Nhiều đơn hàng bị hủy, giá phân bón trong nước đồng loạt tăng cao

Nửa đầu tháng 3/2022, giá phân bón (Urê, DAP, Kali) trong nước đã tăng thêm 300 – 700 đồng/kg (tùy loại) và đây là đợt tăng giá lần thứ 3 từ đầu năm. So với cuối năm 2021, giá phân bón đã tăng hơn 20% và hiện cao nhất từ trước tới nay, dự báo sẽ còn tiếp tục tăng phi mã khi chiến tranh Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại…

Hiện còn khoảng 30.000 - 40.000 tấn phân bón mà các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng đặt hàng từ Trung Đông, nhưng nay đã bị đối tác hủy giao dịch.
Hiện còn khoảng 30.000 – 40.000 tấn phân bón mà các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng đặt hàng từ Trung Đông, nhưng nay đã bị đối tác hủy giao dịch.

Căng thẳng Nga – Ukraine đã khiến giá phân bón trên thế giới lập đỉnh cao nhất trong vòng 50 năm khi tính theo USD… Rabobank (một ngân hàng hàng đầu thế giới, tập trung vào lĩnh vực tài chính nông nghiệp và thực phẩm) vừa đưa ra những kịch bản tác động từ cuộc chiến tranh Nga và Ukraine, cũng như các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga đến thị trường phân bón trong những tháng tới. Rabobank dự đoán giá phân bón sẽ tiếp tục tăng 20% đến 40% trong quý 2/2022.

DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC ĐỒNG LOẠT TĂNG GIÁ 

Giá phân bón và giá dầu luôn có quan hệ hữu cơ với nhau, bởi đạm Urê là sản phẩm gia tăng của ngành chế hóa dầu khí. Nga sản xuất phân bón chiếm khoảng 30% tổng nguồn cung phân bón trên toàn thế giới.

Đặc biệt, Nga cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Vì vậy, tác động từ chiến tranh giữa Nga – Ukraine đang khiến giá phân bón thế giới biến động mạnh.

Mặt khác, các lệnh hạn chế, cấm xuất khẩu một số mặt hàng phân bón chủ lực của Nga và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được dỡ bỏ khiến nguồn cung các loại phân bón đặc biệt là Kali và DAP sẽ giảm nghiêm trọng trong thời gian tới.

Thời điểm này, các nhà cung cấp ở Trung Đông đã hủy bỏ các bản chào giá phân Urê mức 540-560 USD/tấn (FOB), để chờ tăng giá.

Các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam mới chỉ nhận được hàng thành công với 3 tàu chở phân bón trong thời gian từ tháng 2/2022 đến nay, hiện còn khoảng 30.000 – 40.000 tấn phân bón mà các doanh nghiệp nước ta đã ký hợp đồng đặt hàng từ Trung Đông, nhưng nay đã bị đối tác hủy giao dịch.

Hiện các nhà cung cấp phân bón ở khu vực Đông Nam Á đã hết hàng cho đến giữa tháng 4/2022 Ngày 3/3, nhà máy Urê hạt đục của Brunei đã tuyên bố bất khả kháng để từ chối thực hiện các đơn hàng đã chốt giá rẻ trong tháng 2/2022.

Các chuyên gia thị trường thế giới dự báo trong ngắn hạn, giá Urê sẽ sớm lên mức 950 USD/tấn trong tháng 4/2022, thậm chí có thể lên đến 1.000 USD/tấn nếu giá dầu vượt qua 150 USD/thùng và Urea sẽ lên 1.500 USD/ tấn nếu giá dầu chạm mốc 200 USD/thùng.

Đối với phân bón Kali, Belarus và Nga là hai nhà cung cấp lớn nhất thế giới, chiếm đến 40% nguồn cung toàn cầu. Với bức tranh toàn cảnh hiện nay, giá Kali sẽ có sự tăng giá phi mã trong thời gian sắp tới, đặc biệt là Kali miểng.

Các nhà cung cấp đều khẳng định Kali nhập khẩu về Việt Nam thời gian tới sẽ vắng bóng hàng từ Nga, Belarus và chớp thời cơ, Israel, Canada… đã cảnh báo sẽ sớm đưa ra mức giá 800 – 850 USD/tấn cho hạt bột và 1.000 USD/tấn cho hạt miểng từ nửa sau tháng 6/2022, thậm chí sẽ lên tới 1.200 – 1.300 USD/tấn vào thời điểm cuối năm 2022 đầu năm 2023.

Tại thị trường Việt Nam, hiện một số loại Urê sản xuất trong nước cũng đang tăng giá mạnh.

Ngày 10/3/2022, giá Urê Cà Mau, Urê Phú Mỹ tăng 200 đồng/kg so với ngày trước đó lên khoảng 18.000 đồng/kg, Urê Hà Bắc cũng tăng thêm 250 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg.

Phân DAP Đình Vũ đang được các đại lý bán với giá 18.800 đồng/kg, DAP Lào Cai 18.500 đồng/kg, phân NPK Phú Mỹ 16.000 đồng/kg, NPK Russian 16-16-16 giá 16.500 đồng/kg…

So với tháng 2, giá phân bón hiện đã tăng từ 5 đến 8%. Đây là lần thứ 3 liên tiếp từ sau Tết Nguyên đán, giá các loại phân bón Urê, DAP, NPK, Kali…đồng loạt tăng.

Hiện 100% phân Kali ở Việt Nam là dựa vào nguồn hàng nhập khẩu. Mỗi năm, Nga và Belarus  chiếm hơn 40% lượng Kali nhập khẩu của Việt Nam.

 Theo Trung tâm phân tích dự báo thị trường nông sản Agromonitor, giá Kali ở Việt Nam đang tăng mạnh trong những ngày qua do lo ngại nguồn cung Kali bị thắt chặt trên thị trường thế giới bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga và Belarus.

Agromonitor dự báo, tại Việt Nam trong thời gian tới, giá Kali sẽ sớm cán mức 15 – 16 triệu đồng/tấn cho hạt bột và 18 – 20 triệu đồng/tấn cho hạt miểng.

Thậm chí nếu giá Kali nhập khẩu cán mức 1.000 – 1.2000 USD/tấn thì Kali miểng sẽ lập đỉnh mới 24 – 25 triệu đồng/tấn. Kali, DAP, Urê tăng giá, sẽ kéo theo giá NPK lên theo. Với loại phân bón DAP, dự dự tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 64% trong quý II năm 2022 và khả năng giá trong nước sẽ lên 25 triệu đồng/tấn.

TẠM DỪNG XUẤT KHẨU VÀ TÌM KIẾM NGUỒN CUNG THAY THẾ

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết từ năm ngoái đến nay, giá phân DAP tăng 46% và hiện có giá trung bình 874 USD/tấn; phân MAP lên tới 935 USD/tấn (tăng 44%); Kali khoảng 815 USD/tấn (tăng 102%). Hiện nay, việc gián đoạn nguồn nhập khẩu phân bón từ Nga đã  dẫn tới giá bán phân bón trong nước tiếp tục tăng cao.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 706.769 tấn phân bón. Riêng lượng phân bón nhập khẩu từ Nga trên 73.800 tấn, trị giá trên 40 triệu USD, chiếm trên 10% về khối lượng và gần 12% về giá trị so với tổng lượng phân bón nhập khẩu. Trong đó, nhập khẩu phân kali từ Nga chỉ chiếm trên 18% tổng khối lượng kali nhập khẩu, giảm rất mạnh từ tỷ trọng 40% ở những năm trước. 

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.

Để giảm nhiệt giá phân bón, ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam cho rằng, Chính phủ cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngừng xuất khẩu các loại phân bón.

Hiện các tỉnh phía Nam Việt Nam đang trong giai đoạn thu hoạch và sẽ bắt đầu vụ mới từ nửa đầu tháng 4. Các tỉnh phía Bắc đã vào vụ chăm bón lúa đông xuân nên nhu cầu phân bón tăng. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết chi phí phân bón chiếm tới 50% chi phí đầu vào trong sản xuất nhiều loại cây trồng.

“Nông dân đã phải oằn mình vì giá phân bón cùng hàng loạt chi phí tăng cao từ năm 2021, nay phân bón tiếp tục “bão giá”, khiến nông dân càng “méo mặt”, đứng trước nguy cơ bỏ ruộng vì thua lỗ. Để tháo gỡ thiếu hụt nguồn cung phân bón thời điểm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ thị trường Nga và Belarus”, ông Cường nói.

Đối với nông dân, ông Cường khuyến cáo nên sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ, nên tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có như phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt.

Ngành Nông nghiệp cũng đã đề nghị các tỉnh, thành hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả, tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ.

Các chuyên gia khuyến cáo, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đưa ra những giải pháp thiết thực hơn nữa, hướng dẫn nông dân tiết kiệm triệt để chi phí sản xuất, sử dụng phân bón theo đúng quy trình kỹ thuật “đúng lúc, đúng cách”; đồng thời, tích cực chỉ đạo sản xuất các vụ lúa, màu hợp lý, tăng độ màu mỡ cho đất, nâng cao giá trị kinh tế.

Bên cạnh đó, nông dân cần tăng cường sử dụng lượng phân hỗn hợp, phế thải trong chăn nuôi, nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng phân hoá học. Các đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp cũng cần có kế hoạch dự trữ, cung ứng đủ nguồn vật tư nông nghiệp có chất lượng, giá cả hợp lý cho bà con nông dân, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ phát triển sản xuất.

Các ngành chức năng và chính quyền các cấp cần tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi, ép giá và tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng tới quyền lợi của người nông dân. Chương Phượng

Source: https://vneconomy.vn/nhieu-don-hang-bi-huy-gia-phan-bon-trong-nuoc-dong-loat-tang-cao.htm

Please con tact with us:

M’me: Kim Pham- 0917474043      Email: kim.pham@phamle.com.vn

Mr: Minh Thiện- 0947441707         Email: int.ops@phamle.com.vn

 

249 views