Những điểm mới về xác định xuất xứ chính thức có hiệu lực

(HQ Online) – Ngày 21/10, Thông tư 62/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38/2018/TT-BTC về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực. Nhiều nội dung mới cần phải lưu ý để đảm bảo tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa, đồng thời đảm bảo kiểm soát xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), để triển khai hiệu quả các nội dung mới tại Thông tư này, Tổng cục Hải quan đã tổ chức tập huấn cho CBCC các địa phương trên cả nước, đồng thời hướng dẫn các kỹ năng kiểm tra xuất xứ (C/O) nhằm chống gian lận, giả mạo xuất xứ.

Theo đó, tại Điều 1, Điều 2 và Điều 3 Thông tư 62/2019/TT-BTC, các nội dung cần lưu ý đến là các trường hợp khác biệt nhỏ không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại điểm h, Khoản 6, Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau: Mô tả hàng hóa trên chứng từ chứng nhận xuất xứ phù hợp mô tả hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu, hàng hóa thực tế nhập khẩu, hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định thì chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Mô tả hàng hóa trên chứng từ chứng nhận xuất xứ không phù hợp với mô tả hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu, hàng hóa thực tế nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu không phải hàng hóa trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì cơ quan Hải quan thực hiện từ chối chứng từ chứng nhân xuất xứ.

Mô tả hàng hóa trên chứng từ chứng nhận xuất xứ phù hợp với mô tả hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu, hàng hóa thực tế nhập khẩu, cơ quan Hải quan không có cơ sở để xác định hàng hóa thì cơ quan hải quan thực hiện thủ tục xác minh theo quy định.

Bên cạnh đó, trong quá trình làm thủ tục hải quan, CBCC cần lưu ý đến việc bổ sung điểm d, Khoản 1, Điều 22 về từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, trường hợp có chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu nhưng người khai hải quan không khai số tham chiếu, ngày cấp hoặc trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu nhưng người khai hải quan không khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu theo quy định tại. Trường hợp người khai hải quan khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ theo quy định nhưng khai bổ sung và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa quá thời hạn theo quy định, cơ quan Hải quan từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ theo quy định.

Bên cạnh đó, nội dung quan trọng của Thông tư 62/2019/TT-BTC là bổ sung hướng dẫn xác định xuất xứ trong Hiệp định CPTPP. Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, trong quá trình làm thủ tục các đơn vị cần lưu ý đến thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Tại thời điểm làm thủ tục hải quan nhập khẩu người khai hải quan phải nộp cho cơ quan Hải quan một trong các loại chứng từ sau: Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (01 bản chính); Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu (01 bản chính).

Trường hợp chưa kê khai để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt tại thời điểm làm thủ tục hải quan nhập khẩu, để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, người khai hải quan phải khai rõ xuất xứ hàng hóa và khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan; Khai bổ sung và nộp 1 bản chính chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Về thủ tục xử lý số tiền thuế nộp thừa được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Bên cạnh đó, thông tin tối thiểu đối với chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm: Người xuất khẩu hoặc người sản xuất: nêu rõ người chứng nhận là người xuất khẩu hay người sản xuất; Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ email của người chứng nhận; Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ email của người xuất khẩu nếu người xuất khẩu không phải người chứng nhận; Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ email của người sản xuất nếu người sản xuất không phải người chứng nhận hay người xuất khẩu hoặc nếu có nhiều hơn một người sản xuất thì ghi “Various”; Tên, địa chỉ, địa chỉ email và số điện thoại của người nhập khẩu (nếu có thông tin về người nhập khẩu). Địa chỉ của người nhập khẩu phải thuộc nước thành viên Hiệp định CPTPP; Mô tả và mã số HS của hàng hóa; Tiêu chí xuất xứ: Nêu cụ thể tiêu chí xuất xứ mà hàng hóa đáp ứng; Thời hạn; Ngày tháng năm và chữ ký được ủy quyền.

Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được cấp ở dạng văn bản giấy hoặc bản điện tử. Trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không sử dụng tiếng Anh, người khai hải quan phải dịch ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh và chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch.

Trong việc áp dụng thông tư 62/2019/TT-BTC, một điểm đáng lưu ý là đối với các tờ khai hải quan nhập khẩu, xuất khẩu đã đăng ký từ ngày 14/1/2019 đến trước ngày Thông tư có hiệu lực được áp dụng các quy định  về xuất xứ, thuế suất theo Hiệp định CPTPP, Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 của Chính phủ ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2019-2022 và khoản 4 Điều 1 Thông tư này, trừ điều kiện phải khai số tham chiếu, ngày cấp hoặc khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu. Người khai hải quan có số tiền thuế nộp thừa gửi văn bản đề nghị cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được xử lý theo quy định.
N.Linh  ( Theo nguồn báo Hải Quan 10:57 | 22/10/2019)
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

P/s: https://haiquanonline.com.vn/nhung-diem-moi-ve-xac-dinh-xuat-xu-chinh-thuc-co-hieu-luc-113740-113740.html

 

682 views