Virus corona “cản chân” doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn

(HQ Online) – Bên cạnh tình trạng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thịt lợn, hiện nay, dịch viêm phổi cấp do virus corona (nCoV) gây ra cũng ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, kể cả việc đi lại của các doanh nghiệp sang các nước để tìm kiếm, đàm phán nhập khẩu thịt lợn.

virus corona can chan doanh nghiep nhap khau thit lon
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo công tác phòng, chống bệnh DTLCP và các biện pháp đảm bảo nguồn cung thịt lợn.

Cụ thể về nhập khẩu thịt lợn, Bộ NN&PTNT nêu rõ: Năm 2019, có 600 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, có 150 doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn (tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2018). Tổng sản lượng các loại thịt nhập khẩu trong năm 2019 tăng 17% và thịt lợn tăng 63% so với năm 2018.

Thống kê báo cáo từ các cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y, trong tháng 1 năm nay, các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 4.500 tấn thịt lợn. Trong đó, thịt lợn nhập khẩu từ các nước Đức, Ba Lan, Brazil và Hoa Kỳ.

Từ 11/2019 đến nay, sản lượng thịt lợn nhập khẩu về để bù đắp thiếu hụt thịt lợn do bệnh DTLCP, bình ổn giá thịt lợn trong nước là khoảng 17.421 tấn.

Hiện nay, Việt Nam không giới hạn định mức (không cấp quota) về số lượng thịt lợn nói riêng, cũng như các sản phẩm động vật được phép nhập khẩu.

Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp với các doanh nghiệp để bàn giải pháp thúc đẩy nhập khẩu; đồng thời chỉ đạo các cơ quan thú y tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác kiểm dịch thịt lợn nhập khẩu.

Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm thịt có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn: Hiện nay có một số khó khăn do bệnh DTLCP xảy ra ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp thịt lợn cho các thị trường trên thế giới.

Các nhà xuất khẩu thường sản xuất dựa trên kế hoạch và hợp đồng đã ký trước đó tối thiểu từ 3-5 tháng. Trong khi đó, thời gian vừa qua là kỳ nghỉ Noel và Tết dương lịch của các nước xuất khẩu, do đó các nhà máy giết mổ gia súc và các doanh nghiệp xuất khẩu thường đóng cửa.

Đặc biệt, Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề do bệnh DTLCP nên cần rất nhiều thịt lợn; giá thịt lợn ở nước này hiện rất cao nên các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng mua thịt lợn nhập khẩu với giá cao hơn (20 – 30%) so với các doanh nghiệp Việt Nam và họ thường mua với số lượng rất lớn. Ngoài ra, các nước đã ký hợp đồng xuất bán thịt lợn cho các doanh nghiệp Trung Quốc ngay từ đầu năm 2019.

Ngoài vấn đề giá nhập khẩu cao, hiện nay, lượng thịt lợn cũng không dồi dào, việc tìm được các nguồn cung cấp với giá hợp lý gặp khó khăn.

Chưa kể, dịch nCoV gây ra đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, kể cả việc đi lại của các doanh nghiệp sang các nước để tìm kiếm, đàm phán nhập khẩu thịt lợn.

Riêng với trường hợp nhập khẩu thịt lợn từ thị trường Hoa Kỳ, Bộ NN&PTNT chỉ ra hàng loạt khó khăn nổi cộm gồm: Thời gian và chi phí vận chuyển sản phẩm từ Hoa Kỳ về Việt Nam lâu hơn và cao hơn; thuế nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ vẫn ở mức cao hơn so với thịt lợn nhập khẩu từ các nước đã có FTA với Việt Nam như Australia, Nhật Bản, Liên bang Nga, Mexico; các doanh nghiệp cần có thêm vốn để nhập khẩu vì để nhập 200 – 300 tấn/tháng, các doanh nghiệp phải đặt cọc vài chục tỷ đồng cho mỗi lần mua…

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề xuất Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc các Bộ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các nguồn hàng thịt lợn với giá hợp lý tại Hoa Kỳ và tại các nước.

Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ; đồng thời chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện trong việc thông quan hàng thịt lợn nhập khẩu…

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 31/1/2020, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 8.570 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5.982.679 con, tổng trọng lượng là 341.957 tấn.Từ thực tế tái đàn ở các địa phương, Bộ NN&PTNT dự báo, khả năng đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 khoảng hơn 4 triệu tấn (trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh, nhất là bệnh DTLCP).Cụ thể, tháng 2/2020, dự báo lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt khoảng 330.000 tấn; tháng 3/2020, dự báo lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt khoảng 350.000 tấn; tháng 4/2020, dự báo lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt khoảng 360.000 tấn; tháng 5/2020, dự báo lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt khoảng 360.000 tấn; tháng 6/2020, dự báo lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt khoảng 365.000 tấn; Quý III/2020, dự báo lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt khoảng 1,098 triệu tấn; Quý IV/2020, dự báo lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt khoảng 1,145 triệu tấn.

Thanh Nguyễn  ( Theo nguồn báo Hải Quan 18:52 | 10/02/2020)
Link: https://haiquanonline.com.vn/virus-corona-can-chan-doanh-nghiep-nhap-khau-thit-lon-119970.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

446 views