Sự cố kênh đào Suez phơi bày mặt trái của dòng chảy thương mại thế giới
(HQ Online) – Mạng tin Arab News mới đây nhận định sự cố “siêu tàu” chở hàng Ever Given bị mắc cạn trong Kênh đào Suez của Ai Cập không chỉ làm tê liệt giao thông hàng hải đi qua con kênh này, mà còn phơi bày tính dễ tổn thương của dòng chảy thương mại toàn cầu.
Sự cố mắc cạn của tàu Ever Given tại Kênh đào Suez nhìn từ trên cao. Bloomberg dẫn lời nhà cung cấp dịch vụ hàng hải Inchcape cho biết siêu tàu Ever Given chặn kênh đào Suez hiện đã được giải cứu. Các đội cứu hộ của Ai Cập đã thành công trong việc giúp tàu Ever Given di chuyển vào sáng 29/3, nhưng vẫn chưa rõ thời điểm nào kênh đào Suez sẽ được mở cửa giao thông trở lại.
Kênh đào Suez là một trong số ít những tuyến đường thủy quan trọng bậc nhất thế giới. Theo Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA), hơn 1 tỷ tấn hàng hóa đi qua kênh đào này trong năm 2019, con số gấp 4 lần mức tương ứng của Kênh đào Panama. Đặc biệt, châu Âu phụ thuộc lớn vào kênh đào Suez để tiếp nhận hàng hóa, dầu mỏ, hàng tiêu dùng, linh kiện từ châu Á và Trung Đông. Vì vậy, khi tàu chở hàng khổng lồ Ever Given bị mắc cạn hôm 23/3 và làm tắc nghẽn tuyến huyết mạch quan trọng của thương mại thế giới, nỗi lo nhanh chóng xuất hiện.
Tác động dây chuyền đã có thể cảm nhận từ rất xa, không chỉ còn gói gọn trong văn phòng chủ sở hữu, nhà điều hành con tàu và các công ty bảo hiểm của họ. Theo hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, hàng hóa trị giá khoảng 10 tỷ USD đi qua Kênh đào Suez mỗi ngày, trong đó riêng tàu Ever Given chuyên chở số hàng trị giá 1 tỷ USD.
Kênh đào Suez đã hoạt động gần như liên tục kể từ khi nó được khánh thành lần đầu tiên vào năm 1869. Tầm quan trọng của Kênh đào Suez đã tăng lên cùng với quá trình toàn cầu hóa, giúp củng cố mối liên kết giữa phương Đông và phương Tây. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi sự tắc nghẽn tạm thời của Kênh đào Suez đặt ra những vấn đề lớn hơn nhiều so với việc chỉ đơn giản là giải cứu một con tàu bị mắc kẹt. Ước tính, cả một “núi” hàng, từ đồ gia dụng cho đến hàng trăm nghìn con gia súc đang chờ thông tuyến. Việc đóng cửa tạm thời Kênh đào Suez phơi bày một số vấn đề liên quan đến kích thước tàu, cũng như tính dễ bị tổn thương của các tuyến đường thủy quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu và hàng hóa nhập khẩu.
Từ năm 1980-2019, khối lượng thương mại toàn cầu đã tăng gấp 10 lần, đạt giá trị trên 19.500 tỷ USD. Mức tăng trưởng này đi đôi với kích thước ngày càng tăng của các tàu hàng hải để đáp ứng nhu cầu hàng hóa. Dù các tuyến đường thủy như Kênh đào Suez và Panama đã trải qua một số lần mở rộng và được nạo vét thường xuyên để giúp những con tàu khổng lồ có thể đi qua nó, song vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn. Sự cố mắc cạn của tàu Ever Given là một ví dụ điển hình.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng “kịp thời” của thế giới cũng cực kỳ dễ bị tổn thương, khi chỉ một linh kiện bị giao hàng chậm cũng có thể khiến toàn bộ quy trình sản xuất của doanh nghiệp gặp rủi ro, tương tự như sự cố tàu chở hàng Ever Given. Một số tàu chở hàng đã quyết định chuyển hướng đi vòng qua Mũi Hảo vọng, tuyến đường dài hơn hàng chục nghìn km và tiêu tốn chi phí nhiên liệu thêm hơn 400.000 USD tùy thuộc vào kích thước của con tàu. Trong khi đó, phần lớn các chủ tàu và đơn vị điều hành đã quyết định neo đậu ở cả hai đầu của kênh đào Suez và chờ đợi kết quả giải cứu tàu Ever Given. Không chỉ dừng lại ở đó, đại dịch Covid-19 còn khiến giá dịch vụ hậu cần của các công ty vận chuyển hàng hóa tăng lên. Giá một container chở hàng đã tăng trung bình gấp 4 lần trong vòng 12 tháng qua.
Việc đóng cửa kênh đào Suez, nếu kéo dài quá lâu, cũng có thể gây ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ, song kênh đào này giờ đây đã không còn quá quan trọng cho tuyến đường vận chuyển dầu mỏ từ vùng Vịnh. Nhìn chung, sự tắc nghẽn của Kênh đào Suez đã để lại những “lỗ hổng” của các tuyến vận tải quốc tế và sự mong manh của chuỗi cung ứng. Sự cố ở Kênh đào Suez sẽ gây ra lạm phát trong ngắn hạn, đặc biệt là đối với châu Âu và thị trường vận tải container đường biển vốn đã “quá nóng”. Thời gian giải cứu tàu Ever Given thoát khỏi mắc cạn càng lâu, tác động của nó đối với chuỗi cung ứng và thị trường vận tải đường biển sẽ càng lớn. Sự cố này cũng đặt ra những câu hỏi liên quan đến kích thước phù hợp của tàu chở hàng và làm thế nào để những con tàu khổng lồ này có thể thích ứng cơ sở hạ tầng đường thủy nhân tạo.
Đ.A ( Theo nguồn báo Hải Quan online 07:20 | 30/03/2021)
Link: https://haiquanonline.com.vn/su-co-kenh-dao-suez-phoi-bay-mat-trai-cua-dong-chay-thuong-mai-the-gioi-143246.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com