Xuất khẩu dệt may “méo mặt” dịp cuối năm

(HQ Online) – Những tháng cuối năm, doanh nghiệp dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Đầu vào không ổn định, đơn hàng khan hiếm, nhu cầu thị trường đòi hỏi ngày càng cao với mức giá thành giảm, áp lực cạnh tranh và các rào cản thương mại…

xuat khau det may meo mat dip cuoi nam
Năm nay xuất khẩu dệt may dự kiến chỉ đạt 39,6 tỷ USD. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương: Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 10 tháng năm nay ước đạt 27,36 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm đáng chú ý là, bước sang giai đoạn những tháng cuối năm, doanh nghiệp dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Đầu vào không ổn định, đơn hàng khan hiếm, nhu cầu thị trường đòi hỏi ngày càng cao với mức giá thành giảm, áp lực cạnh tranh và các rào cản thương mại…

Nguyên nhân là do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng tới tỷ giá giữa các đồng tiền. Giá hàng hóa gia công tại Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc dẫn tới ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt với nhóm hàng dệt may.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp nhiều khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc cắt giảm lượng nhập hàng.

Bộ Công Thương nêu rõ: Các mặt hàng may mặc trong tình trạng sụt giảm đơn hàng. Nếu như trong năm 2018, tới thời điểm giữa năm, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đã có đơn hàng đến hết năm, thì thời điểm năm 2019 chỉ ký được các đơn hàng có số lượng nhỏ và ký theo tháng…

Một số doanh nghiệp số đơn hàng mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Tâm lý chung của người mua đều lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ “leo thang” nên các đơn hàng bị “chia nhỏ” thay vì đặt số lượng lớn như những năm trước.

Xung quanh câu chuyện đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh mẽ trong năm nay, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá: Một trong những lý do còn có thể xuất phát từ tác động của các Hiệp định thương mai tự do (FTA).

Các FTA, điển hình như FTA Việt Nam-EU (EVFTA), ban đầu tưởng rằng sẽ có tác động mạnh, tuy nhiên, thực chất FTA này mới được ký kết chứ chưa có hiệu lực thực sự, hàng xuất khẩu vẫn chịu thuế. Khách hàng nhìn nhận các FTA mang đến nhiều cơ hội nhưng cơ hội chưa thật, Việt Nam mới chỉ ở dạng tiềm năng, nếu chuyển đơn hàng sang thị trường khác thì lợi ích cao hơn.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp dệt may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới.

Những tháng cuối năm, doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm sản xuất; cùng với đó là chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững để thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai.

Về giá trị xuất khẩu dệt may cả năm nay, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo: Con số đạt được khoảng 39,6 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2018. Như vậy, xuất khẩu cả năm không đạt được mục tiêu như đã đề ra từ đầu năm là 40 tỷ USD.

Với riêng Vinatex, trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu chấm dứt, dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh cả năm nay của Tập đoàn sẽ không đạt được như kế hoạch đã đề ra.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 45.439,6 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch năm. Doanh thu (không thuế Giá trị gia tăng) đạt 49.184,3 tỷ đồng, bằng 97,7% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2.896,3 triệu USD, bằng 97,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.281,55 tỷ đồng, bằng 73,95% kế hoạch năm.
Thanh Nguyễn   ( Theo nguồn báo Hải Quan 16:20 | 06/11/2019)
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

480 views