Thủy sản xuất khẩu – cơ hội đến từ CPTPP

(HQ Online) – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Sau hơn 4 tháng, CPTPP đã tạo thuận lợi nhiều cho XK hàng hóa của Việt Nam, trong đó có mặt hàng thủy sản có mức tăng trưởng rõ rệt…
thuy san xuat khau co hoi den tu cptpp 105144
Sản phẩm tôm chế biến XK đang được ưa chuộng tại Nhật Bản. Ảnh: T.H.

Tăng XK sang các nước thành viên CPTPP

Trong những tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang nhiều nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng trưởng mạnh như: Mexico tăng 35,6%, Malaysia tăng hơn 32%, Canada tăng gần 14%. Thủy sản và gỗ là hai mặt hàng được đánh giá hưởng lợi nhiều nhất khi CPTPP có hiệu lực. Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý 1/2019 cho thấy xuất khẩu thủy sản tăng trưởng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,8 tỉ USD.

Trong số các nước thành viên CPTPP, Việt Nam có thể đẩy mạnh khai thác ở thị trường Canada. Theo đánh giá của Bộ Công thương với việc Hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Canada dự báo sẽ tăng trưởng khả quan Thuế nhập khẩu các mặt hàng thủy sản vào Canada như tôm đông lạnh, tôm chế biến, nhuyễn thể hai mảnh, cá tra, cá ngừ… từ Việt Nam đều giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Được đánh giá là thị trường tiềm năng, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Canada đang tiến triển tốt, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đang mở đường cho tôm Việt vào thị trường này ngày càng nhiều. Bà Nguyễn Sơn Trà, Phó trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, với CPTPP, Canada cam kết xóa bỏ 94,5% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực, tương đương với 78% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Từ năm thứ 4, Canada xóa bỏ 96,3% số dòng thuế, tương đương với 93,4 kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Trong đó nông sản, thủy sản được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn ngay khi CPTPP có hiệu lực.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong nhiều năm qua, Canada luôn có tên trong số 10 thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam. Canada hiện là thị trường NK tôm lớn thứ 6 của Việt Nam và chiếm gần 5% tổng XK tôm của Việt Nam đi các thị trường.

Trong 10 năm (2007-2016), XK tôm Việt Nam sang Canada không ổn định, dao động trong khoảng từ 65,5 triệu – 201,5 triệu USD. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, XK tôm Việt Nam sang Canada tăng trưởng liên tục từ 122,5 triệu USD năm 2016 lên 161,6 triệu USD năm 2018. Tính tới 15/3/2019, XK tôm Việt Nam sang Canada đạt 23,8 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đầu năm nay, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, trong đó Việt Nam và Canada đều là thành viên. Và đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tôm Việt Nam khai thác thị trường Canada vì các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường này như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia đều không tham gia hiệp định CPTPP.

Cùng với Canada, Nhật Bản là thị trường duy nhất trong số các thị trường NK chính tôm Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng dương và duy trì vị trí số 1 cung cấp tôm cho thị trường này. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Nhật Bản duy trì là thị trường NK tôm lớn thứ 2 của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019, chiếm 19,7% tổng giá trị XK tôm Việt Nam đi các thị trường. Trong quý đầu năm nay, XK tôm sang thị trường Nhật Bản đạt 121,7 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản là thị trường duy nhất trong top 8 thị trường NK tôm chính của Việt Nam tăng NK tôm từ Việt Nam trong quý đầu năm nay. Quý II năm nay, dự kiến XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản tăng khoảng 5% đạt khoảng 297,9 triệu USD.

Nhiều cơ hội cho mặt hàng chủ lực

Hai mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra sẽ có thêm nhiều cơ hội XK khi CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam.

Nhật Bản đã chính thức bước vào top 10 thị trường XK cá tra lớn nhất của Việt Nam, với lợi thế từ CPTPP, thị trường này đang trở thành thị trường tiềm năng của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, đặc biệt là cá tra. Bên cạnh các Hiệp định FTA Việt Nam – Nhật Bản và ASEAN – Nhật Bản, Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ tháng 1/2019 cũng sẽ một lần nữa giúp cho tôm Việt Nam gia tăng lợi thế tại thị trường này. Với hai hiệp định thương mại tự do (FTA) trước là Việt Nam – Nhật Bản và ASEAN – Nhật Bản, một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật đã được xóa bỏ rào cản thuế quan. Với CPTPP, nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế trong hai FTA trên cũng sẽ được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong đó, một số mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực, bao gồm sản phẩm cá tra được miễn thuế ngay lập tức, từ mức 3,5-10,5% hiện tại.

Theo các cam kết của Nhật Bản tại CPTPP, đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam trong đó có tôm đông lạnh (HS 030617) và tôm chế biến (HS 160521) được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, các mặt hàng như các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ… cũng được hưởng thuế suất 0%.

Để đẩy mạnh XK tôm sang Nhật Bản, DN nên đổi mới phương thức tiếp cận thị trường cùng với quảng bá mạnh mẽ hơn nữa thương hiệu cho sản phẩm của mình, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Dự kiến, năm 2019, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản sẽ đạt mức tăng trưởng 2 con số so với năm 2018.

Như vậy, với thuận lợi từ 3 FTA với Nhật Bản, trong đó chủ công là CPTPP, doanh nghiệp XK thủy sản Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để gia tăng hơn nữa hoạt động cá tra sang thị trường Nhật Bản.

Lê Thu    (theo nguồn báo hải quan)                                                                                                                                                                                            

405 views