKP vẫn dành đa số nhưng không đủ đa số tuyệt đối để thực hiện những cải cách về hiến pháp. Trong khi đó, khả năng đảng đối lập chính là Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) vượt qua ngưỡng 10% cũng chưa rõ ràng. Không loại trừ khả năng kết quả cuộc bầu cử sẽ dẫn tới một chính phủ liên minh giữa Đảng AKP và một đảng khác. Một số chuyên gia kinh tế dự báo đây sẽ là yếu tố làm cho kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bất ổn. Kịch bản được cho là ít ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế nhất là Đảng AKP tiếp tục lãnh đạo Chính phủ mới và đủ tỷ lệ đa số để tiến hành những cải cách hiến pháp, thực thi các kế hoạch phát triển kinh tế, giúp Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tăng trưởng kinh tế.

Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ

Nguồn: http://vietnamexport.com

2323 views