MỘT SỐ CHÍNH SÁCH NHẬP KHẨU CỦA CÁC NƯỚC
Bộ Công Thương vừa có thông báo tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực phẩm đóng gói sẵn của Việt Nam về việc Trung Quốc thay đổi các quy định về ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu.Cụ thể, theo thông báo của Hải quan Trung Quốc, kể từ ngày 01/10/2019, phía Trung Quốc sẽ không yêu cầu đăng ký hồ sơ lưu đối với nhãn mác bao bì của thực phẩm đóng gói sẵn lần đầu nhập khẩu vào Trung Quốc.Theo đó, nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm đảm bảo nhãn mác bằng tiếng Trung Quốc trên bao bì đóng sẵn của thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải phù hợp với quy định pháp luật liên quan của Trung Quốc, phù hợp với quy định hành chính và yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia. Nếu thẩm tra không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ không được nhập khẩu.
Bên cạnh đó, thực phẩm đóng gói sẵn khi nhập khẩu sẽ được lấy mẫu kiểm tra xác suất tại hiện trường hoặc kiểm nghiệm trong phòng thí nghiệm. Nhà nhập khẩu cần cung cấp tài liệu chứng minh hàng hóa đáp ứng điều kiện nhập khẩu, tài liệu gốc và bản dịch ghi nhãn mác, mẫu ghi nhãn tiếng Trung và các tài liệu chứng minh khác cho nhân viên hải quan.
Khi nhận được thông báo của cơ quan hữu quan, đơn khiếu nại của người tiêu dùng về việc thực phẩm đóng gói sẵn bị nghi ngờ vi phạm quy định, cơ quan hải quan sẽ tiến hành thẩm tra xác minh, khi xác nhận có vi phạm sẽ xử lý theo quy định.
Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm đóng gói sẵn cần đảm bảo nhãn mác bao bì đóng gói sẵn của thực phẩm xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc gia/ vùng lãnh thổ nhập khẩu hoặc yêu cầu của hợp đồng thương mại.
Việc kiểm tra nhãn thực phẩm đóng gói sẵn nhập khẩu là một trong những nội dung kiểm tra, kiểm nghiệm đối với thực phẩm. Cơ quan hải quan Trung Quốc sẽ căn cứ theo các quy định pháp luật liên quan về kiểm nghiệm hàng hóa xuất nhập khẩu và vệ sinh an toàn thực phẩm để tiến hành kiểm nghiệm theo quy định của pháp luật.
2. Điều kiện nhập khẩu nhãn tươi của Việt Nam vào Australia
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, ngày 08/8/2019, Bộ Nông nghiệp Australia đã chính thức công bố các điều kiện nhập khẩu quả nhãn tươi từ Việt Nam.
Theo đó, để nhập khẩu vào Australia, nhãn phải có nguồn gốc, sản xuất và xuất khẩu theo hệ thống quy trình vận hành cần thiết để duy trì và xác minh tình trạng kiểm dịch thực vật và phải trải qua các biện pháp quản lý rủi ro bắt buộc.
Cụ thể trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phải ghi rõ thông tin: “Trái cây trong lô hàng này được sản xuất tại Việt Nam phù hợp với các điều kiện nhập khẩu nhãn tươi vào Australia và phù hợp với Chương trình Xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam vào Australia”, “quả nhãn được chiếu xạ với liều lượng tối thiểu là 400 Gy”, tên cơ sở xử lý và số đăng ký, số thùng trong lô hàng.
Đối với vận chuyển bằng đường biển, số container và số niêm phong phải được xác nhận và ghi trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc trên chứng từ thương mại (ví dụ trên vận đơn). Nếu được xác nhận trên vận đơn thì số chứng nhận kiểm dịch thực vật cũng phải được ghi rõ.
Bên cạnh đó, trên giấy chứng nhận xử lý bằng phương pháp chiếu xạ phải thể hiện thông tin liều lượng chiếu xạ tối thiểu và tối đa (Dmin và Dmax) thực tế trong việc xử lý quả nhãn. Đặc biệt lưu ý liều lượng hấp thụ tối đa cho quả nhãn không được vượt quá 1 kGy theo quy định của Bộ luật tiêu chuẩn thực phẩm Australia và New Zealand (FSC).
Ngoài ra, quả nhãn xuất khẩu không được lẫn các chất ô nhiễm (ví dụ, các mảnh từ thân và lá, đất, hạt, hoặc các vật liệu ngoại lai khác). Nhãn tươi đóng gói phải đáp ứng được ít nhất một trong các phương pháp đóng gói an toàn, phải được dán nhãn với các thông tin xác minh đầy đủ nhằm mục đích truy xuất nguồn gốc.
Các doanh nghiệp cũng lưu ý, tất cả các vật liệu bằng gỗ liên quan đến lô hàng được sử dụng để đóng gói và vận chuyển các sản phẩm nhãn tươi phải tuân thủ chính sách về các yêu cầu thông tin phi hàng hóa. Bao bì phải được làm từ vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu chế biến cao nếu có nguồn gốc thực vật. Bao bì không được làm bằng nguyên liệu thực vật chưa qua chế biến, chẳng hạn như rơm.
Nguồn chi cục hải quan Cái Lân (Nguồn: Website Tổng cục Hải quan)