Nhà đầu tư “vỡ mộng” khi Cục Điện lực lên tiếng về điện mặt trời mái nhà

(HQ Online) – Các hệ thống điện mặt trời lắp trên khung giá đỡ trên hồ, ao nuôi tôm, trồng cây nông nghiệp công nghệ cao… mà không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng thì không được tính là hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).

nha dau tu vo mong khi cuc dien luc len tieng ve dien mat troi mai nha

Một dự án điển hình không được tính là hệ thống điện mặt trời mái nhà. Ảnh: Nguyễn Thanh

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) ngày 24/8 đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về phát triển ĐMTMN.

Trong đó nêu rõ, căn cứ khoản 5, Điều 3 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định số 13): “Hệ thống ĐMTMN là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của Bên mua điện”.

Như vậy, để xác định ĐMTMN cần đảm bảo tuân thủ các điều kiện sau: Tấm quang điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng; có công suất không quá 1 MW; đấu nối vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống.

Về trường hơp có một số hệ thống ĐMTMN được đầu tư theo cụm có tổng công suất trên 1 MW (mỗi hệ thống ≤ 1 MW) tại cùng 1 địa điểm (trên cùng 1 mảnh đất hoặc mái nhà khu công nghiệp) của 1 chủ đầu tư và đấu nối tại 1 điểm hoặc nhiều điểm; trường hợp 1 chủ đầu tư có nhu cầu mua lại cụm hệ thống ĐMTMN nằm liền kề nhau trên cùng mảnh đất, có tổng công suất trên 1 MW, trường hợp này có được ký hợp đồng mua bán điện là ĐMTMN không và có cần giấy phép hoạt động điện lực không?

Trả lời cho câu hỏi này, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nêu rõ, căn cứ quy định tại Quyết định 13, hệ thống ĐMTMN được đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện của bên mua điện.

Do đó, việc thực hiện phát triển điện mặt trời trên mái nhà theo cụm, mỗi hệ thống ĐMTMN không quá 1 MW là không trái với quy định về hệ thống ĐMTMN tại Quyết định 13 và Thông tư 18/2020/TT-BCT về quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Theo quy định tại Thông tư 18, hệ thống ĐMTMN được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Ngoài ra, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng đề cập đến các trường hợp: Các hệ thống điện mặt trời công suất đến 1 MW, lắp đặt trên hệ thống khung giá đỡ (không có mái nhà) hoặc lắp đặt một phần trên mái nhà, một phần trên đất; trường hợp hệ thống điện mặt trời lắp trên mái nhà xưởng trong khu công nghiệp vừa mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để sử dụng vừa bán điện của hệ thống ĐMTMN lên lưới của EVN tại cấp điện áp 110 kV; trường hợp trang trại nông nghiệp có lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất > 1 MW.

“Các công trình điện mặt trời trên mái nhà có công suất trên 1 MW hoặc không lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng hoặc đấu nối vào cấp điện áp trên 35 kV thì không được áp dụng giá bán điện đối với hệ thống ĐMTMN theo quy định tại Quyết định 13″, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay.

Cuối cùng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo kiến nghị: Chỉ những hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống mới được coi là hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Các hệ thống điện mặt trời lắp trên khung giá đỡ trên hồ, ao nuôi tôm, trồng cây nông nghiệp công nghệ cao,… mà không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng thì không được tính là hệ thống ĐMTMN.

Trước đó, EVN đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xem xét, sớm hướng dẫn các tiêu chí xác định cụ thể để phân biệt giữa hệ thống ĐMTMN và hệ thống điện mặt trời nối lưới, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác định giá mua bán điện đối với các hệ thống điện mặt trời theo đúng quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.

Thời gian qua, EVN nhận được kiến nghị của một số chủ đầu tư điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận về vướng mắc trong mua bán ĐMTMN.

Cụ thể, một số chủ đầu tư có hệ thống điện mặt trời lắp đặt trực tiếp trên khung đỡ làm mái che cho khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Theo ý kiến của các chủ đầu tư, việc không sử dụng tấm lợp là để phù hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp bên dưới, giảm sử dụng nước, giảm bớt ánh nắng cho phù hợp với cây trồng, vật nuôi bên dưới mái.

Trong khi đó, Công ty Điện lực Ninh Thuận chưa thể thực hiện ký hợp đồng và thanh toán tiền điện mua từ các hệ thống điện mặt trời nêu trên do chưa xác định được giá mua điện từ các hệ thống này là ĐMTMN hay điện mặt trời mặt đất theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.

Đáng chú ý, ngoài các trường hợp gửi kiến nghị tới EVN, thực tế còn có nhiều trường hợp hệ thống điện mặt trời có tính chất tương tự.

Theo EVN, cập nhật mới nhất đến ngày 23/8 toàn quốc có tổng 45.299 hệ thống ĐMTMN đã đi vào vận hành, công suất 1.029 MWp, sản lượng đạt khoảng 500.692 MWh, giảm phát thải khoảng 457.132 tấn khí CO2 (tương đương 77.257 TOE).

Uyển Như  ( Theo nguồn báo Hải Quan 17:02 | 26/08/2020)
Link: https://haiquanonline.com.vn/nha-dau-tu-vo-mong-khi-cuc-dien-luc-len-tieng-ve-dien-mat-troi-mai-nha-132495.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

328 views