Lũ lụt, hạn hán phá hủy mùa màng đẩy giá cả lương thực tăng nhanh

(TBKTSG Online) – Lũ lụt và hạn hán ở nhiều nơi trên thế giới đang làm tăng giá cả hàng hóa lương thực và thực phẩm từ lúa mì cho đến dầu ăn, gây thêm khó khăn cho những gia đình thu nhập thấp trên toàn cầu giữa lúc họ đang xoay sở kiếm miếng ăn trong thời kỳ dịch bệnh.


Cánh đồng lúa của nông dân Mustaj Khan ở thị trấn Narainapur, Nepal, không mọc nổi vì thiếu nước do hạn hán. Ảnh: Reuters

Giá cả lương thực tăng mạnh vì thiên tai

Các biến cố thời tiết khắc nghiệt đang tàn phá mùa màng khắp nơi trên thế giới, đẩy giá cả hàng hóa lương thực tăng vọt. Tại các vùng trồng lúa mì ở Mỹ và Nga, hạn hán đang làm giảm sản lượng các vụ thu hoạch. Các cánh đồng đậu nành ở Brazil cũng đang khô cháy. Tại Việt Nam, Malaysia và Indonesia, vấn đề hoàn toàn đối lập. Những đợt mưa lớn bất thường đã gây lũ lụt, làm ngập các cánh đồng lúa và đồn điền cọ dầu ở những nước này.

Các căng thẳng nguồn cung lương thực do thiên tai giáng thêm một đòn nặng nề nữa vào nền kinh tế toàn cầu vốn đang chật vật gượng dậy sau cú sốc phong tỏa kiểm soát đại dịch Covid-19. Khi giá cả tăng mạnh ở mọi thứ hàng hóa nông nghiệp thiết yếu đường cho đến dầu ăn, hàng triệu gia đình thuộc tầng lớp lao động càng lún sâu vào cơn túng thiếu tài chính.

Mặt hàng tươi sống tăng giá nhẹ tại vùng lũ miền Trung

Những ngày này, thị trường các mặt hàng thực phẩm thiết yếu thị trường miền Trung (Việt Nam) không có biến động nhiều. Tuy nhiên, nguồn thực phẩm tươi sống như rau củ, cá, thịt có giá tăng mạnh.

Theo ghi nhận của TBKTSG Online, vào ngày 23-10, giá thực phẩm rau củ ở các tỉnh miền Trung tăng giá 2.000-3.000 đồng/kg (tương ứng mức tăng 5-10%). Tương tự, tại các tỉnh miền Nam giá các mặt hàng thực phẩm cũng tăng với mức tăng 2.000-5.000 đồng/kg, thậm chí có mặt hàng tăng 10.000 đồng/kg.

Ghi nhận giá cả thị trường của TTXVN cho thấy tại khu vực miền Bắc và miền Nam thị trường heo hơi tăng nhẹ 1.000-2.000 đồng/kg, giá mua heo hơi 60.000-66.000/kg. Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá thu mua heo hơi dao động ở mức cao 70.000 đồng/kg. Chuỗi cửa hàng VinMart mức giá dao động thịt heo sạch trong khoảng 139.900 – 270.900 đồng/kg.

Giá các loại thủy, hải sản như cá, tôm,… đồng loạt loạt tăng từ 5.000-20.000 đồng/kg tại nhiều chợ lẻ ở TPHCM.

Trước tác động của bão lũ, hoạt động sản xuất nông ngư nghiệp của người dân miền Trung bị tổn thất nặng nề. Nước lũ dâng cao và kéo dài trong nhiều ngày liền 900 ha lúa, 5.514 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.978 ha thủy sản bị thiệt hại; gần 450.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Nguồn thực phẩm tươi sống đang trở nên đắt đỏ ngay tại vùng đất nông nghiệp miền Trung.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã yêu cầu Cục QLTT các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng nhu yếu phẩm và đồ bảo hộ dùng trong hoạt động phòng chống thiên tai, không để tình trạng tăng giá cao, thiếu hụt nguồn hàng.

Nhuận Mẫn

Mùa mưa lớn bất thường gây lũ lụt và lở đất khắp đất nước Nepal nhưng ở khu vực miền tây của nước này lại đang xảy ra hạn hán, khiến nhiều nông dân phải thu hoạch lúa sớm chỉ để làm thức ăn chăn nuôi. Hầu hết trong số 8.500 hộ gia đình ở thị trấn Narainapur, tây nam Nepal, đang phải chật vật kiếm cơm khi hạn hán làm thiệt hại 60% diện tích trồng lúa ở đây.

Nhiều người dân ở thị trấn này đang vượt biên trái phép sang Ấn Độ ‘để tìm kiếm việc làm, thay vì chờ chết đói’, Laxmi Kant Mishra, người đứng đầu cơ quan quản lý khủng hoảng ở Narainapur, cho hay.

Giá cả lương thực và thực phẩm tăng cũng đe dọa đẩy tăng chỉ số lạm phát ở nhiều nước, khiến các ngân hàng trung ương của họ khó khăn hơn trong việc nới lỏng tiền tệ để củng cố tăng trưởng kinh tế. Chỉ số hàng hóa nông nghiệp của Bloomberg, đo diễn biến giá của chín mặt hàng nông nghiệp quan trọng, tăng 28% kể từ cuối tháng 4, lên mức cao nhất trong hơn bốn năm.

Trong tuần này, giá lúa mì trên thị trường quốc tế lên mức đắt nhất kể từ năm 2014. Chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Lương nông Liên Hợp Quốc (FAO), đo lường biến động giá của năm nhóm hàng hóa gồm ngũ cốc, thịt, đường, sữa và dầu ăn, tăng lên mức 97,9 điểm trong tháng 9, đánh dấu tháng tăng thứ tư liên tiếp. Chỉ số này đang ở mức cao nhất kể từ tháng 2-2020 và cao hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Các yếu tố cơ bản trên thị trường hàng hóa nông nghiệp thay đổi mạnh mẽ kể từ tháng 5. Ngoài yếu tố thời tiết đang gây ra tác động mạnh mẽ nhất, chúng ta còn chứng kiến nhu cầu trỗi dậy trong một thị trường tăng giá”, Don Roose, Chủ tịch Công ty môi giới hàng hóa U.S. Commodities (Mỹ), nói.

Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng trong kịch bản tồi tệ nhất, đại dịch Covid-19 có thể đẩy 1/10 dân số toàn cầu vào cảnh thiếu ăn trong năm nay. Kịch bản này có thể nghiêm trọng hơn nếu giá cả lương thực tiếp tục tăng và có thêm nhiều gia đình không có đủ chi phí để chi tiêu cho bữa ăn hàng ngày.

“Tình hình rất ảm đạm”, David Beasley, Giám đốc điều hành ở Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc, tổ chức vừa nhận được giải Nobel Hòa bình nhờ các nỗ lực cứu đói và ứng phó bất ổn an ninh lương thực trên toàn cầu, nhận định.

Hạn hán, cháy rừng dữ dội ở Mỹ và Brazil

Tình trạng đứt gãy của các chuỗi cung ứng và cơn bùng nổ nhu cầu đã đẩy giá cả lương thực và thực phẩm tăng cao ở nhiều nước vào đầu năm nay khi lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 làm gián đoạn thương mại toàn cầu. Lúc đó, các kho lương thực thực dự trữ trên thế giới vẫn còn dồi dào và các vụ mùa ở bắc bán cầu được dự báo bội thu.

Nhưng giờ đây, hạn hạn xuất hiện khắp nơi. Nhiều khu vực trên thế giới đang chịu hạn hạn ít nhất là mức trung bình. Từ lâu, các nhà khoa học khí hậu cảnh báo các mẫu hình thời điểm cực đoan và khó lường sẽ tăng lên, gây đe dọa cho các vụ mùa và an ninh lương thực. Họ báo năm 2020 có thể là năm nóng kỷ lục.

Các vụ cháy rừng dữ dội đang xảy ra ở miền Tây nước Mỹ. 64% diện tích nước Mỹ đang chịu hạn hạn ở nhiều mức khác nhau. Trong khi đó, mùa bão Đại Tây Dương (từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm) cũng đang nghiêm trọng hơn với 26 cơn bão đã xảy ra, tiến sát mức kỷ lục 28 cơn bão vào năm 2005.

Rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil cũng đang trải qua các vụ cháy tồi tệ nhất trong gần 10 năm qua. Dữ liệu vệ tinh của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) ghi nhận trong tháng 9, có 32.017 điểm cháy ở rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Antonio Carlos Simoneti, một nông dân trồng cam ở Brazil, đang chứng kiến tận mắt tác động của hạn hán. Thời tiết khô nóng kéo dài ở bang Sao Paulo, vùng sản xuất nước cam ép lớn nhất thế giới, khiến con sông gần khu trang trại của Simoneti khô trơ đáy. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ khi gia đình ông mua trang trại ở Sao Paulo cách đây 36 năm.

Các quả cam ở cánh đồng cam rộng 500 hecta của ông bị héo quắt từ bên trong vì cây cam hút ngược nước từ quả để sống sót trong các điều kiện khô cháy. Sau khi bán được một ít cam hồi đầu mùa, giờ đây Simoneti không có cam để bán nữa. Ông dự báo sản lượng cam trong vụ mùa năm này giảm 50% so với năm ngoái do thời tiết. Ông nói: “Những quả cam còn sót trên cây đã khô quắt, không có nước bên trong”.

Giá cả lương thực tăng không chỉ bởi thiên tai và còn bởi cuộc chạy đua mua dự trữ giữa các nước từ Ai Cập, Pakistan cho đến Trung Quốc để đề phòng các gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng hơn trong tương lai. Đồng real ở Brazil đang suy yếu và điều này càng đốt nóng cơn tăng hàng hóa nông nghiệp ở Brazil, nơi giá đậu nành và ngô đã lần lượt tăng 81% và 56% trong năm nay, làm tăng chi phí thức ăn chăn nuôi cho heo, gà. Brazil buộc phải tạm thời dỡ bỏ thuế nhập khẩu đậu nành, ngô, gạo và lúa mì để kiểm soát lạm phát lương thực.

Cơn tăng giá lương thực kéo dài vào năm 2011 đã góp phần châm ngòi các cuộc nổi dậy trong phong trào Mùa xuân Ả rập. Giá cả lương thực hiện nay vẫn chưa tăng mạnh lên các mức như cách đây gần 10 năm và vụ mùa bội thu ở Úc có thể giúp lấp khoảng trống nguồn cung.

Song nhu cầu tăng mạnh mẽ là lý do khiến giá cả lương thực leo lên các mức cao hơn dù các kho dự trữ còn dồi dào. Chẳng hạn, các kho dự trữ lúa mì trên toàn cầu dự báo đạt mức kỷ lục trong năm nay. Nguồn cung dồi dào có thể giúp kiểm soát lạm phát lương thực nếu như mối lo ngại về các vấn đề thời tiết bắt đầu dịu lại.
Theo Bloomberg, Reuters

Lê Linh  ( Sưu tầm  nguồn báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online Thứ Bảy,  24/10/2020, 09:43 )
Link:  https://www.thesaigontimes.vn/309840/lu-lut-han-han-pha-huy-mua-mang-day-gia-ca-luong-thuc-tang-nhanh.html

Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

 

228 views