Xã Ba Trại: Xây dựng quy trình sản xuất chè bền vững

Kinhtedothi – Với tổng diện tích khoảng 1.783ha, huyện Ba Vì là vùng trồng chè lớn nhất của Hà Nội. Trong đó, xã Ba Trại là vựa chè lớn nhất của huyện Ba Vì và là xã có truyền thống sản xuất chè lâu đời nhất huyện.

 

Ba Trại hiện có 9 thôn thì cả 9 thôn đều được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè. Chè là cây trồng chính và là nguồn thu lớn nhất của người dân xã Ba Trại. Sản phẩm chè của Ba Trại đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong nước và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Từ một xã miền núi gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đến nay nhiều hộ trồng chè ở Ba Trại đã liên kết với nhau tạo ra mô hình sản xuất chè an toàn, chè VietGAP để cùng vươn lên làm giàu.

Theo Chủ tịch UBND xã Ba Trại Nguyễn Đức Dần, 80% lao động địa phương tham gia sản xuất chè. Hiện, toàn xã có 471ha chè, trong đó có 60ha chè Việt GAP, 30ha chè an toàn. Những năm qua, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT Hà Nội, từ những nương chè giống cũ, nông dân Ba Trại đã thay đổi dần tập quán canh tác, tiếp nhận các giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao hơn và đưa công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao giá trị của cây chè. Đặc biệt HTX Dịch vụ tổng hợp Ba Trại đã kết nối các hộ để sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết với các DN tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp xã Ba Trại Bùi Ngọc Kiên cho biết, sản phẩm chè của HTX được sản xuất theo phương pháp truyền thống, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về VSATTP. HTX giám sát chặt chẽ chất lượng sản xuất và chế biến chè của các thành viên. Đồng thời, tiến hành thu gom các sản phẩm chè đạt chất lượng và tổ chức phân phối thông qua các kênh mà HTX đã liên kết. Bước đầu đã tạo được kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định cho bà con như bán hàng online, trực tiếp cho các thương lái, qua các công ty phân phối trên địa bàn Hà Nội… Trước thực trạng phát triển chè như hiện nay, HTX đang hướng đến các DN lớn để tạo được các mối liên kết chắc chắn hơn. Bên cạnh đó, phát triển thêm mô hình làng nghề chè sinh thái phục vụ khách tham quan du lịch. Đồng thời, chế biến ra các sản phẩm chè có chất lượng cao hơn nữa theo mô hình chè an toàn, chè Việt GAP, quy hoạch và phát triển những vùng chè hữu cơ sạch để có thể đa dạng các sản phẩm chè tăng sức cạnh tranh cho chè Ba Trại trên thị trường.
Hiện nay, người trồng chè Ba Trại luôn tuân thủ nghiêm ngặt việc sản xuất đảm bảo VSATTP, qua đó, sẽ hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với DN trong suốt quá trình từ sản xuất, chế biến đến khi sản phẩm được lưu thông ra thị trường. Bà Hoàng Thị Sen ở thôn 8, xã Ba Trại cho biết: “Tham gia mô hình trồng chè theo chuỗi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật về ATTP, chúng tôi mong muốn giá trị sản phẩm được nâng cao hơn, ổn định lâu dài. Các DN cũng nên có biện pháp hỗ trợ người trồng chè như hướng dẫn kỹ thuật để tăng sản lượng, có giá thu mua chè an toàn, hợp lý để chúng tôi yên tâm sản xuất”.
Để chè thực sự là cây kinh tế, mang lại đổi thay cho cuộc sống người dân vùng chè Ba Trại nói riêng và của huyện Ba Vi nói chung, rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành trong bố trí nguồn vốn và triển khai các giải pháp thực hiện chuỗi giá trị chè hiệu quả.
Hà Duyên ( Theo nguồn báo Kinh Tế & Đô Thị 04-09-2019 11:28)
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com
326 views