Máy thở – cuộc chuyển hướng của doanh nghiệp Việt

(TBKTSG Online) – Chiếc máy thở không xâm nhập đầu tiên trong dự án sản xuất máy thở phục vụ hoạt động phòng chống dịch Covid-19 của Tập đoàn Vingroup đã được chuyển đến Bộ Y tế trong buổi sáng ngày đầu tuần 13-4, theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong buổi báo cáo về các hoạt động phòng chống dịch tại phiên họp Thường trực Chính phủ diễn ra chiều cùng ngày. Bộ Y tế đang phối hợp kiểm định máy thở để sản xuất và sử dụng trong trường hợp dịch bệnh lan rộng.

Trước đó, tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 3-4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Tập đoàn Vingroup đã đăng ký sản xuất máy thở xâm nhập và không xâm nhập, dự kiến nửa cuối tháng 4 sẽ có sản phẩm cung ứng cho thị trường Việt Nam. Tập đoàn này đang chuẩn bị tích cực, phối hợp với công ty của Mỹ để triển khai thực hiện.

Vingroup không phải là tổ chức, doanh nghiệp trong nước duy nhất đang đầu tư cho hoạt động nghiên cứu-phát triển (R&D) và sản xuất máy thở phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Một số đơn vị đang dựa vào năng lực và thế mạnh công nghệ của mình để thực hiện các cuộc chuyển hướng mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, tìm kiếm cơ hội phát triển ngay trong chính giai đoạn xoay xở để vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra.Theo Vingroup, các máy đo thân nhiệt đã được sản xuất thử nghiệm thành công với chi phí linh kiện chỉ 16 triệu đồng, thấp hơn hàng chục lần so với các máy đo thân nhiệt trên thị trường hiện nay. Giá linh kiện dự kiến của các máy thở không xâm nhập khoảng 22 triệu đồng, với máy xâm nhập là 160 triệu đồng. Trước mắt, Vingroup sẽ tặng Bộ Y tế 5.000 máy thở không xâm nhập để kịp thời phục vụ hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Vào khoảng đầu tháng 3, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 141/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, việc đáp ứng đủ nhu cầu máy thở cho hoạt động khám chữa bệnh nhân là đặc biệt quan trọng và cần thiết, liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, nhu cầu sử dụng máy thở tăng cao, khả năng đáp ứng máy thở sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khả năng sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài cũng không đủ cung ứng nhu cầu các nước trên thế giới, gây khó khăn cho việc đặt mua máy thở của Việt Nam từ nước ngoài.

Trong tình hình này, việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước có ảnh hưởng sống còn đến quá trình kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao một số doanh nghiệp trong nước đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị y tế phòng chống dịch như camera đo thân nhiệt từ xa, máy thở. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cần nhanh chóng chuẩn bị đủ các trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, đặc biệt là máy thở, sẵn sàng các phương án ứng phó, kể cả với tình huống xấu nhất.

Ảnh minh họa: TTXVN

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ số lượng các loại máy thở hiện đang sử dụng và dự trữ, đồng thời đánh giá đầy đủ nhu cầu máy thở cho các kịch bản và xây dựng kế hoạch huy động, đặt hàng sản xuất mới. Bộ Y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất máy thở trong nước để chủ động trong nghiên cứu và sản xuất; nghiên cứu kiến nghị của các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ sản xuất máy thở trong nước như ban hành tiêu chuẩn về máy thở, hỗ trợ thiết bị đo lường, thực hiện thủ tục thông quan và miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu để sản xuất máy thở. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, khẩn trương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm định, đánh giá thử nghiệm máy thở sản xuất trong nước để có thể đưa ra sử dụng kịp thời, góp phần vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẵn sàng đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân lực sử dụng, vận hành máy thở; chủ động phương án cung ứng các nguyên liệu, phụ tùng thay thế trong quá trình sử dụng máy thở đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Không chỉ tại thị trường trong nước, ở thị trường quốc tế, nhu cầu về máy thở cũng tăng đột biến. Theo thông tin từ Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại Los Angeles (Los Angeles Chamber of Commerce) đang có nhu cầu 1.000 máy thở, Cơ quan dịch vụ khẩn cấp thuộc Văn phòng Thống đốc California (Cal OES) có nhu cầu 10.000 thiết bị trợ thở. Chưa kể, thị trường Kazakhstan đang cần 200 máy thở, thị trường Nga có nhu cầu 5.000 thiết bị, Canada cần cả máy trợ thở cấp ICU và máy trợ thở.

 

Hôm 4-4, Tập đoàn Ford Motor đã công bố hợp tác với GE Healthcare để sản xuất hàng loạt máy thở tại bang Michigan theo tiêu chuẩn và chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Việc sản xuất bắt đầu tiến hành từ ngày 20-4 và sẽ nhanh chóng đẩy mạnh sau đó để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao. Thông tin trên Reuters cho biết, Ford dự kiến sẽ đạt sản lượng 1.500 máy thở vào cuối tháng 4, 12.000 máy vào cuối tháng 5 và 50.000 máy trước ngày 4-7. Đây là một trong những nỗ lực của hãng nhằm hỗ trợ Chính phủ Mỹ đạt mục tiêu sản xuất 100.000 máy thở trong 100 ngày. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết, Ford có khả năng tăng công suất lên 30.000 máy mỗi tháng sau đó nếu cần thiết.

Từ câu chuyện của Ford, có lẽ chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên đối với câu chuyện Vingroup sử dụng nhà máy ô tô Vinfast vào kế hoạch sản xuất máy thở.

Một nguồn tin tại Vingroup cho biết, vào một ngày cuối tháng 3, lãnh đạo tập đoàn Vingroup đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp và yêu cầu tất cả lãnh đạo của 6 viện nghiên cứu và 2 nhà máy của tập đoàn dừng hết các công việc hàng ngày, tập trung vào khâu tìm kiếm và nghiên cứu các phương án để có thể sản xuất được các loại máy thở nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ về việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước để chống dịch Covid. Tất cả các lãnh đạo, cán bộ quản lý của tập đoàn và các ban phòng chuyên môn có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ và được yêu cầu làm việc trực tiếp, trực tuyến với điện thoại luôn trong tình trạng kết nối 24/24 giờ trong ngày.

Chỉ sau một ngày đêm, các đơn vị đã tìm được rất nhiều đối tác sẵn sàng chia sẻ thiết kế và các thông tin cần thiết để có thể bắt đầu triển khai dự án. Và ngày 3-4, Vingroup công bố triển khai việc sản xuất máy thở các loại (xâm nhập và không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam.

Vingroup đã ký kết hợp đồng với hãng Medtronic (Mỹ) để được sử dụng các thông số kỹ thuật thiết kế cho mẫu máy thở xâm nhập PB560 của họ, đồng thời bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng. Linh kiện để sản xuất máy có loại có thể mua được trên thị trường, có loại Vingroup phải tự chế tạo hoặc hợp tác, hỗ trợ các đối tác chế tạo.

Các lô linh kiện để làm ra chiếc máy thở không xâm nhập đầu tiên về đến nhà máy của Vingroup vào giữa tháng 4 này và đến cuối tháng sẽ có các lô linh kiện của dòng máy thở xâm nhập.

Và khi có đủ linh kiện, nhà máy VinFast của Vingroup sẽ cho xuất xưởng các loại máy thở để chuyển đến Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.

Hiện tại, các máy máy đo thân nhiệt đã được Vingroup sản xuất thử nghiệm thành công với chi phí linh kiện chỉ 16 triệu đồng, thấp hơn hàng chục lần so với các máy đo thân nhiệt trên thị trường hiện nay. Còn giá linh kiện dự kiến của các máy thở không xâm nhập khoảng 22 triệu đồng, đối với máy thở xâm nhập là 160 triệu đồng. Vingroup dự kiến sẽ cung cấp các thiết bị này cho Bộ Y tế Việt Nam với đúng giá thành linh kiện, không tính tất cả các chi phí vận chuyển, thuế các loại, chi phí nhân công, sản xuất… vào giá thành. Trước mắt, Vingroup sẽ tặng cho Bộ Y tế 5.000 máy thở không xâm nhập để kịp thời phục vụ công tác chống dịch.

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup cho biết: “Với công suất của các nhà máy của Vingroup có thể sản xuất 45.000 máy thở không xâm nhập và 10.000 máy thở xâm nhập mỗi tháng. Vingroup có thể hỗ trợ các nhà sản xuất khác trên thế giới để gia công thiết bị cho họ, hoặc cung cấp một phần nhu cầu – số lượng cụ thể phụ thuộc vào khả năng cung ứng linh kiện của các đối tác”.

Nối gót Vingroup, ngày 11-4, Tập đoàn công nghệ Bkav cũng công bố kế hoạch sản xuất máy thở xâm nhập. Theo ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch của Bkav, ngay từ khi đọc được thông tin giáo sư người Việt sống tại Nhật Bản là ông Trần Ngọc Phúc có ý định chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở cho Việt Nam, Bkav đã cử đội ngũ nghiên cứu dự án này. Sau đó, khi biết tin Medtronic cung cấp thông số kỹ thuật thiết kế máy thở xâm nhập PB560 cho các nhà sản xuất khác để chung tay cùng phòng chống dịch bện trên toàn cầu, Bkav đã tìm hiểu và nhận định đây là loại máy gọn, nhẹ có chức năng cung cấp oxy và mô phỏng các hành động của hơi thở.

Ông Quảng cho biết vào giữa tháng 5 tới tập đoàn này sẽ sản xuất xong máy mẫu đầu tiên, để có thể xin cấp giấy phép sản xuất hàng loạt từ Bộ Y tế. Hiện tại, Bkav cũng đã làm việc với chuỗi cung ứng sẵn có đang tham gia sản xuất điện thoại thông minh Bphone của tập đoàn này. Hơn 9000 công nhân và 4 nhà máy trong hệ thống đối tác của Bkav cũng đã sẵn sàng cho kế hoạch sản xuất máy thở. Ngoài mục tiêu cung cấp máy thở cho thị trường trong nước, Bkav cũng hướng tới việc xuất khẩu sản phẩm này sang các quốc gia có nhu cầu, nếu dịch bệnh vẫn còn bùng phát trên toàn cầu.

Trường Đại học dân lập Duy Tân (TP. Đà Nẵng) ngày 11-4 vừa qua đã giới thiệu sản phẩm máy trợ thở không xâm nhập DTU-Vent do đơn vị này chế tạo. Dự kiến, giá thành sản phẩm sau khi hoàn thiện ở mức dưới 20 triệu đồng. Được biết thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ trường Đại học Duy Tân hoàn thiện sản phẩm để tiến đến thương mại hoá.

Trước đó, vào đầu tháng 4 này, trường Đại học Văn Lang và Công ty Vạn Thịnh Phát đã tham gia gói tài trợ 2.000 máy thở cho Chính phủ Việt Nam, dự kiến sẽ được bàn giao trong khoảng cuối tháng 5. Được biết, dự án này do Chính phủ Việt Nam triển khai, kết nối các nhà phát minh nổi tiếng về máy thở, công ty sản xuất cung ứng và các doanh nghiệp, tổ chức trong, ngoài nước có tiềm lực tài chính mạnh… Dự án sẽ sử dụng dòng máy thở của nhà phát minh người Việt sống tại Nhật Bản là ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Công ty Metran Co. Ltd (Nhật Bản). Nhiều bệnh viện ở Nhật Bản sử dụng máy thở của Metran trong những năm qua.

Để sản xuất 2.000 máy thở Humming Plus/Eliciae MV20, Metran đang phải tăng cường sản xuất, lắp ráp cả ở Nhật Bản và Việt Nam (Metran đang có một nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế ở Việt Nam). Theo thông cáo, trường Đại học Văn Lang và Công ty Vạn Thịnh Phát cho biết đã kí hợp đồng với Công ty Metran Co. Ltd. và thanh toán đủ 100% kinh phí sản xuất 2.000 máy thở. Dự kiến, trong số 2.000 máy thở này sẽ có 1.000 máy được phân bổ cho TPHCM và 1.000 máy cho thành phố Hà Nội.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ngoài chương trình trên, Metran dự kiến sẽ hợp tác với một đối tác tại Việt Nam để thực hiện một số dự án, trong đó có dự án sản xuất máy thở. Metran sẽ chia sẻ với đối tác bản quyền sáng chế máy thở để sản xuất 15.000 máy thở cho thị trường Việt Nam.

Dòng máy thở của Metran cam kết chuyển giao công nghệ cho Việt Nam là một loại máy thở nhỏ gọn, dễ thao tác và có giá thành thấp.

Theo phân tích của các chuyên gia công nghệ, máy thở và xe ô tô sử dụng chung nhiều loại vật liệu như kim loại, nhựa và bán dẫn silicon. Các nhà sản xuất xe ô tô thường có bộ phận nghiên cứu-phát triển (R&D) nguyên vật liệu và cũng nắm trong tay một chuỗi cung ứng khổng lồ, bao gồm nhiều công ty liên kết. Các công ty y tế khi bắt tay với các nhà sản xuất xe ô tô thì có thể nhanh chóng mở rộng chuỗi cung ứng của mình.

Đây là lợi thế được đề cập trong các thương vụ hợp tác giữa GM và Ventec hay giữa Ferrari, Fiat Chrysler và Siare Engineering (nhà sản xuất máy thở lớn nhất tại Ý). Cụ thể, các máy móc và dây chuyền lắp ráp xe hơi có thể được sử dụng trong quá trình sản xuất máy thở.

Về nguồn nhân lực. Mặc dù do ảnh hưởng của Covid-19 và các quy định về giãn cách xã hội, nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa, nhân công phải tạm nghỉ việc. Tuy nhiên, công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất ô tô cũng chính là nguồn nhân công đã quen làm việc trong môi trường đòi hỏi độ chính xác cao, phù hợp để chuyển dịch sang sản xuất máy thở.

Vingroup cũng khẳng định lợi thế về linh kiện từ chuỗi cung ứng cho hoạt động sản xuất ô tô và điện thoại, và với mối quan hệ sẵn có, các đối tác toàn cầu sẵn sàng hỗ trợ tập đoàn về mặt linh kiện. Những lợi thế này sẽ giúp các tập đoàn công nghệ như Vingroup, Bkav mua được các loại linh kiện tốt với giá thành cạnh tranh.

Các hãng xe ô tô trên thế giới đang chuyển mình để đối phó với thời cuộc, như Ford, GM, Ferrari hay Fiat Chrysler đang tham gia sản xuất máy thở. Do đó, giới chuyên gia đánh giá, việc Vingroup, Bkav và trong tương lai sẽ có thêm những doanh nghiệp nội địa khác quyết định lấn sân sang sản xuất máy thở, thiết bị y tế cũng là bước đi mang tính chiến lược và khả thi. Trước hết, điều này giúp cho các doanh nghiệp nội địa giữ thế chủ động trước những thay đổi của nền kinh tế trong nước và thế giới, mà cụ thể, Covid-19 cùng sự tàn phá của nó đối với kinh tế toàn cầu, là một dẫn chứng cụ thể.

Vân Ly- Ngọc Ánh  ( Theo nguồn Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Thứ Tư,  15/4/2020, 16:32)
Link: https://www.thesaigontimes.vn/302423/may-tho–cuoc-chuyen-huong-cua-doanh-nghiep-viet.html?fbclid=IwAR2TJcrmUIEyBMeMYVZwWAMDwoY0_Q4vviuxsOyvldOf6CqiMW19oWMlHU0
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

 

350 views