Long An: Xuất khẩu 300.000 tấn gạo trong 6 tháng đầu năm

(HQ Online) – Theo Sở Công Thương tỉnh Long An, trong 6 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu được khoảng 300.000 tấn gạo, đạt 130,3 triệu USD, tăng 8,8% về lượng nhưng giảm 9,6% về giá trị.
long an xuat khau 300000 tan gao trong 6 thang dau nam
Trưng bày gạo tại Festival gạo tổ chức tại Long An. Ảnh: Thu Hiền

Hiện gạo của Long An đang được xuất khẩu qua 40 thị trường, trong đó chủ yếu là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, Hong Kong… Đáng chú ý, trong 6 tháng qua đã khai thác thêm được một số thị trường ở châu Phi, Dubai.

Dù xuất khẩu gạo đã có khởi sắc nhưng ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết ngành gạo của Long An nói chung và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng vẫn còn nhiều bất cập trong sản xuất tiêu thụ, kéo theo giá trị của ngành chưa cao.

Riêng đối với việc giá trị gạo giảm gần 10% trong 6 tháng qua, ông Đức cho rằng do trong các tháng đầu năm nay một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh giảm nhu cầu tiêu thụ trong khi nguồn cung dồi dào dẫn tới giá xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh. Thêm vào đó, các quy định của thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác rất khắt khe, đòi hỏi sản phẩm phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, có mã vạch đã khiến nhiều DN chưa thể kịp thời đáp ứng.

Để việc xuất khẩu gạo phát triển bền vững hơn, ông Lê Minh Đức cho biết trong các tháng tới sở sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên ngành nhằm sản xuất các loại giống lúa tạo nên giá trị thương hiệu cho gạo tỉnh Long An; cung cấp đủ giống lúa cho DN thực hiện, nhất là liên kết cánh đồng lớn, thay đổi cơ cấu sản xuất lúa tại địa phương.

Cùng với đó, Sở sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, phổ biến kịp thời các Hiệp định thương mại thế hệ mới để DN nắm thông tin, định hướng sản xuất. Đồng thời nâng cao năng lực phát triển kinh doanh xuất khẩu gạo thông qua việc hỗ trợ DN cải tiến máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ để thực hiện chế biến sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch…

Ngoài sự chủ động của tỉnh, ông Lê Minh Đức kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên cơ cấu lại việc trồng lúa sao cho phù hợp hơn bởi hiện nay sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn dù có nhiều ưu điểm nhưng vẫn có những hạn chế như gieo xạ cùng lúc, thu hoạch cùng lúc dẫn đến chi phí nhân công cao, áp lực cho vận chuyển, kho chứa, sấy lúa… dẫn tới cung lớn hơn cầu.
Nguyễn Huế ( Theo nguồn báo Hải Quan 15:09 | 15/07/2019)
Công ty TNHH MTV Thương Mại & Giao Nhận Phạm Lê
Ms Kim Phạm Contact Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn

335 views