Thương mại điện tử: Cầu nối hiệu quả cho DN xuất khẩu

Thương mại điện tử: Cầu nối hiệu quả cho DN xuất khẩu

Năm 2015 sẽ là một năm nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ trong hoạt động xuất khẩu. Do đó việc đẩy mạnh kênh bán hàng qua thương mại điện tử (TMĐT) sẽ được nhiều DN chú trọng hơn. Đây là thông tin được các chuyên gia và DN chia sẻ tại sự kiện Supplier Day của Alibaba.com – một sàn TMĐT có mạng lưới tại nhiều quốc gia trên thế giới mới đây.

hai quan 2

TMĐT giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quả hơn.

Theo TS Lê Đăng Doanh, năm 2015 được coi là năm có nhiều “đợt sóng” tăng giá đè nặng lên DN (tăng giá điện, xăng dầu, phí môi trường, biến động tỷ giá VNĐ/USD…), tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu. Do đó, DN cần đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và triệt để tiết kiệm để cạnh tranh. Một trong những hướng cạnh tranh mới cho DN là tiếp cận marketing thông qua các sàn giao dịch TMĐT bởi đây là sân chơi lớn cho sự sáng tạo, năng động, luôn đối mới, không có giới hạn về địa lý, về số lượng khách hàng nhưng có chi phí thấp.

Đánh giá về lợi ích mà TMĐT mang lại, ông Trần Đình Toản – Phó Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và Công nghệ OCB cho biết, trong các năm qua xuất khẩu của Việt Nam không ngừng tăng trưởng, đóng góp chung vào thành công của xuất khẩu, TMĐT tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình như là một công cụ đắc lực hỗ trợ DN tìm kiếm và mở rộng thị trường, cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh… Theo ông Toản, trong thời gian qua, thông qua trang Alibaba.com nhiều DN xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp cận được với nhà nhập khẩu ở nhiều nơi trên thế giới, qua đó đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm, ký kết các đơn hàng thuận lợi hơn.

Ông Đặng Quang Vũ- Đại diện Hapro cho hay, đơn vị này đã tận dụng tốt kênh TMĐT để phát triển thêm thị trường mới, bán được nhiều hàng hơn. Để làm được điều này, Hapro đã đưa các thông tin chi tiết về sản phẩm, chất lượng và các thông tin cần thiết về công ty cho khách hàng tin tưởng. Theo ông Dũng, hiện Hapro không chỉ phát triển mạnh trong nước mà còn xuất khẩu tới trên 70 quốc gia với doanh thu bán hàng hơn 9.000 tỷ đồng/năm. Các khách hàng lớn của công ty phải kể tới như: Ross Store, BAL, Adeo Group…

Đại diện Công ty TNHH Nhân Minh được biết đến qua thương hiệu Q- Café và Q-Cereal chia sẻ, thời gian đầu mới hoạt động sản phẩm Q-café và Q-cereal ít được người tiêu dùng chú ý, nhất là khách quốc tế bởi từ lâu đã định vị café Việt Nam là phân khúc thấp với chất lượng kém và giá thành rẻ. Trước những khó khăn đó, Nhân Minh đã tìm đến sàn TMĐT để dễ dàng tiếp cận khách hàng tiềm năng. Đến nay, chỉ trong 1 thời gian ngắn, sản phẩm Q-Café đã có mặt tại kênh bán lẻ của trên 10 quốc gia, thương hiệu Q-Café cũng dần được người tiêu dùng quốc tế biết đến.

Nhận định về sự phát triển của kênh TMĐT tại thị trường Việt Nam, bà Goretti Lee – Trưởng phòng Marketing (bộ phận marketing và phát triển kinh doanh quốc tế Alibaba.com) cho hay, thị trường Việt Nam đang chuyển dịch dần từ một thị trường trung cấp thành một thị trường mua hàng. Chúng tôi nhận thấy có một số lượng lớn người mua và hỏi hàng trên Alibaba.com đến từ Việt Nam, cùng lúc đó lại có nhu cầu và sản phẩm của Việt Nam trên thế giới cũng tăng nhanh chóng. Do đó, với việc tiếp cận kênh TMĐT để xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong tìm kiếm đối tác nhập khẩu.

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

1596 views