TV, laptop, đồ điện tử có thể tăng giá mạnh

Tình trạng thiếu hụt loại mạch tích hợp để điều khiển màn hình đang ngày càng trầm trọng. Nó đã và sẽ khiến hàng loạt thiết bị điện tử tiêu dùng tăng giá

Nhu cầu mua TV, laptop, tablet tăng mạnh trong đại dịch Covid-19 khi người dùng học và làm việc qua Zoom, Skype và “nướng” phim trên Netflix trong giai đoạn giãn cách xã hội. Chính nhu cầu tăng cao đó dẫn đến gián đoạn về nguồn cung vật liệu bán dẫn, khiến một số mặt hàng điện tử tăng giá – bắt đầu từ TV.

Trong những tháng gần đây, giá của một số mặt hàng TV màn hình lớn đã tăng khoảng 30% so với năm ngoái, theo hãng nghiên cứu thị trường NPD. Đây là kết quả trực tiếp từ cơn khủng hoảng chip gần đây. Theo các chuyên gia, biện pháp cần thiết để giải quyết tình trạng này sẽ phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ tăng lượng sản xuất. Sau TV, việc laptop, tablet, thiết bị VR tăng giá chỉ còn là vấn đề thời gian.

Một vài nhà sản xuất đã đề cập đến chuyện tăng giá. Hãng sản xuất máy tính Đài Loan là Asus nói trong buổi công bố báo cáo tài chính gần đây rằng tình trạng thiếu linh kiện sẽ khiến giá sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

TV, laptop, đồ điện tử có thể tăng giá mạnh - Ảnh 1.

“Thật không may là giá linh kiện gần như chắc chắn phải tăng lên”, Michael Hurlston – CEO của Synaptics, công ty bán mạch tích hợp để điều khiển màn hình cảm ứng cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử, cho biết. “Trong một vài trường hợp, chúng tôi buộc phải chuyển phần tăng giá đó cho khách hàng và chúng tôi nghe được rằng họ tiếp tục chuyển phần tăng đó cho người tiêu dùng”.

Nghe có vẻ không liên quan nhưng mạch tích hợp cho màn hình lại bị ảnh hưởng nặng khi nguồn cung chất bán dẫn bị gián đoạn. Vì công nghệ không quá tiên tiến nên các vi mạch này được sản xuất tại các nhà máy sản xuất chip công nghệ thấp. Khi các nhà sản xuất chip tập trung vào phát triển các nhà máy tiên tiến, mang lại giá trị cao, họ gần như không có động lực để đầu tư vào các cơ sở cũ. Do đó, các cơ sở này không thể cung cấp thêm sản phẩm ngay cả khi nhu cầu tăng đột biến.

Rất nhiều thiết bị điện tử bị ảnh hưởng bởi cơn khủng hoảng chip. Sony nói với các nhà phân tích hồi tuần trước rằng máy chơi game PlayStation 5 sẽ gặp tình trạng khan hàng trong suốt năm 2022. Các đơn vị kinh doanh linh kiện điện tử cho biết giá của nhiều linh kiện đã nhảy vọt. Với người dùng, các sản phẩm yêu cầu mạch tích hợp màn hình (TV, laptop, tablet) sẽ chịu tác động đầu tiên và cũng là mạnh mẽ nhất.

“Bất cứ thứ gì có màn hình sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt tăng giá này”, Paul Gagnon – Giám đốc nghiên cứu cao cấp về thiết bị tiêu dùng của công ty phân tích Omdia cho biết.

Nhà bán lẻ thiết bị điện tử Monoprice bị ảnh hưởng bởi cơn khát linh kiện, Paul Collas – phó chủ tịch phụ trách sản phẩm của công ty này cho biết. Ông này khẳng định Monoprice chưa tăng giá sản phẩm nhưng sẽ hoãn các chương trình bán hàng và khuyến mại.

Nhiều chuyên gia dự đoán cuộc khủng hoảng vật liệu bán dẫn sẽ kéo dài cả năm, đồng thời vẽ lại bản đồ của ngành sản xuất chip toàn cầu. Sự thiếu hụt đã làm nổi bật tầm quan trọng của sản xuất chip đối với nhiều ngành công nghiệp. Những con chip tiên tiến nhất sẽ là yếu tố sống còn để phát triển các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo, 5G hay công nghệ quân sự.

Nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ là Intel đã bị tụt lại phía sau các đối thủ như TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc trong những năm gần đây. Họ đang có kế hoạch đầu tư mạnh trong một nỗ lực nhằm giành lại vị trí dẫn đầu. Chính phủ Mỹ cũng đã đề xuất một khoản kích thích trị giá 50 tỷ USD với ngành công nghiệp chip để tăng cường năng lực sản xuất.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp dài hạn, không giúp gì cho tình hình hiện tại, theo Hurlston của Synaptics. “Đó là kinh tế. Nguồn cung có hạn và tất cả đang phải giành giật nhau”.  Đức Nam Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

https://cafef.vn/tv-laptop-do-dien-tu-co-the-tang-gia-manh-20210521100915607.chn?fbclid=IwAR3rLHrvjxQBmu1h1cTUmd7AU0HxlkyZjUYXiW9B0_ULYbtzefTqA9aJGvY

Please contact with us:

PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED

Kim Phạm – Cell-phone: 0917474043

Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

 

491 views