Tổng cục Hải quan ban hành kế hoạch nâng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới
(HQ Online) – Tổng cục Hải quan vừa ban hành Quyết định 1552/QĐ-TCHQ ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp nâng cao xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam giai đoạn 2019-2021.
CBCC Cục Hải quan Thừa Thiên Huế thực hiện nhiệm vụ tại cảng Chân Mây. Ảnh: N.Linh
Theo kế hoạch, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ: Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan; Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; Nâng cao chất lượng, giảm thời gian và chi phí bốc xếp, lưu thông hàng hóa tại kho, bãi, càng; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thực hiện thủ tục XK, NK; Nâng cao và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Cụ thể, trong nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định chi tiết Luật Hải quan, Luật Thuế XK, thuế NK, Luật Quản lý thuế; đẩy mạnh triển khai thanh toán thuế điện tử; Hoàn thiện cơ chế phân luồng quyết định kiểm tra theo hướng: Tập trung, thống nhất trong toàn ngành; liên kết giữa các khâu trước, trong và sau thông quan hàng hóa; đảm bảo vai trò và trách nhiệm tham gia của tất cả các đơn vị nghiệp vụ hải quan tại Hải quan các cấp.
Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ doanh nghiệp. Tăng cường công tác phân tích, đánh giá rủi ro, lựa chọn áp dụng tiêu chí phân luồng kiểm tra đối với DN, lô hàng có rủi ro cao. Triển khai công tác, chương trình đánh giá tuân thủ, quản lý tuân thủ đối với các đối tượng, người khai hải quan trong hoạt động NK; đồng thời công khai tiêu chí đánh giá tuân thủ DN, tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật và tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động XNK. Triển khai các giải pháp giảm tỉ lệ kiểm tra thực tế.
Đồng thời, rà soát vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2018/TT-BTC để kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động XNK như: Bổ sung quy định về kiểm hóa hộ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan từ cảng Cát Lái đến cảng Cái Mép, phân quyền xử lý khi hệ thống gặp sự cố cho hải quan địa phương…
Về giải pháp cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, Tổng cục Hải quan thực hiện thống kê, rà soát danh sách mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, đề xuất danh sách các mặt hàng cần cắt giảm theo lộ trình; chuẩn hóa khai báo trên tờ khai hải quan các nội dung liên quan đến hàng hóa, đơn vị tính đồng nhất với giấy phép, kết quả kiểm tra chuyên ngành thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia; Hoàn thiện chức năng Cổng thông tin một cửa quốc gia; phối hợp với các bộ, ngành thực hiện rà soát, hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc kiểm tra chuyên ngành…
Về giải pháp nâng cao chất lượng, giảm thời gian và chi phí bốc xếp, lưu thông hàng hóa tại kho, bãi, càng, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống CNTT ngành Hải quan, hệ thống VASSCM, Cổng thông tin một cửa quốc gia… để đảm bảo việc kết nối giữa hải quan và DN kho bãi cảng, cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành, hãng tàu được thông suốt, xử lý dứt điểm vướng mắc về kết nối hệ thống hiện nay; phối hợp với các bên liên quan xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng;
Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan (cảng vụ, công ty king doanh kho, bãi cảng, hãng tàu, logistics, UBND các tỉnh, thành phố…) để xử lý vướng mắc cho DN, đảm bảo thủ tục XNK, vận chuyển hàng hóa nhanh; xây dựng và triển khai Đề án phát triển hệ thống logistics, chống ùn tắc tại cảng Cát Lái.
Cùng với các giải pháp trên, Tổng cục Hải quan đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thực hiện thủ tục XK, NK thông qua việc tăng cường hiệu quả quan hệ đối tác hải quan-DN; kịp thời triển khai các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn cộng đồng DN thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục XK, NK; thực hiện khảo sát, đánh giá chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam theo phương pháp của Ngân hàng thế giới (WB).
Về nâng cao và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, các giải pháp được triển khai là xây dựng và triển khai các giải pháp trong cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành để tránh phiền hà, giảm thời gian và chi phí cho cộng đồng DN; rà soát lại việc thực hiện tất cả các khâu thủ tục; phân công các công chức có năng lực tại các vị trí kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa; bố trí khu vực ưu tiên làm thủ tục hải quan cho các DN ưu tiên, các DN có kim ngạch và số thu nộp ngân sách lớn, DN tuân thủ tốt pháp luật…
Quyết định 1552/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan ra đời ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành Quyết định 876/QĐ-BTC ngày 27/5 triển khai vấn đề này. Theo đó, để đạt mục tiêu đến năm 2021 nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới tăng 10-15 bậc so với năm 2018; năm 2019, phấn đấu tăng từ 3-5 bậc so với năm 2018, Bộ Tài chính cho rằng cần có sự tham gia tích cực, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan liên quan, bao gồm: Bộ Tài chính (cơ quan Hải quan); các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành; các UBND tỉnh, thành phố; cộng đồng DN XNK, DN kinh doanh kho bãi cảng, DN vận tải, logistics…
Chính vì vậy, trong Quyết định của Bộ Tài chính đã phân công cụ thể các nhiệm vụ Bộ Tài chính chủ trì cũng như các nhiệm vụ Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, cơ quan liên quan thực hiện.
N.Linh (theo nguồn báo hải quan) 4/6/2019