Loạt chính sách hải quan cắt giảm chứng từ, chi phí cho doanh nghiệp

(HQ Online) – Việc bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc, cơ quan Hải quan sẽ tiết kiệm được hàng trăm ngàn giờ công lao động mỗi năm; các doanh nghiệp nhập khẩu cũng tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng. Đây là một trong những điểm nổi bật về cải cách thủ tục hành chính được Tổng cục Hải quan trình ban hành thời gian qua.

Công chức Cục Hải quan Thanh Hóa thực hiện nghiệp vụ. Ảnh: N.Linh

Công chức Cục Hải quan Thanh Hóa thực hiện nghiệp vụ. Ảnh: N.Linh

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, năm 2020 nhiều văn bản quy phạm pháp luật theo hướng minh bạch, chi tiết, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp đã được trình các cấp ban hành. Các chính sách cũng đẩy mạnh việc khai thác, ứng dụng cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, cắt giảm tối đa các chứng từ không cần thiết trong các bộ hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính để cắt giảm các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong đó phải kể đến những văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định số 46/2020/NĐ-CP và Nghị định số 64/2020/NĐ-CP đã đảm bảo nội luật hóa các cam kết quốc tế, trong đó có các quy định mới mang tính đột phá trong công tác quản lý hải quan.

Cụ thể, đối với hàng hóa quá cảnh qua các nước ASEAN chỉ phải thực hiện khai hải quan một lần trên Hệ thống ACTS từ nước xuất phát của hành trình quá cảnh, tờ khai trên Hệ thống ACTS là chứng từ để sử dụng làm thủ tục hải quan khi hàng hóa đi qua các nước trung gian cũng như khi đến nước đích của hành trình quá cảnh.

Thực hiện theo quy định này, đảm bảo quản lý, nắm được tình trạng hàng hóa từ khi xuất phát đến nước nhập khẩu (kết thúc hành trình quá cảnh), cũng như công tác phối hợp, xử lý giữa các nước trong trường hợp lô hàng quá cảnh phát sinh sự cố trong quá trình vận chuyển.

Với Nghị định số 64/2020/NĐ-CP, đối với hàng hóa tạm quản theo công ước Istanbul thì chủ hàng được sử dụng sổ tạm quản (ATA) để thực hiện thủ tục tạm nhập, tạm xuất, tái xuất, tái nhập (thay thế tờ khai hải quan), cơ quan bảo đảm là cơ quan cấp sổ ATA và cam kết thanh toán các khoản thuế, phí… phát sinh đối với hàng hoá tạm nhập tái xuất của quốc gia hàng đến.

Khi thực hiện thủ tục quá cảnh hải quan hoặc tạm quản hàng hóa theo hai quy định trên, thì chủ hàng hóa phải thực hiện đảm bảo, bảo lãnh hoặc đặt cọc lô hàng với số tiền xác định theo mức 110% tổng số tiền thuế nhập khẩu và các khoản thuế khác cao nhất của quốc gia có hàng hóa đi qua.

Bên cạnh đó, Nghị định số 67/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan được ban hành đã giảm cắt giảm 5 điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa 14 điều kiện kinh doanh; giảm 22 thành phần hồ sơ trên tổng số 52 thành phần hồ sơ của thủ tục công nhận cửa hàng miễn thuế, kho, bãi, địa điểm.

Qua đó góp phần không nhỏ trong công tác cải cách hiện đại hóa của ngành, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ tục hành chính, tăng sức cạnh tranh cho môi trường đầu tư của Việt Nam.

Đặc biệt, để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ và hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch Covid-19, với nhiều nội dung hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh có ảnh hưởng nặng nề trên toàn thế giới.

Cụ thể Thông tư cho phép gia hạn thời hạn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (doanh nghiệp được nộp C/O trong thời gian một năm kể từ ngày cấp); chấp nhận C/O sử dụng chữ ký, con dấu điện tử hoặc bản chụp/ bản scan C/O để nộp cơ quan Hải quan.

Mới đây, đề xuất bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc (bản giấy), sử dụng các thông tin trên tờ khai hải quan điện tử để thay thế tờ khai nguồn gốc, làm cơ sở để các cơ quan đăng ký phương tiện cấp Giấy đăng ký phương tiện đối với ô tô, xe máy và các phương tiện vận tải nhập khẩu đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo tính toán sơ bộ dựa trên kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp và báo cáo của cục hải quan tỉnh, thành phố, nếu bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc, cơ quan Hải quan sẽ tiết kiệm được hàng trăm ngàn giờ công lao động mỗi năm; các doanh nghiệp nhập khẩu cũng tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng.

Năm 2018 Số lượng tờ khai nguồn gốc là 248.452 tờ khai; tổng chi phí là hơn 25 tỷ đồng; Tổng thời gian công chức xác nhận là 496.904 giờ.

Năm 2019, tổng số lượng tờ khai nguồn gốc là 421.777 tờ khai; tổng chi phí là hơn 43 tỷ đồng; tổng thời gian công chức xác nhận là 843.544 giờ.

N.Linh  ( Theo nguồn báo Hải Quan 16:05 | 04/01/2021)
Link:  https://haiquanonline.com.vn/loat-chinh-sach-hai-quan-cat-giam-chung-tu-chi-phi-cho-doanh-nghiep-139617.html

Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

317 views