Mạnh tay chống gian lận xuất xứ hàng hóa

Tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa có nguy cơ ngày càng gia tăng sẽ gây tác hại khôn lường đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đang giúp hàng hóa Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu, nhưng cũng gây gia tăng nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thép là một trong những mặt hàng bị giả xuất xứ hàng hóa và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất
Thép là một trong những mặt hàng bị giả xuất xứ hàng hóa và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất

Chia sẻ về những tác hại của việc gian lận xuất xứ hàng hóa, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nêu ví dụ, lượng xe đạp điện của Việt Nam xuất khẩu sang EU năm 2018 đã tăng 47% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh việc gia tăng kim ngạch cho Việt Nam, lượng xuất khẩu tăng nhanh, trùng với thời điểm Ủy ban châu Âu (EC) điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với xe đạp điện nhập từ Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính. Do đó, Bộ Công Thương đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng xe đạp điện, trong đó đặc biệt lưu ý tới khả năng xuất hiện hành vi làm giả xuất xứ Việt Nam.

Không chỉ xe đạp điện, trong năm 2018, đã có tới hàng chục loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như sắt thép, tấm năng lượng mặt trời, tôn, gỗ ván ép, nguyên liệu thủy sản… có sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu một cách đột biến từ 20 – 47%. Sự gia tăng đột biến này khiến nhiều mặt hàng Việt Nam rơi vào các vụ kiện điều tra chống lẩn tránh thuế với 19 vụ điều tra chống lẩn tránh đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được triển khai.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, thép là một trong những mặt hàng phải đối diện mạnh mẽ với việc giả xuất xứ hàng hóa hoặc chống lẩn tránh thuế. Đơn cử, mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cho rằng một số sản phẩm thép tại Hàn Quốc và Đài Loan xuất sang Việt Nam, sau đó xuất khẩu ngược lại phía Hoa Kỳ để trốn thuế.

Cụ thể, ngày 2/7/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn có nguồn gốc từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu là thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan – Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc này được phía Hoa Kỳ khởi xướng điều tra từ ngày 2/8/2018. Mặc dù DOC đã sơ bộ kết luận rằng sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc là việc chuyển đổi không đáng kể để đối phó với việc chống bán phá giá trợ cấp mà Hoa kỳ đang áp dụng đối với Hàn Quốc và Đài Loan – Trung Quốc nhưng vụ việc này ít nhiều gây ảnh hưởng không tốt đến sản phẩm nước ta.

Ông Sưa cho biết thêm, từ tháng 6/2017, Việt Nam đã sản xuất được nguyên liệu (thép cuộn cán nóng) để sản xuất thép tấm lá và các loại tôn, khép kín chuỗi sản xuất, tránh tình trạng các nước khác lợi dụng việc doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu để làm giả xuất xứ hàng hóa.

Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do mà mới nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), trong đó các loại hàng hóa sẽ dần dần được hưởng thuế nhập khẩu thấp hoặc giảm về 0%. Điều này khiến tình trạng làm giả xuất xứ hàng hóa có nguy cơ ngày càng trở nên gay gắt, không chỉ làm người tiêu dùng mất tin tưởng vào hàng hóa Việt Nam mà còn gây tác hại khôn lường đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

Theo ông Trần Thanh Hải, việc giả xuất xứ hàng hóa mang đến nguy cơ lớn, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp vì khi bị phát hiện có hiện tượng gian lận xuất xứ, tiếp tay cho nước thứ ba để lợi dụng xuất xứ Việt Nam hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu đi các nước khác, hàng hóa Việt Nam phải đối mặt nguy cơ bị nước khác trừng phạt và ảnh hưởng đến cả nền sản xuất.

Trước những nguy cơ dễ xảy đến với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, theo Quyết định số 824/QĐ-TTg, nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các FTA đã ký kết. Đồng thời, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu; bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, với Đề án này, lần đầu tiên trong tiến trình hội nhập chúng ta đạt trình độ đấu tranh chống gian lận thương mại, lẩn tránh phòng vệ thương mại. Điều này liên quan trực tiếp đến thành công và tính hiệu quả của công tác hội nhập nước ta, đặc biệt trong bối cảnh vừa ký các Hiệp định thương mại tự do.

Theo ông Trần Tuấn Anh, việc triển khai Đề án cần mang tính tập trung, trọng điểm để tạo chuyển biến trong công tác phòng chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ. Trước mắt, cần tập trung nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Canada tăng nhanh trong thời gian vừa qua như gỗ, sản phẩm từ gỗ, giày dép, dệt may. Bên cạnh đó, một loạt các công việc cụ thể sẽ được thực hiện, như thành lập tổ công tác liên ngành phòng chống gian lận xuất xứ hàng hoá; rà soát, kiến nghị việc tăng cường kiểm tra, quản lý đối với các hoạt động chuyển tải, tạm nhập tái xuất, đặc biệt với nhóm hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ cao…

Thu Hoài  (Theo nguồn báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp 11/07/2019, 20:03:05)Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
Cty TNHH Thương Mại & Giao Nhận Phạm Lê
Kim Phạm ĐT: 0917474043; Email: kim.pham@phamle.com.vn

436 views