Thị trường hàng may mặc và thời trang Hong Kong

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hong Kong 6 tháng đầu năm 2014 đạt 2,10 tỷ USD, tăng 31,36% so với cùng kỳ năm trước. Quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hong Kong đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Trong đó, hàng dệt may nằm trong một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh sang thị trường Hong Kong, tăng khoảng trên 70%.

 

Hong Kong là trung tâm mua sắm của cả khu vực Châu Á. Thành phố này có môi trường bán lẻ hấp dẫn người tiêu dùng nội địa và khách du lịch nước ngoài nhờ áp dụng mức thuế suất kinh doanh 0% và danh mục sản phẩm đa dạng. Hệ thống dịch vụ thương mại, bán buôn, bán lẻ của Hong Kong rất phát triển. Đây được xem là trung tâm tài chính, thương mại quan trọng của Châu Á và thế giới, đồng thời tập trung nhiều trụ sở các công ty lớn của Châu Á – Thái Bình Dương. Hong Kong đứng đầu thế giới về tự do mậu dịch và thu hút đầu tư FDI nhờ có môi trường pháp lý thuận lợi trong việc giải quyết tranh chấp về các vấn đề khác nhau, đặc biệt pháp luật tại Hong Kong rất hiệu quả trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

 

Thị trường hàng may mặc Hong Kong vẫn rất cạnh tranh. Năm 2012, doanh số bán hàng của các công ty bán lẻ chuyên hàng may mặc ở Hong Kong đạt mức khoảng gần 1 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2011. Với sự hiện diện của hầu hết các nhãn hiệu quốc tế, Hong Kong trở thành một trung tâm mua sắm cho khách du lịch và vì thế, đây chính là địa chỉ lý tưởng để giới thiệu các sản phẩm quốc tế. Thành phố này cũng như một cửa ngõ để thâm nhập thị trường Trung Quốc.

 

Đặc biệt, Hong Kong vẫn nổi tiếng là điểm du lịch hấp dẫn đối với người mua hàng ở Trung Quốc đại lục do giá bán lẻ thấp hơn, sản phẩm sang trọng hơn và rất gần về địa lý với Trung Quốc. Năm 2013, có tới 40 triệu người từ Trung Quốc đã đến Hong Kong (trong số 54 triệu khách du lịch tới đây). Người Trung Quốc đã trở thành một trong những nhóm người tiêu dùng lớn nhất và đóng góp lớn vào doanh số bán hàng may mặc trên thị trường này.

 

Theo kết quả khảo sát gần đây về người tiêu dùng trung lưu ở Trung Quốc do Ủy ban phát triển thương mại Hong Kong thực hiện, người tiêu dùng trung lưu ở Trung Quốc có cảm nhận tích cực về Hong Kong, coi đây như thủ đô thời trang. Phần lớn họ cho rằng “Hong Kong là nơi bắt nguồn các xu hướng thời trang và tạo ra xu hướng thời trang”.

 

Trên một thị trường có nhiều nhãn hiệu quốc tế chiếm lĩnh, các công ty chuyên bán lẻ hàng may mặc vẫn là kênh phân phối quan trọng nhất tại Hong Kong. Các nhãn hiệu quốc tế lớn từ Nhật Bản, Châu Âu và Hoa Kỳ như Abercrombie & Fitch, American Eagle, Forever 21, Gap, H&M, Marks & Spencer, Topshop, Uniqlo và Zara đã mở các cửa hàng lớn (outlet) ở Hong Kong. Các công ty bán lẻ hàng may mặc lớn trong nước như Baleno, Bossini, Catalog, Esprit, Giordano, G2000 và Mirabell cũng đã thiết lập các chuỗi cửa hàng tại Hong Kong. Bên cạnh việc mở các outlet, các công ty bán lẻ hàng may mặc này cũng đang giới thiệu các cửa hàng bán lẻ trực tuyến. Tuy nhiên, mặc dù bán hàng trực tuyến đang dần phát triển, nhưng doanh số vẫn rất nhỏ so với bán hàng truyền thống tại cửa hàng.

 

Người tiêu dùng Hong Kong mua các sản phẩm may mặc vì nhu cầu sử dụng thực tế và những thay đổi về mùa. Nhiều người mua do có những đợt giảm giá hoặc do xu hướng thời trang thay đổi. Người tiêu dùng tại đây ngày càng quan tâm nhiều đến hình ảnh thương hiệu và xu hướng thời trang, đặc biệt là những người trong độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi. Thanh niên mới lớn và những người trẻ tuổi thường chạy theo các xu hướng thời trang của nhật bản và Hàn Quốc do ảnh hưởng ngày càng tăng của văn hóa nhạc pop từ những nước này. Ngoài ra, họ cũng mua các mặt hàng quần áo thời trang thông qua hệ thống bán lẻ trực tuyến của nước ngoài.

 

Hầu hết người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến yếu tố thời trang và ít hơn đối với yếu tố chức năng. Do người tiêu dùng trên thị trường này liên tục tìm kiếm các xu hướng thời trang mới hơn và các sản phẩm sáng tạo, việc này giúp xu hướng thời trang “fast fashion” (thời trang bình dân) ở Hong Kong phát triển nhanh. H&M, Zara và Forever 21 là những công ty bán lẻ theo xu hướng “fast fashion”. Họ thiết kế quần áo và phụ kiện vào cuối mùa để phản ánh xu hướng thời trang hiện tại nhưng sử dụng chất liệu ít đắt đỏ hơn để đảm bảo giá thấp. Xu hướng “fast fashion” đặc biệt phổ biến đối với thanh niên mới lớn và giới trẻ.

 

Các công ty kinh doanh hàng thời trang Hong Kong và người tiêu dùng trên thị trường cao cấp rất có ý thức về thương hiệu và yêu cầu thiết kế phải đặc sắc và độc đáo đến từng chi tiết. Đối với người tiêu dùng trên thị trường trung lưu và bình dân, họ thường lựa chọn những mặt hàng đem lại cho họ sự thoải mái, có đủ các tính năng cần thiết và tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra.
http://www.vietrade.gov.vn/dt-may-va-nguyen-liu/4481-hang-may-mac-va-thoi-trang-hong-kong-phan-1.html
2744 views