Vì sao chi phí logistics tại VN cao?
Tại VN, chi phí logistics chiếm khoảng 25% GDP, trong đó vận tải chiếm khoảng 50 – 60%, quá cao so với thế giới.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chi phí logistics trung bình chiếm 12% tổng sản phẩm nội địa thế giới. Tại Mỹ, chi phí logistics chiếm 9,9% GDP. Đối với các DN, chi phí logistics thay đổi từ 4% đến trên 30% doanh thu.
Chưa chú trọng vai trò
Thực trạng hiện nay cho thấy, nhiều Cty VN chưa phát huy hết những lợi thế do logistics đem lại, thậm chí có DN chưa nhìn thấy vai trò hết sức quan trọng của logistics trong việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Logistics có liên hệ chặt chẽ giữa marketing, sản xuất, tồn kho, vận tải và phân phối. Thế nhưng, nhiều DN bố trí chức năng vận tải nằm trong phòng hành chính, quản trị tồn kho thì lại nằm trong phòng kế toán – tài chính, còn chức năng thu mua thì lại trực thuộc phòng marketing hay bán hàng… Việc tổ chức rời rạc các phòng chức năng như thế khiến DN quản lý các chức năng này cũng rời rạc. Vì vậy, cần phải hình thành một bộ phận riêng biệt cho logistics/chuỗi cung ứng để các nhà quản trị bộ phận này có thể phối hợp chặt chẽ với các chức năng khác.
Tại VN, hàng hóa phải đi qua quá nhiều trung gian, từ khâu cung ứng nguyên liệu cho sản xuất, đến khâu phân phối hàng hóa tới tay người tiêu dùng, làm tăng chi phí giao dịch, tăng giá bán. Trong chuỗi này, các bên tham gia đều cố gắng trục lợi cho chính mình, và vì thiếu thông tin, nên các thành viên trong chuỗi chỉ biết có bên quan hệ trực tiếp với DN mình mà chẳng biết đến các thành viên khác và kết quả là thổi phồng chi phí logistics.
Mặt khác, hệ thống phân phối tập trung vào các đô thị là chủ yếu, mà lại bỏ ngõ phần nông thôn. Nhà phân phối chỉ đảm trách vận tải cự lý ngắn và các đại lý phải tự lo vấn đề vận tải của mình. Hơn nữa, việc bố trí mạng lưới bán lẻ thì tương đối dày đặc ở các khu trung tâm đô thị, trong khi đó các kho bãi lớn thì ở quá xa, và vì phần lớn các DN cũng chưa ý thức được vai trò của mỗi loại nhà kho như sơ cấp, thứ cấp, và kho trung tâm nên kết quả hoặc là chi phí vận tải thấp nhưng chi phí nắm giữ tồn kho cao hay ngược lại, mà một trong hai điều này cũng làm tăng tổng phí logistics.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là, DN chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ thuê ngoài như đại lý khai thuê hải quan, đại lý kế toán và các dịch vụ thuê ngoài 3PL – mà chủ yếu tự làm. Khi DN tự làm dịch vụ, tự đầu tư xây dựng kho bãi hay mua sắm phương tiện vận tải sẽ cần rất nhiều vốn đầu tư và khó đạt đến trình độ chuyên nghiệp. Trong khi khả năng khai thác thấp, vì thế chậm thu hồi vốn, không hiệu quả và chi phí logistics tăng cao.
Ngành logistics nước ta đang phát triển rất mạnh và nhiều DN cung ứng dịch vụ logistics đang tiến đến mức độ chuyên nghiệp hóa rất cao. Càng chuyên nghiệp hóa trong việc cung ứng dịch vụ thì chi phí logistics càng giảm. Vấn đề là DN có chú trọng có đến vai trò của logistics để giảm chi phí sản xuất hay không ?
Hạ tầng cơ sở còn yếu kém
Nước ta hiện có trên 17.000 km đường nhựa, hơn 3.200 km đường sắt, 42.000 km đường thủy, 266 cảng biển và 20 sân bay. Tuy nhiên, chất lượng của mạng lưới giao thông không đồng bộ, nhiều nơi tiêu chuẩn kỹ thuật chưa đảm bảo an toàn trong giao thông. Tuy có 266 cảng biển, nhưng chỉ có 20 cảng biển có thể tham gia vào việc xuất nhập hàng hóa quốc tế. Đa số các cảng này chưa thể tiếp nhận các tàu container thông thương vì chưa đủ thiết bị cũng như kinh nghiệm bốc dỡ container…
Về phương thức vận tải, vận tải bằng đường hàng không chưa được phổ biến, mà chủ yếu bằng phương tiện vận tải đường bộ. Tuy vậy, như đã nêu, hệ thống giao thông này không thể được sử dụng cho vận tải hàng hóa nặng bởi đường hẹp, chất lượng kỹ thuật chưa cao, và năng lực vận tải quá thấp, trình trạng kẹt xe thường xuyên diễn ra. Nhiều khu công nghiệp xây dựng xong, nhưng chưa có đường giao thông hoặc các khu công nghiệp bố trí quá xa hệ thống cảng biển, làm chi phí vận chuyển hàng hóa tăng lên.
Càng chuyên nghiệp hóa trong việc cung ứng dịch vụ thì chi phí logistics sẽ càng giảm |
Vận tải đường sắt hiện nay chỉ chở hành khách là chủ yếu. Với hệ thống hai khổ ray khác nhau (1 m và 1,43 m), phương tiện vận tải này không thể được dùng để vận tải hàng hóa trọng lượng cao và mất rất nhiều thời gian (chuyến đường sắt Bắc – Nam mất đến 32 tiếng đồng hồ).
Vận tải đường thủy chủ yếu bằng xà lan, chi phí thấp, an toàn, ít xảy ra tai nạn, nhưng thời gian vận chuyển lâu và khách hàng vẫn chưa mặn mà với hình thức vận chuyển này.
Ngoài ra, sự kết hợp các phương thức vận tài khác nhau (vận tải đa phương thức) để kết hợp các ưu điểm của từng phương thức vận tải cũng chưa phổ biến ở VN. Vì những lý do đó, tổng phí logistics (phần lớn là chi phí vận tải) rất cao là lẽ đương nhiên. Tình hình này dẫn đến giá bán lẻ trên toàn quốc rất khác nhau. Một xu hướng chung của các DN VN (và các DN xuất khẩu nói riêng) là không muốn lấy rủi ro, nên giá bán hàng hóa chỉ dựa trên giá bán FOB nguyên xứ (FOB origin), tức bán ra từ nhà máy, mà không bao gồm chi phí vận tải, trong khi đó, để cho giá bán lẻ đồng nhất trên toàn quốc, cần phải áp dụng giá bán FOB đáo xứ (FOB destination), tức giá hàng hóa cộng thêm chi phí vận tải trung bình từ nơi bán cho đến kho của khách hàng, để chi phí cập bến (landed costs) giống nhau.
Vì thế để giảm chi phí sản xuất cho DN, hạ được giá thành sản phẩm, cần thiết phải giảm chi phí logistics. Chi phí logistics nước ta năm 2011, ước tính hơn 25 tỉ USD. Như vậy, nếu chỉ giảm được 1% chi phí đó sẽ làm lợi cho DN, cho đất nước một số tiền không nhỏ.
Theo BaoMoi