Những bất cập trong việc kiểm tra an toàn thực phẩm

(HQ Online)- Việc kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa NK đã phát sinh nhiều bất cập, không những khiến DN tốn nhiều thời gian, chi phí mà còn tạo áp lực đối với cơ quan quản lý.

Công chức Hải quan cảng Sài Gòn KV1 kiểm tra thực phẩm NK. Ảnh: Thu Hòa.

Tỷ lệ vi phạm rất thấp

Theo phân tích của Cục Hải quan TP.HCM, Khoản 1b Điều 38 Luật ATTP quy định: “Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm NK phải được cấp Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu NK đối với từng lô hàng của cơ quan kiểm tra được chỉ định”. Điều này có nghĩa là 100% lô hàng thuộc nhóm hàng trên đều phải thực hiện kiểm tra ATTP mà không được áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, tạo áp lực rất lớn cho cơ quan thực thi.

Trong khi đó, kết quả kiểm tra lại phát hiện rất ít trường hợp vi phạm (năm 2016 phát hiện 30/67.224 (chiếm 0,04%) lô hàng không đạt yêu cầu về kiểm tra ATTP), gây lãng phí rất lớn cho DN.

Trong buổi làm việc với Cục Hải quan TP.HCM mới đây, đại diện Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho rằng,  95% hàng hóa NK của DN phải kiểm tra ATTP.  Nhưng  điều đáng nói là 20 năm nay, chưa có lô hàng NK nào không đạt chất lượng về vệ sinh ATTP, nhưng vẫn phải kiểm tra.

Từ thực tế trên, Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị điều chỉnh quy định trên theo hướng thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro để kiểm tra ATTP đối với hàng hóa NK có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra ATTP tràn lan, quá mức cần thiết cũng khiến DN điêu đứng. Tại khoản 1 Điều 2 Luật ATTP giải thích “ATTP là việc bảo đảm thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người”. Như vậy, mục tiêu của kiểm tra ATTP là để phát hiện, ngăn chặn những thực phẩm chứa thành phần, hoặc nhiễm vi khuẩn, vi sinh gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng con người. Thế nhưng, trên thực tế, việc kiểm tra ATTP một số nhóm hàng hiện nay, ngoài việc kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP còn phải thực hiện kiểm tra các thành phần theo công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định ATTP – những chỉ tiêu thuộc về chất lượng sản phẩm. Chỉ cần một thành phần của sản phẩm có kết quả kiểm tra không giống với bảng công bố thì sản phẩm đó sẽ không được công nhận đạt yêu cầu về ATTP. Chính điều này đã làm kéo dài thời gian ra kết quả kiểm tra, khiến DN rất vất vả chờ đợi.

Ba bộ cùng quản lý, kiểm tra

Theo phản ánh của các DN, có nhiều mặt hàng cùng lúc phải chịu sự kiểm tra về ATTP, vừa phải kiểm dịch. Do đó, phải qua 2 cơ quan kiểm tra khác nhau làm kéo dài thời gian và tăng chi phí kiểm tra. Chẳng hạn như mặt hàng bơ, sữa, phô mai, thực phẩm đóng hộp… thuộc trách nhiệm quản lý ATTP của Bộ Công Thương, nhưng vừa phải kiểm dịch động vật của cơ quan Thú y vùng VI – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa phải kiểm tra ATTP tại Viện Y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế) hoặc Trung tâm 3 (cơ quan thuộc Tổng cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng- Bộ Khoa học và Công nghệ) vì cơ quan Thú y Vùng VI chưa được Bộ Công Thương chỉ định kiểm tra ATTP đối với những mặt hàng thuộc bộ này quản lý.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, nếu Bộ Công Thương cho phép cơ quan Thú y được kiểm tra ATTP thì trong trường hợp trên DN chỉ cần qua “một cửa” để vừa kiểm dịch, vừa kiểm tra ATTP.

Để tránh chồng chéo trong việc kiểm tra, Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải thống nhất các tiêu chí về kiểm tra ATTP theo quy định tại Luật ATTP, chỉ kiểm tra các tiêu chí liên quan đến ATTP, đồng thời phối hợp thống nhất hoặc chỉ định ủy quyền chỉ 1 cơ quan, tổ chức thực hiện kiểm tra, loại bỏ những mặt hàng chồng chéo giữa kiểm dịch và kiểm tra ATTP.

Bên cạnh đó, cả 3 bộ đều quản lý, kiểm tra ATTP, nhưng lại có sự không thống nhất giữa các quy định tại các thông tư của từng bộ ban hành. Cụ thể, kiểm tra ATTP có phân chia trách nhiệm của  từng bộ đối với từng nhóm mặt hàng riêng biệt, mỗi bộ đều ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra ATTP đối với hàng hóa NK thuộc diện kiểm tra ATTP do mình quản lý. Tuy nhiên, các thông tư được ban hành có những quy định về kiểm tra ATTP không thống nhất về phương thức kiểm tra, hồ sơ đăng kí kiểm tra, thời gian thực hiện, quy định về thông quan, ấn chỉ sử dụng… không những gây khó khăn cho DN NK mà còn khó khăn cho cả cơ quan kiểm tra ATTP.

Ngoài ra, hiện nay việc kiểm tra ATTP NK đều chưa công nhận kết quả kiểm tra hoặc chứng nhận chất lượng của nước XK cho dù đó là những sản phẩm nổi tiếng của các nước tiên tiến.

Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị cần thống nhất các quy định về kiểm tra giữa các bộ; chấp nhận kết quả kiểm tra, chứng nhận chất lượng của nước ngoài đối với những sản phẩm nổi tiếng, có uy tín, thường xuyên NK.

Lê Thu

 

1323 views