Sửa Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Sửa quy định về khung thuế suất

(HQ Online)- Để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong thực hiện quy định về một số nhóm hàng tại Biểu thuế XK theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế XK đối với từng nhóm hàng chịu thuế ban hành kèm theo Luật Thuế XK, thuế NK, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi quy định một số nhóm tại khung thuế suất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13. Nội dung này đã được Bộ Tài chính xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục hải quan Thái Nguyên, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang.

Theo phản hồi của hải quan một số tỉnh, thành phố, qua thực tế hoạt động hải quan một số địa phương đang gặp vướng mắc về quy định về mô tả hàng hóa của Nhóm 27.10 tại số thứ tự 73 của Biểu thuế XK ban hành kèm theo Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 là ”Xăng, dầu các loại”, có khung thuế XK từ 0-40%. Tuy nhiên, mô tả hàng hóa của nhóm 27.10 tại Biểu khung thuế XK chưa phù hợp với mô tả hàng hóa theo Danh mục HS 2017 của Tổ chức Hải quan thế giới, Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/1/2018. Điều này có thể dẫn tới cách hiểu khác nhau về phạm vi của nhóm 27.10 tại Biểu khung thuế XK.

Bên cạnh đó, một vướng mắc khác về khung thuế suất đó là quy định “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” có khung thuế suất 5-20%” tại Nhóm hàng số thứ tự 211 – Khung thuế XK ban hành kèm theo Luật Thuế XNK. Theo Tổng cục Hải quan, quy định này cần được sửa đổi, bổ sung để việc triển khai có hiệu quả trên thực tế và tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện quy định của Luật.

Hiện chưa có quy định về việc xác định hàng hóa nào là “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm” và cách xác định, kiểm tra tỷ lệ giá trị “tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng cấu thành sản phẩm”, vì vậy, cơ quan Hải quan gặp vướng mắc trong việc xác định mặt hàng nào theo mã số HS là “vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm được sản xuất từ tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên”.

Bởi trong thực tế, có nhiều trường hợp cùng một mặt hàng là sản phẩm của ngành này nhưng lại có thể lại là nguyên liệu, vật tư của ngành sản xuất khác. Ví dụ: Clinker là sản phẩm của ngành sản xuất vật liệu xây dựng nhưng là nguyên liệu để sản xuất xi măng; bu lông, ốc vít và sản phẩm của ngành sản xuất cơ khí nhưng là nguyên liệu của ngành sản xuất máy móc thiết bị. Mặt hàng xơ sợi là sản phẩm hóa dầu nhưng là nguyên liệu của ngành dệt may; hay như mặt hàng  xi măng là thành phẩm của ngành công nghiệp sản xuất xi măng nhưng lại là nguyên liệu đầu vào của các công trình xây dựng…

Mặt khác, nhiều mặt hàng có nguồn gốc nguyên liệu là tài nguyên, khoáng sản: vật liệu xây dựng, hóa dầu, xơ sợi, hóa chất, luyện kim, plastic…Vì vậy, nếu không quy định cụ thể danh mục mặt hàng theo mã số HS thì cả Hải quan và DN không có căn cứ để xác định được mặt hàng nào phải chịu thuế XK theo quy định tại nhóm 211 Biểu thuế XK.

Trong khi đó, Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP không hướng dẫn cụ thể về việc xác định tỷ lệ giá trị “tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng cấu thành có chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên”, như: Phương pháp xác định, căn cứ tính, quy trình áp dụng, diện mặt hàng hoặc nhóm hàng cụ thể. Ví dụ việc xác định tỷ lệ này thì căn cứ vào sổ sách kế toán hạch toán giá thành sản xuất của cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hóa đó, vậy, trường hợp DN mới thành lập thì căn cứ xác định như thế nào? Cơ quan nào xác định tỷ lệ này khi làm thủ tục thông quan hàng XK (cơ quan Hải quan hay người nộp thuế hay cơ quan thuế) để đảm bảo thống nhất với chính sách thuế GTGT.

Hiện các DN tham gia hoạt động XNK hầu hết là các DN kinh doanh thương mại, thực hiện mua bán qua nhiều khâu trung gian (không sản xuất trực tiếp  hàng hóa) khi XK mặt hàng thuộc số thứ tự 211 nêu trên không xác định được mức thuế suất 5% giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng trong giá thành sản phẩm theo quy định của Luật.

Thực tế khi thực hiện quy định đối với Nhóm hàng 211- Khung thuế XK ban hành kèm theo Luật Thuế XK, thuế NK, cơ quan Hải quan chỉ thu được thuế XK đối với mặt hàng clanker, xi măng, đá hoa trắng đã gia công chế biến của một số DN trên cơ sở DN tự khai, tự chịu trách nhiệm. Điều này dẫn đến có sự không bình đẳng trong việc thu thuế XK giữa các DN sản xuất XK xi măng và DN sản xuất XK đá hoa trắng.

Trước thực tế nêu trên cho thấy, việc quy định “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” chịu thuế suất 5-20%” là chưa khả thi và gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện quy định của Luật thuế XK, thuế NK.

Nhằm đảm bảo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, triển khai có hiệu quả trên thực tế và đồng bộ về chính sách thuế XK, trong điều kiện Luật thuế XK, thuế NK và văn bản hướng dẫn (Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ) chưa có quy định về việc xác định hàng hóa nào là “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm” và cách xác định, kiểm tra tỷ lệ giá trị “tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng cấu thành sản phẩm”  để xác định mặt hàng nào theo mã số HS phải nộp thuế XK; đồng thời, trên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, thực hiện mua bán qua nhiều khâu trung gian (không sản xuất trực tiếp  hàng hóa) khi XK mặt hàng thuộc số thứ tự 211 cũng không xác định được mức thuế suất 5 % giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng trong giá thành sản phẩm theo quy định của Luật,  Bộ Tài chính đã đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau:

Sửa quy định tại số thứ tự 211 “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” có khung thuế suất 5-20%” tại khung thuế XK ban hành kèm theo Luật thuế XK, thuế NK theo hướng quy định chi tiết mã số và mô tả hàng hóa của một số nhóm hàng được chế biến từ tài nguyên khoáng sản thuộc đối tượng áp dụng thuế XK của nhóm 211.

Theo phân tích của ban soạn thảo, việc sửa đổi, bổ sung nêu trên để phù hợp với cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO về thuế XK, tránh việc phải xác định tỷ lệ 51% dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, không minh bạch, khó khăn trong thực hiện.

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 sẽ sửa đổi mô tả của nhóm hàng có số thứ tự 211 tại Biểu khung thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Luật số 107/2016/QH13. Cụ thể như sau: sửa đổi tên nhóm hàng hoá có STT 211 “vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” có khung thuế xuất khẩu là 5%-20% thành “Các mặt hàng, nhóm hàng hoá khác không quy định ở trên và hàng hoá là tài nguyên, khoáng sản đã chế biến thành sản phẩm khác theo danh mục kèm theo” với khung thuế xuất khẩu là 0-20%.Đây là nội dung đề xuất sửa nằm trong 4 nội dung đã được Bộ Tài chính xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để sửa Luật Thuế XK, thuế NK 107/2016/QH13. Hiện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) và Tổng cục Hải quan đang tiếp tục thực hiện rà soát  những nội dung bất cập để đề xuất đưa vào những nội dung sẽ sửa đổi trong Luật Thuế NK, thuế XK.
Thu Trang  ( Theo nguồn báo Hải Quan )

 

878 views