Xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nhật Bản

Nhật Bản là thị trường bão hòa và tương đối phức tạp đối với các mặt hàng dệt may. Những khó khăn về kinh tế gần đây đã khiến cho người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng cẩn thận hơn với việc chi tiêu của họ. Do đó, các nhãn hiệu bán lẻ như Zara, H&M, Forever 21 và Uniqlo có những thuận lợi nhất định trên thị trường này.

 

Theo đánh giá của Viện kinh tế Yano, thị trường hàng dệt may Nhật Bản ước tính đạt mức 1,64 nghìn tỷ Yên vào năm 2008 và xếp thứ hai trên thế giới sau thị trường Hoa Kỳ. Thị trường này vẫn tiếp tục phát triển trong vài năm vừa qua mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Người tiêu dùng và người mua hàng Nhật Bản có ý thức và mong muốn rất cao đối với vấn đề thiết kế và chất lượng. Họ quan tâm đến từng chi tiết nhỏ của sản phẩm.

 

Các sản phẩm dệt may sản xuất ở các nước đang phát triển vẫn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Nhật Bản. Trên thực tế, có nhiều công ty thời trang của Nhật Bản đặt cơ sở sản xuất tại Trung Quốc miễn là thương hiệu thời trang đó là thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Giá cả cần đi đôi với chất lượng sản phẩm.

 

Thuế nhập khẩu, các quy định nhập khẩu và thủ tục hải quan

Các quy định tại thời điểm nhập khẩu

Nhật Bản không có hạn chế gì về nhập khẩu hàng dệt may. Các sản phẩm dệt may sử dụng chất liệu lông hoặc da với mục đích trang trí có thể sẽ phải tuân theo các quy định liên quan đến Công ước Washington.

 

Việc nhập khẩu hàng hóa phải tuân thủ theo Điều 71 Luật hải quan, cấm nhập khẩu các mặt hàng giả hoặc các mặt hàng không rõ xuất xứ. Điều 69-11 của Luật hải quan quy định cấm nhập khẩu các mặt hàng có vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ.

 

Quy định tại thời điểm bán hàng

Nhật Bản có các quy định sau đây liên quan đến việc bán các sản phẩm dệt may:

– Luật dán nhãn chất lượng hàng gia dụng

– Luật chống lại việc đánh giá cao sai sự thật và mô tả gây hiểu lầm

– Luật độc quyền và duy trì thương mại công bằng (Luật số 54 năm 1947)

– Luật kiểm soát các sản phẩm gia dụng có chứa các chất độc hại

Các quy định về nhãn mác

Luật dán nhãn chất lượng hàng gia dụng và Luật chống lại việc đánh giá cao sai sự thật và mô tả gây hiểu lầm đưa ra các quy định về nhãn mác đối với các mặt hàng dệt may.

 

Hàng dệt may cần phải có nhãn mác chứa đầy đủ các thông tin sau đây:

– Thành phần sợi vải

– Cách thức giặt sản phẩm tại nhà và các biện pháp xử lý khác. Cách thức giặt ủi tại nhà và các biện pháp xử lý sản phẩm khác cần phải ghi rõ sử dụng các ký hiệu được mô tả trong JIS L 0217 (các ký hiệu nhãn mác đối với việc xử lý các sản phẩm dệt may và cách thức dán nhãn đi kèm).

– Các sản phẩm không thấm nước: Với các sản phẩm dệt may có lớp bọc bên ngoài đặc biệt phải dán nhãn ghi rõ không thấm nước. Đối với các sản phẩm áo mưa, không cần thiết dán nhãn thông tin này trừ khi có lớp bọc bên ngoài với mục đích khác.

– Ghi rõ loại da được sử dụng cho sản phẩm: Các mặt hàng dệt may được sử dụng một phần chất liệu da hoặc da tổng hợp phải dán nhãn ghi rõ loại da phù hợp với các điều khoản về dán nhãn chất lượng đối với các mặt hàng công nghiệp sử dụng nhiều chất liệu theo Luật dán nhán chất lượng hàng gia dụng.

– Tên và địa chỉ hoặc số điện thoại của đơn vị dán nhãn phải được ghi rõ trên nhãn. Đơn vị dán nhãn không phải là bên trực tiếp dán nhãn lên sản phẩm mà là bên có trách nhiệm đối với việc dán nhãn chất lượng sản phẩm. Trong trường hợp sản phẩm nhập khẩu, bên kinh doanh tại Nhật (thông thường là nhà nhập khẩu) phải ghi rõ tên và địa chỉ hoặc số điện thoại dưới danh nghĩa là đơn vị dán nhãn.

 

Dán nhãn theo Luật chống lại việc đánh giá cao sai sự thật và mô tả gây hiểu lầm

Hàng dệt may phải tuân thủ theo các quy định về dán nhãn nước xuất xứ. Điều này là bắt buộc theo Luật chống lại việc đánh giá cao sai sự thật và mô tả gây hiểu lầm và do Ủy ban thương mại công bằng của Nhật quản lý. “Nước xuất xứ” nghĩa là nước diễn ra hoạt động làm thay đổi đáng kể bản chất của sản phẩm.

 

Để tìm hiểu về các mức thuế suất đối với hàng dệt may, có thể tham khảo trang web của Cơ quan hải quan Nhật Bản . Thuế tiêu dùng tại Nhật Bản là 5% (kể từ năm 2010).

 

Các cơ quan pháp lý:

– Văn phòng tư vấn hải quan, Cơ quan hải quan Nhật Bản (tại Tokyo) – đưa ra các quy định hải quan

– Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp – đưa ra Luật dán nhãn chất lượng hàng gia dụng: Bộ phận an toàn sản phẩm, Nhóm chính sách phân phối và thương mại, Ban chính sách thông tin và thương mại.

– Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội – Luật Kiểm soát sản phẩm tiêu dùng có chứa các chất độc hại: Bộ phận đánh giá và cấp phép, Ban an toàn thực phẩm và dược phẩm

– Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp – Công ước Washington: Bộ phận cấp phép thương mại, Phòng kiểm soát thương mại, Ban Hợp tác kinh tế và thương mại

- Ủy ban thương mại công bằng Nhật Bản – Luật chống lại việc đánh giá cao sai sự thật và mô tả gây hiểu lầm – Bộ phận thương mại có liên quan, Phòng thông lệ thương mại.
http://www.vietrade.gov.vn/dt-may-va-nguyen-liu/3172-xut-khu-hang-dt-may-sang-th-trng-nht-bn–phn-1.html
4764 views