Xuất hiện nhiều thủ đoạn buôn lậu, gian lận mới
(HQ Online)- Theo Cục Hải quan TP.HCM, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại trong những tháng đầu năm 2016 mặc dù đã giảm, song lại xuất hiện nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn.
Đủ chiêu trò buôn lậu
Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thường là lợi dụng việc hàng hóa được phân vào luồng Xanh và luồng Vàng, tức là được miễn kiểm tra thực tế, để khai báo thuế suất 0%, trong khi thực tế lại là hàng có thuế suất cao hoặc để nhập lậu hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu. |
Phân tích các vụ vi phạm do cơ quan Hải quan phát hiện trong thời gian qua, lãnh đạo Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan TP.HCM cho biết, ngoài những phương thức thủ đoạn thông thường trước đây (lợi dụng việc phân luồng, khai báo giảm số lượng, khai mặt hàng có thuế suất thấp…), thời gian gần đây xuất hiện các thủ đoạn mới. Chẳng hạn ban đầu DN khai tờ khai nhập kinh doanh, sau khi có thông tin phối hợp kiểm tra, DN khai thêm tờ khai phi mậu dịch để hợp pháp hóa lượng hàng không khai báo, số lượng hàng phi mậu dịch bằng 1/2 hoặc gần bằng số lượng hàng DN khai báo trên tờ khai nhập kinh doanh trước đó.Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng DN lợi dụng loại hình quá cảnh, lợi dụng việc khi khai báo tờ khai vận chuyển chỉ khai tên hàng đại diện để né tránh sự kiểm soát của cơ quan Hải quan. Đối với mặt hàng NK có điều kiện, như: Sữa, mỹ phẩm… khi có thông tin kiểm tra DN điều chỉnh sang loại hình quá cảnh. Điển hình là Công ty TNHH TMDV H.N. khai báo trên manifest ban đầu là hàng tạp hóa và vật tư nông nghiệp. Sau đó DN điều chỉnh manifest sang loại hình quá cảnh sang Campuchia.
Một số DN lợi dụng loại hình gia công, SXXK khai báo là nguyên phụ liệu để gia công, SXXK nhưng thực tế là lợi dụng để NK hàng cấm. Điển hình là Công ty TNHH MB Việt Nam, mở tờ khai loại hình nhập nguyên liệu để gia công (E21) tại Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư, khai báo là vải nguyên phụ liệu may mặc, dây kéo, nút bấm…, mới 100%, xuất xứ Hàn Quốc. Kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa lại là thiết bị điện tử, điện gia dụng, động cơ ô tô, thân xe ô tô bị cắt rời… đã qua sử dụng, mỹ phẩm các loại, thiết bị y tế.
Không chỉ nhập lậu hàng cấm, đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu, Đội Kiểm soát Hải quan phát hiện trường hợp có sự khác nhau giữa người nhận hàng trên tờ khai NK với người nhận hàng trên E-Manifest, DN lợi dụng thông thoáng trong điều chỉnh manifest để né tránh các quy định, chính sách quản lý NK mặt hàng phế liệu.
Lợi dụng kẽ hở
Không chỉ sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới, các đối tượng còn lợi dụng sự quản lí lỏng lẻo trong hoạt động của hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận, cơ quan quản lý cảng. Theo đó, một số đối tượng cấu kết với đại lý hãng tàu trong việc phát hành vận đơn gom hàng (house bill) với các thông tin không đúng với thực tế của lô hàng NK về số lượng, trọng lượng, mô tả hàng hóa, tên người nhận hàng, tên người gửi hàng… Có trường hợp hàng hóa thực tế hoàn toàn khác so với thông tin trên Hệ thống e-Manifest, thậm chí khác so với vận đơn gốc và manifest. Khi bị cơ quan Hải quan nghi vấn thì điều chỉnh manifest. Khi tiến hành xác minh phía Hải quan Nhật Bản thì một số container người nhận hàng thể hiện hồ sơ tại Hải quan Nhật Bản không trùng với tên người nhận hàng trên vận đơn.
Theo Đội Kiểm soát Hải quan, quy định việc tạo lập và gửi thông tin về vận đơn gom hàng là do hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu hoặc công ty giao nhận thực hiện. Tuy nhiên, không có quy định nào để ràng buộc trách nhiệm của các hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận đối với nội dung các thông tin do họ tạo lập và gửi nêu trên dẫn đến việc phát hành vận đơn diễn ra tràn lan, không kiểm soát. Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết việc phát hành vận đơn gom hàng và cũng chưa có quy định việc cơ quan nào cho phép pháp nhân có ngành nghề kinh doanh nào thì được ký phát vận đơn gom hàng.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính chưa chặt chẽ, tính răn đe không cao để lách. Trên thực tế, đối với trường hợp NK hàng hóa vừa vi phạm về thuế, vừa vi phạm về điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, theo quy định khi xử lý, chỉ xử phạt về hành vi NK hàng hóa không đủ điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật và buộc tái xuất mà không thể xử phạt về thuế. Lợi dụng điều này, các đối tượng buôn lậu tiến hành NK các mặt hàng có yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật như hóa chất (giấy phép của Bộ Công Thương), sữa Ensure (công bố của Bộ Y tế),… nhưng khai báo thành những mặt hàng có thuế suất 0%; trường hợp bị phát hiện, lập biên bản vi phạm và xử phạt thì cơ quan Hải quan chỉ xử phạt về hành vi NK hàng hóa không đủ điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật với mức phạt từ 30-60 triệu đồng và buộc tái xuất.
Hiện, vẫn chưa có chế tài đối với các trường hợp sai seal. Đây là kẽ hở mà các đối tượng buôn lậu có thể lợi dụng bằng cách móc nối với các đại lý vận chuyển và các đối tượng làm việc trong cảng tiến hành cắt seal đánh tháo hàng lậu rồi niêm lại bằng seal khác, sau đó đại lý hãng tàu chỉ làm biên bản chứng nhận với hải quan giám sát để hợp thức hóa. Chế tài đối với các hành vi khai sai tên hàng, số lượng của các DN có hoạt động gia công, SXXK không đủ sức răn đe, trong khi trị giá hàng vi phạm rất lớn, nếu không phát hiện thì số hàng lậu được chuyển vào thị trường nội địa và số thuế thất thu là rất lớn…