Phát hiện gần 10.000 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

(HQ Online)- Cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm đã xử lý 9.624 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm với trị giá hàng hóa hơn 73 triệu đồng.

Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: QT.
Tại Hà Nội, theo ông Chu Xuân Kiên – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra, xử lý 1.449 vụ hàng hóa vi phạm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, với số tiền phạt hành chính là 10.234 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm là gần 6 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo ông Kiên, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều khó khăn do trong văn bản pháp luật còn những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, tính khả thi của các văn bản quy phạp pháp luật về an toàn thực phẩm chưa cao. Chính vì sự bất cập này mà hiện nay nhiều doanh nghiệp thực phẩm ghi lên nhãn hàng hóa của mình các số liệu khác xa với thực tế sản xuất mà không có một chế tài kiểm soát nào.
Mặt khác, nhận thức của các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh cũng như người tiêu dùng về an toàn thực phẩm còn hạn chế. Việc xử các vi phạm an toàn thực phẩm ở một số cơ quan chức năng chưa kiên quyết nhất là ở tuyến xã, hình thức xử phạt chủ yếu là cảnh cáo, nhắc nhở.
Việc xử lý vi phạm tại các làng nghề cũng gặp nhiều khó khăn do các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo thời vụ như sản xuất bánh kẹo, mứt tết khi tiến hành kiểm tra và xử lý các cơ sở thường bỏ và không kinh doanh nữa và không có sự hợp tác với cơ quan chức năng.
Đồng quan điểm trên, đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và thực phẩm bị ngâm tẩm hóa chất vẫn diễn ra phổ biến tại các chợ truyền thống và những cơ sở sản xuất kinh doanh với quy mô vừa và nhỏ. Nguồn thực phẩm khi đưa ra tiêu thị chưa được kiểm soát triệt để về chất lượng.
“Tuy Chính Phủ đã có quy định về mức xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm thối, tẩm hóa chất độc hại thì đều có thể bị xử lý hình sự mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trong đến sức khỏe người tiêu dùng; tuy nhiên thực tế những vi phạm này chỉ bị xử ở mức phạt hành chính do đó chưa đủ mức độ răn đe người vi phạm”.
Quang Tấn

 

1339 views