Mỹ công nhận hệ thống tương đương: Cá tra Việt rộng đường xuất khẩu

(HQ Online) – Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) cá da trơn của Việt Nam XK sang Mỹ. Động thái này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội rất lớn để gia tăng XK cá tra sang Mỹ cũng như nhiều thị trường khắt khe khác.

my cong nhan he thong tuong duong ca tra viet rong duong xuat khau 114636
XK cá tra ngày càng đối diện sự cạnh tranh của nhiều thị trường. Ảnh: ST.

Vượt khó thu “trái ngọt”

Hơn 3 năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho hàng triệu hộ nông dân về điều kiện bảo đảm vệ sinh, ATTP trong toàn bộ quá trình từ sản xuất con giống, nuôi trồng, vận chuyển, sơ chế, chế biến, XK cá tra vào Mỹ; thực hiện nhiều cuộc đàm phán, đánh giá thực địa hệ thống kiểm soát ATTP trong sản xuất, chế biến, XK cá da trơn Việt Nam. Nhờ đó, cuối cùng ngày 31/10 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam XK sang Hoa kỳ.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí thông tin về lĩnh vực thủy sản sáng 4/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: Mỹ là thị trường lớn, khó tính nhất về ATTP. Việc được Mỹ công nhận tương đương là điều kiện quan trọng giúp thúc đẩy XK cá tra vào Mỹ nhiều hơn.

Phân tích rõ những cơ hội mở ra tại thị trường Mỹ cho XK cá tra, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT cho rằng: Việc Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam XK sang Mỹ khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, ATTP chuỗi sản xuất, chế biến XK cá tra của Việt Nam đã đáp ứng một trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường XK không chỉ Mỹ mà còn các thị trường khác. Bên cạnh đó, Việt Nam đã được bổ sung thêm DN đăng ký XK cá tra vào Mỹ (hiện nay là 13 DN) và quan trọng hơn là tạo niềm tin cho nhà NK Mỹ yên tâm NK. Điều này giúp gia tăng sản lượng, giá trị XK cá tra vào thị trường này trong những tháng cuối năm 2019.

“Đáp ứng yêu cầu công nhận tương đương của Mỹ sẽ góp phần chuyển mạnh ngành nuôi cá tra từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn trên cơ sở kiểm soát có hệ thống từ con giống đến sản phẩm cuối cùng, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản”, ông Tiệp nhấn mạnh.

Cùng với việc chính thức công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam, một trong những tin mừng đáng kể của XK cá tra đi Mỹ là đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo quyết định sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2017 đến ngày 31/7/2018 đối với sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam. Theo đó, Công ty Vĩnh Hoàn, Công ty Biển Đông duy trì mức thuế suất là 0 USD/kg; bổ sung 2 DN sẽ được xem xét áp dụng mức thuế suất là 0 USD/kg gồm Công ty CP Thủy sản NTSF và Công ty CP XNK Thủy sản Cần Thơ – CASEAMEX. “Như vậy, sắp tới có 4 DN Việt Nam được phép XK cá tra vào Mỹ với thuế suất 0 USD/kg sẽ đẩy mạnh kim ngạch XK cá tra vào thị trường này trong những tháng cuối năm 2019”, ông Tiệp nói.

Lo ngại cạnh tranh khốc liệt

Dù đón nhận không ít thông tin khả quan khi XK sang thị trường quan trọng là Mỹ, tuy nhiên, để đảm bảo XK ổn định, bền vững sang Mỹ hay nhiều thị trường khác, ngành cá tra Việt còn không ít việc phải làm.

Theo quy định, sau khi công nhận tương đương, Bộ Nông nghiệp Mỹ tiếp tục giám sát, định kỳ thanh tra lại Hệ thống kiểm soát ATTP chuỗi sản xuất kinh doanh cá tra Việt Nam. Do vậy, muốn duy trì việc công nhận và mở rộng XK sang Mỹ và các thị trường khác, Việt Nam cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện và triển khai hệ thống chính sách pháp luật và tổ chức tốt việc thực thi Chương trình kiểm soát ATTP trong sản xuất kinh doanh cá tra tiêu dùng trong nước và XK.

Nếu như nhiều năm trước, cá tra Việt luôn giữ thế “một mình một chợ” thì nay cục diện đã thay đổi. Không ít thị trường đã đẩy mạnh nuôi cá tra, thậm chí có khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh “đáng gờm” trên thị trường XK quốc tế trong thời gian tới.

Bộ NN&PTNT chỉ rõ: Theo thống kê, hiện Việt Nam có sản lượng cá tra 1,3 triệu tấn, Ấn Độ cũng đã có 650.000 tấn, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn. Thậm chí, Trung Quốc-thị trường XK cá tra hàng đầu của Việt Nam cũng đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn cá tra ở Hải Nam. Sản phẩm cá tra của các nước này đã tham gia vào thị trường XK, mặc dù hiện đang chiếm thị phần nhỏ nhưng việc các quốc gia này đầu tư tăng sản lượng nuôi sẽ là yếu tố cạnh tranh quan trọng đối với các DN Việt Nam. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là ngành cá tra phải thay đổi theo hướng tích cực cải thiện từ nuôi, chế biến, XK, tổ chức sản xuất, chế biến gắn kết chặt chẽ với phát triển thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hải quan về áp lực cạnh tranh trong XK, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đưa ra cái nhìn lạc quan: “Với ngành cá tra, hệ thống nhà máy kiểm soát của Việt Nam đã được Mỹ công nhận nên chúng ta tự tin là năng lực đi trước so với các nước khác rất nhiều. Thời gian vừa qua khi toàn ngành tái cơ cấu đã đẩy mạnh chế biến, tăng giá trị gia tăng. Hiện, có gần 100 sản phẩm chế biến từ cá tra, chúng ta đã chủ động đi trước một bước, tránh bị cạnh tranh các sản phẩm thông thường”.

Xung quanh câu chuyện phát triển ngành cá tra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận: Ngành cá tra với diện tích khoảng 5.000 ha, nhưng kim ngạch XK đã đạt 1,8 tỷ USD và còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Tuy nhiên, ngành cá tra Việt Nam vẫn còn một số điểm chưa yên tâm, một số khâu còn yếu, liên kết chuỗi giá trị chưa chặt chẽ, tính cạnh tranh chưa cao,… Do đó, yêu cầu các địa phương phát triển mặt hàng cá tra cần xem khâu giống là khâu “yết hầu”. Cùng với đó, địa phương phải tăng cường sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, ứng dụng công nghê tiến tiến, giá tăng giá trị… tận dụng tốt lợi thế từ việc Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam XK để phát triển, mở rộng thị trường XK, góp phần quan trọng vào việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo Đạo luật Nông nghiệp 2014 (Farm Bill 2014), được cụ thể hóa bằng Chương trình thanh tra cá da trơn (bộ Siluriformes) của Bộ Nông nghiệp Mỹ ban hành tháng 3/2016 với 18 tháng chuyển tiếp, có hiệu lực từ 1/9/2017, để tiếp tục XK cá da trơn (chủ yếu là cá tra) vào Mỹ, Việt Nam phải xây dựng và tổ chức hệ thống kiểm soát ATTP tương đương với Mỹ về 3 nhóm tiêu chí. Thứ nhất là hệ thống pháp luật trong kiểm soát chất lượng, ATTP. Thứ hai là năng lực thực thi pháp luật của cơ quan thẩm quyền. Thứ ba là điều kiện bảo đảm vệ sinh, ATTP trong toàn bộ quá trình từ sản xuất con giống, nuôi trồng, vận chuyển, sơ chế, chế biến, XK cá tra vào Mỹ.

Thanh Nguyễn  ( Theo nguồn Báo Hải Quan 09:38 | 05/11/2019)
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

 

 

497 views