Xuất khẩu 400.000 tấn gạo: Hải quan thực hiện đúng quy định của Bộ Công Thương

(HQ Online) – Liên quan đến việc xuất khẩu 400.000 tấn gạo theo hạn ngạch, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương, tích cực chuẩn bị, hoàn thiện thêm các tiêu chí của hệ thống thông quan tự động để đảm bảo quản lý được đúng hạn ngạch theo chỉ đạo của Chính phủ và quyết định của Bộ Công Thương.

xuat khau 400000 tan gao hai quan thuc hien dung quy dinh cua bo cong thuong
Sáng ngày 17/4, hệ thống của Tổng cục Hải quan ghi nhận có 4.110 tấn gạo trong hạn ngạch tháng 4 được xuất khẩu. Biểu đồ: T.Bình.

Phương án xuất khẩu 400.000 tấn được hình thành thế nào?

Ngày 25/3/2020, Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo (tại công văn số 2280/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ) giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các địa phương và DN xuất khẩu gạo rà soát, đánh giá về nguồn cung thóc, gạo, tình hình xuất khẩu gạo để báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo.

Tiếp đó, Bộ Công Thương đã chủ trì làm việc với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi Thủ tướng đồng ý xuất khẩu gạo trở lại nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực, ngày 10/4, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 năm 2020

Được biết, trước khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định 1106/QĐ-BCT, Bộ Tài chính đã 2 lần có văn bản góp ý. Tại công văn số 4355/BTC-QLG ngày 10/4, Bộ Tài chính nêu quan điểm: Nhiều DN được phê duyệt kết quả trúng thầu (cung cấp gạo dự trữ quốc gia) và thông báo kết quả trúng thầu nhưng có văn bản từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng với số lượng 160.300 tấn. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị chỉ cho phép xuất khẩu gạo đối với DN đã trúng thầu với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và phải ký hợp đồng giao hàng xong.

Quá trình thực hiện Quyết định 1106, cơ quan Hải quan phát hiện sự bất thường khi một số DN bỏ cung cấp gạo trúng thầu cho dự trữ quốc gia để đăng ký xuất khẩu.

Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn cho hay, có 4 DN nằm trong danh sách trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020 nhưng đã bỏ để chuyển sang đăng ký xuất khẩu.

Ngoài ra, được biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã làm việc với các đơn vị về các nội dung liên quan nhưng cuộc họp chỉ diễn ra có 1/2 ngày.

Vấn đề xuất khẩu gạo ảnh ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến nhiều DN và hàng triệu nông dân thì liệu với thời gian làm việc chỉ 1/2 ngày đã đủ để đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay chưa?

Nhu cầu lớn, hạn ngạch ít

Tại Quyết định số 1106/QĐ-BCT, Bộ Công Thương quy định nguyên tắc quản lý hạn ngạch như: Thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Số lượng khai trên tờ khai hải quan đã đăng ký sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn (tờ khai hải quan có số lượng vượt quá mốc 400.000 tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan).

Theo thông tin báo chí Tổng cục Hải quan phát đi chiều 17/4, Quyết định 1106/QĐ-BCT có hiệu lực từ 0g ngày 11/4/2020- nhưng thời điểm này Tổng cục Hải quan chưa nhận được bản chính thức từ Bộ Công Thương. Đến 9g30 sáng ngày 11/4, Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chụp do Bộ Công Thương gửi qua thư điện tử (ngày 13/4, mới nhận được bản chính thức).

Dù vậy, khi nhận được bản chụp vào 9 giờ 30 phút ngày 11/4, căn cứ nguyên tắc quản lý hạn ngạch quy định tại Điều 2 Quyết định 1106, Tổng cục Hải quan tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0g ngày 12/4/2020.

Việc trừ lùi sẽ được tự động thực hiện ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến Hệ thống và Hệ thống sẽ tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu (là 400.000 tấn), không có sự can thiệp của công chức hải quan.

Trong thời gian từ 0g – 6g15 ngày 12/4 đã có 38 DN đăng ký 519 tờ khai xuất khẩu tại 13 Chi cục, với số lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu 399.989,73 tấn, trong đó có 1 DN đăng ký xuất khẩu 102 tờ khai, với 96.234 tấn.

“Như vậy, hạn ngạch xuất khẩu gạo chỉ còn 10,47 tấn, nên DN tiếp tục đăng ký tờ khai xuất khẩu với số lượng lớn hơn 10,47 tấn thì không được hệ thống tiếp nhận. Sau thời điểm 6g15 ngày 12/4 có 2 DN đăng ký 2 tờ khai với số lượng ít hơn 10,47 tấn và được hệ thống tiếp nhận (15g10 đăng ký xuất 9 tấn và 19g34 đăng ký xuất 1,2 tấn)”- Tổng cục Hải quan thông tin.

Phải nói thêm rằng, trong báo cáo 2412/BCT-XNK ngày 6/4 của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ cho thấy, đến ngày 27/3/2020 riêng 92 hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổng lượng gạo theo hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng lên đến 1,574 triệu tấn. Trong đó, thời điểm từ nay đến 31/5/2020 phải giao 1,385 triệu tấn. Mặt khác, lượng gạo hiện có trong kho của hội viên VFA (60/92 hội viên) là 1,651 triệu tấn.

Như vậy, việc doanh nghiệp nhanh chóng đăng ký hết số lượng 400.000 tấn theo hạn ngạch trong thời gian ngắn cũng là điều dễ hiểu.

Đối với thực hiện thủ tục hải quan điện tử, nội dung này được quy định trong Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật từ nhiều năm qua. Theo đó, tất cả mặt hàng, không riêng mặt hàng gạo đều được khai báo, đăng ký tự động 24/7 qua hệ thống thông quan điện tử hải quan.

Luật Hải quan cũng quy định doanh nghiệp được đăng ký tờ khai khi hàng chưa đến cảng và tờ khai có giá trị trong 15 ngày.

Với các quy định dẫn trên có thể thấy việc doanh nghiệp đăng ký tờ khai trên hệ thống thông quan điện tử 24/7 kể cả khi chưa có hàng ở cảng là hoạt động thông thường từ nhiều năm qua và theo đúng quy định của pháp luật.

Hải quan kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ cho DN

Trước khó khăn hiện nay của một số DN đã có hàng hóa nằm ở cảng và để đảm bảo an ninh lương thực, tạo sự công bằng cho các DN xuất khẩu gạo cũng như các vấn đề liên quan đến dự trữ gạo quốc gia, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, trong thông tin báo chí chiều 17/4, Tổng cục Hải quan cho hay, cơ quan Hải quan vừa tiếp tục kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ.

Cụ thể, về công tác quản lý gạo xuất khẩu cần đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng gạo xuất khẩu; đảm bảo tính công khai, minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp khi lên kế hoạch xuất khẩu gạo và xử lý lượng gạo hiện đang lưu giữ tại cửa khẩu nhưng chưa thể xuất khẩu.

Trong đó, Tổng cục Hải quan đưa ra các kiến nghị cụ thể với các lô hàng gạo hiện đang tồn tại cảng chưa xuất khẩu; công tác quản lý hạn ngạch trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19; và phương án sau khi chấm dứt dịch bệnh Covid-19.

Đối với việc đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia, theo quy định của Luật Đấu thầu, trường hợp nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký kết hợp đồng thì bị thu bảo đảm dự thầu từ 1% đến 3% giá gói thầu.

Theo Tổng cục Hải quan, mức quy định này chưa đủ ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi trúng thầu, do đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu để bổ sung quy định chế tài xử lý đối với công tác đấu thầu.

Báo Hải quan sẽ tiếp tục thông tin chi tiết về các kiến nghị của Tổng cục Hải quan xoay quanh vấn đề quan trọng này.

Thái Bình ( Theo nguồn báo Hải Quan 17:55 | 17/04/2020)
Link: https://haiquanonline.com.vn/xuat-khau-400000-tan-gao-hai-quan-thuc-hien-dung-quy-dinh-cua-bo-cong-thuong-125110.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

352 views