Ngành Dược phẩm có thực sự hưởng lợi trong đại dịch Covid-19?

(HQ Online) – Báo cáo khảo sát các doanh nghiệp dược do Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam thực hiện trong tháng 10-11/2020 đã chỉ ra được bức tranh toàn cảnh của ngành Dược, trong đó không chỉ có toàn màu hồng mà còn có những góc khuất mặc dù danh sách xếp hạng Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2020 không có nhiều xáo trộn.
Trụ vững trong đại dịch
So với bảng danh sách xếp hạng Top 10 công ty Dược uy tín năm 2019, danh sách năm nay không có mấy xáo trộn. Đứng đầu Top 10 công ty Dược uy tín năm 2020 trong lĩnh vực sản xuất vẫn lần lượt thuộc về 3 cái tên quen thuộc là Công ty CP Dược Hậu Giang, Công ty CP TRAPHACO, Công ty CP PEMYPHARCO.

Đứng đầu danh sách Top 10 công ty Dược uy tín năm 2020 trong lĩnh vực kinh doanh, phân phối dược phẩm, trang thiết bị y tế lần lượt các tên là Công ty CP Y dược phẩm VIMEDIMEX, Công ty CP Dược liệu Trung ương 2.

Riêng vị trí thứ 3, Công ty TNHH Dược phẩm Khương Duy không chỉ bị Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP soán ngôi mà còn bị đánh bật ra khỏi danh sách Top 10.
Ngành Dược phẩm có thực sự hưởng lợi trong đại dịch Covid-19?
Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2020, tháng 11/2020. nguồn: Vietnam Report

Năm nay, bảng xếp hạng có bổ sung thêm Top 5 công ty Đông dược Việt Nam uy tín năm 2020, đó là các cái tên: Công ty CP TRAPHACO, Công ty CP Dược phẩm OPC, Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh, Công ty CP Dược phẩm Nam Hà, Công ty TNHH sản xuất và thương mại dược phẩm Tâm Bình.

Việc bảng xếp hạng không có nhiều thay đổi so với năm trước cho thấy các doanh nghiệp ngành Dược vẫn trụ vững trước tác động của đại dịch Covid-19. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng, 64,3% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải; 28,6% doanh nghiệp đánh giá tác động ít, không đáng kể và chỉ có 7,1% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng.

Sự bùng phát của đại dịch khiến cho nhu cầu về dược phẩm tăng đột biến với các dòng thuốc tăng cường sức đề kháng. Các bệnh viện và cả khách hàng cá nhân đều có nhu cầu tích trữ thuốc để phòng dịch.

Đối với các doanh nghiệp thuộc ngành vật tư y tế, việc sản xuất, cung cấp các trang thiết bị y tế, các dụng cụ bảo hộ trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra đã góp phần tăng doanh thu đáng kể cho các doanh nghiệp này, thậm chí có những doanh nghiệp doanh thu thuần và lợi nhuận tăng trưởng ba con số so với cùng kỳ năm 2019.

Theo tổng hợp của Vietstock, trong quý III/2020, 18 doanh nghiệp Dược niêm yết trên sàn chứng khoán đã tạo ra gần 8.796 tỷ đồng doanh thu thuần và 530 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 4,9% và tăng 7,6% so với cùng kỳ.

Vẫn còn những khoảng tối

Trong bức tranh sáng trên, không phải doanh nghiệp ngành dược và vật tư y tế nào cũng được hưởng lợi. Bên cạnh những doanh nghiệp lãi khủng, tăng trưởng mạnh, ngành Dược cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm lợi nhuận, trong đó có doanh nghiệp ghi nhận lỗ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Ngành Dược phẩm có thực sự hưởng lợi trong đại dịch Covid-19?
Top 5 khó khăn của doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19. Nguồn: Vietnam Report

Nguyên nhân được chỉ ra là do doanh nghiệp gặp khó khăn khi nhu cầu người sử dụng sản phẩm dược thay đổi (78,6%); khó khăn khi tiếp cận khách hàng mới, đứt gãy chuỗi cung ứng trong kinh doanh, giá hàng hóa đầu vào tăng (57,1%) và doanh nghiệp khó khăn với sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành (35,7%).

Lý giải về các kết quả trên, khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, khi dịch bùng phát, lượng cầu ở các kênh bệnh viện, các sản phẩm thuốc chưa thiết yếu giảm, trong khi nhu cầu cho các sản phẩm phòng bệnh như khẩu trang, nước rửa tay, các sản phẩm vitamin và tăng cường miễn dịch lại tăng. Sự thay đổi nhu cầu này đã gây những khó khăn nhất định với các doanh nghiệp dược.

Bởi trên thực tế thị phần các sản phẩm vitamin và tăng cường miễn dịch thuộc về sản phẩm nước ngoài, số lượng doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất đã giảm từ hơn 4.190 doanh nghiệp xuống còn 300 doanh nghiệp sau khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP siết chặt tiêu chuẩn sản xuất HS-GMP cho sản phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm chức năng từ tháng 07/2019.

Trong khi đó, khẩu trang hay nước rửa tay đều không phải mặt hàng kinh doanh chính của các doanh nghiệp dược phẩm.

Bên cạnh đó, nguyên liệu dược phẩm chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu (chiếm tỷ trọng khoảng 80-90% nhu cầu ở Việt Nam). Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nguồn cung nguyên liệu dược phẩm lớn nhất, lần lượt chiếm 63,7% và 16,7% tỷ trọng nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu năm 2019 lại bị đứt gãy do 2 nước này có số người nhiễm Covid rất cao. Việc khan hiếm nguyên liệu trong chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với chi phí vận chuyển, phân phối tăng cao trong tình hình dịch bệnh Covid-19 dẫn đến đẩy giá nguyên liệu tăng cao.

Thêm vào đó, Chính phủ yêu cầu kê khai thông tin người đến mua thuốc ho, hạ sốt; các sản phẩm khẩu trang và cồn sát khuẩn không được tăng giá cùng giãn cách toàn xã hội đã làm cho kênh OTC (kênh bán lẻ của các nhà thuốc, hiệu thuốc) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đối với kênh ETC (kênh đấu thầu trong bệnh viện).

Cái khó ló cái khôn

Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, một tín hiệu đáng mừng là xã hội đã có cái nhìn tích cực về ngành y tế nói chung và ngành Dược Việt Nam nói riêng. Thuốc và trang thiết bị y tế của Việt Nam không những đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu rất nghiêm ngặt như Mỹ, Đức, Nhật, v.v.

Đại dịch Covid-19 tạo ra những khó khăn, thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội đáng kể, là dịp để doanh nghiệp nhìn lại mình, tái cấu trúc hoạt động, đẩy nhanh đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa ngành Y học. Covid-19 dẫn đến sự phá hủy nhưng lại có cái mới sinh ra. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng, khai thác để biến nguy thành những cơ hội. Có những doanh nghiệp trước đây nửa năm chưa ra sản phẩm mới, nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã nhanh chóng đưa ra sản phẩm tăng cường sức đề kháng, sát khuẩn để chống dịch.
Ngành Dược phẩm có thực sự hưởng lợi trong đại dịch Covid-19?
Xu hướng trong ngắn hạn và dài hạn với ngành Dược phẩm. Nguồn: Vietnam Report,

Hiện nay, để thích ứng trong thời kỳ bình thường mới, 92,9% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng sẽ đầu tư sản xuất nguyên, dược liệu, máy móc và dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế; 71,4% doanh nghiệp chọn ưu tiên phát triển, mở rộng kênh OTC do giá thuốc OTC không bị ràng buộc về luật đấu thầu; 57,1% doanh nghiệp Dược lựa chọn cắt giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, các cuộc họp và giới thiệu sản phẩm tới khách hàng chuyển sang hình thức online…
M.DUNG ( Theo nguồn báo hải quan 11:30 | 27/11/2020)
Link: https://haiquanonline.com.vn/nganh-duoc-pham-co-thuc-su-huong-loi-trong-dai-dich-covid-19-137691.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

 

485 views