Thời điểm nộp C/O đang quy định như thế nào?

(HQ Online)- Sẽ có sự thống nhất áp dụng thời điểm nộp C/O đối với đối với các lô hàng áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt để phù hợp với mục tiêu quản lý tránh gian lận thương mại qua xuất xứ; đồng thời tạo thuận lợi thương mại và phù hợp với cam kết quốc tế.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: HỮU LINH.

Cam kết quốc tế về thời điểm nộp C/O

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và triển khai 5 Hiệp định đa phương trong khuôn khổ ASEAN (gồm: ATIGA (C/O mẫu D), ASEAN-Trung Quốc (C/O mẫu E), ASEAN-Hàn Quốc (mẫu AK), ASEAN-Úc, Niu di lân (mẫu AANZ); ASEAN-Ấn Độ (mẫu AI), 3 Hiệp định song phương (gồm: Việt Nam-Nhật Bản (C/O mẫu VK), Việt Nam-Chi Lê (VC), Việt Nam-Hàn Quốc (VK) và vừa ký kết 2 Hiệp định là TPP và Việt Nam-EU.

Theo Tổng cục Hải quan về nguyên tắc tất cả các Hiệp định đều quy định C/O (chứng nhận xuất xứ) được nộp tại thời điểm làm thủ tục NK để được hưởng thuế ưu đãi. Cùng với đó, các Hiệp định đều có quy định thêm về trường hợp nộp C/O sau khi hàng hóa đã NK nhưng quy định không hoàn toàn giống nhau giữa các Hiệp định. Chẳng hạn C/O mẫu D, AK, AANZ, AI, trong mọi trường hợp cơ quan Hải quan của nước thành viên NK có thể chấp nhận C/O nói trên với điều kiện hàng hóa được NK trước khi hết thời hạn hiệu lực của C/O đó. C/O mẫu AJ, VJ quy định C/O vẫn được chấp nhận nếu việc nộp chậm là do bất khả kháng hoặc do những nguyên nhân khác ngoài tầm kiểm soát của người XK hoặc người NK. C/O mẫu E, VC quy định để được hưởng ưu đãi thuế quan, bản gốc C/O mẫu E được nộp cho cơ quan Hải quan tại thời điểm làm thủ tục NK phù hợp với quy định của pháp luật bên NK.

Như vậy, việc có chấp nhận nộp bổ sung C/O căn cứ luật pháp trong nước. C/O mẫu VK quy định người NK trong vòng một năm sau ngày hàng NK có thể đề nghị cho hưởng thuế quan ưu đãi và xin hoàn bất kỳ khoản thuế dư nào phải trả khi hàng hóa chưa được hưởng ưu đãi. Tại Hiệp định mới được ký kết là TPP, cho phép nộp chứng nhận xuất xứ sau khi hàng hóa NK. Hiệp định Việt Nam-EU quy định chứng nhận xuất xứ có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày cấp và phải được nộp cho cơ quan Hải quan trong thời hạn nói trên. Trong trường hợp nộp quá thời hạn quy định, cơ quan Hải quan có thể chấp nhận nộp bổ sung C/O nếu hàng hóa được NK trước khi hết thời hạn hiệu lực của chứng nhận xuất xứ.

Nội luật hóa tại các cam kết quốc tế, trong các quy định trong nước các thông tư hướng dẫn về quy tắc xuất xứ của Bộ Công Thương đều có điều khoản quy định tại thời điểm nộp C/O để được xem xét hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt là tại thời điểm làm thủ tục NK và phải nộp trong thời gian hiệu lực của C/O. Tuy nhiên, đối với mỗi loại C/O lại có những hướng dẫn riêng. Chẳng hạn, đối với C/O mẫu D, Thông tư 21/2010/TT-BCT hướng dẫn quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA quy định để được hưởng thuế quan, tại thời điểm làm thủ tục NK, người NK phải nộp cho cơ quan Hải quan nước NK tờ khai, C/O, kèm các chứng từ chứng minh và các liệu khác theo quy định của pháp luật nước thành viên NK. Do vậy, việc cơ quan Hải quan quy định về việc xem xét cho hàng hóa áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt với điều kiện DN phải nộp C/O tại thời điểm đăng ký là phù hợp với quy định tại Thông tư 21 và cam kết trong Hiệp định ATIGA.

Đối với C/O mẫu E, VC thời điểm nộp C/O căn cứ trên quy định nội luật của từng nước thành viên. Tại Thông tư 36/2010/TT-BCT quy định để được hưởng ưu đãi thuế quan, bản gốc C/O mẫu E sẽ được nộp cho cơ quan Hải quan tại thời điểm làm thủ tục NK phù hợp với quy định của pháp luật bên NK. Thông tư 33/2013/TT-BCT quy định để được hưởng ưu đãi thuế quan, người NK phải nộp cho cơ quan Hải quan nước NK C/O và các chứng từ khác theo quy định tại nước thành viên NK. Hai thông tư trên không có điều khoản tương tự như Thông tư 21 cho phép xem xét một số trường hợp ngoại lệ…

Hầu hết phải nộp C/O khi đăng ký tờ khai

Tại một cuộc họp mới đây do Tổng cục Hải quan tổ chức với sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, một số ý kiến cho rằng, cần áp dụng giống nhau về thời điểm nộp C/O giữa các Hiệp định để tránh tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các nước đối tác của Việt Nam. Tổng cục Hải quan cũng đang đề xuất áp dụng thống nhất thời điểm nộp C/O để phù hợp với mục tiêu quản lý và kiểm tra chặt chẽ C/O đối với các lô hàng áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt và phù hợp với các cam kết quốc tế. Việc quy định thống nhất thời điểm nộp C/O cũng nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh xảy ra tình trạng gian lận để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt qua Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Thực tế thời gian qua, DN thường được nợ C/O và được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, một số DN đã lợi dụng ưu đãi này để gian lận.

Cơ quan Hải quan đã phát hiện ra nhiều vụ việc gian lận qua xuất xứ như: Làm giả C/O mẫu D đối với mặt hàng than đá nhập khẩu từ Indonesia, C/O mẫu D do Malaysia cấp cho một số mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam, C/O mẫu E của một số DN NK hàng từ Trung Quốc); hay một số trường hợp hàng hóa NK có C/O mẫu E nhưng không đáp ứng các quy định về hóa đơn thương mại được phát hành bởi bên thứ 3 tại Hiệp thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc tại thời điểm NK hàng hóa; hay phát hiện nhiều C/O cấp không phù hợp với quy định, đặc biệt là cấp sai về tiêu chí xuất xứ, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về xuất xứ.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đang đề xuất áp dụng một quy định chung về thời điểm nộp C/O để được xem xét hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Cụ thể, DN phải nộp C/O cho cơ quan Hải quan tại thời điểm đăng ký tờ khai NK. Đối với các trường hợp DN không có C/O tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, DN có thể nộp bổ sung C/O trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai. Bên cạnh đó, cũng sẽ có những quy định về một số trường hợp ngoại lệ, do nguyên nhân bất khả kháng hoặc những nguyên nhân chính đáng nằm ngoài tầm kiểm soát của người NK.

Ngọc Linh

 

1658 views