Kiện phòng vệ thương mại: Sau khốc liệt đến hồi trầm lắng?

(HQ Online) – Sau quá trình gia tăng liên tục các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa XK của Việt Nam, 2021 được nhận định sẽ là một năm tương đối trầm lắng. Tuy nhiên, các mối lo ứng phó với các vụ kiện PVTM không hề bớt đi khi nhiều quốc gia ngày càng có xu hướng tăng cường bảo hộ hàng hóa, áp dụng quy định ngặt nghèo để có thể áp dụng nhiều biện pháp PVTM với mức thuế cao.

Tránh tập trung XK với khối lượng lớn vào một thị trường là một trong những giải pháp giúp DN phòng tránh kiện PVTM. 	Ảnh: N.Thanh

Tránh tập trung XK với khối lượng lớn vào một thị trường là một trong những giải pháp giúp DN phòng tránh kiện PVTM. Ảnh: N.Thanh

 

Đỉnh điểm 2020

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Hải quan, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã bị các nước điều tra khoảng hơn 200 vụ việc PVTM đối với hàng XK. Trước năm 2011, Việt Nam ghi nhận 47 vụ việc. Trong giai đoạn 2011-2016, mỗi năm trung bình ghi nhận 13-14 vụ việc. Trong vòng 4-5 năm trở lại đây, trung bình khoảng trên 20 vụ việc mỗi năm. Đáng chú ý 2020 là năm kỷ lục hàng XK Việt Nam phải đối mặt với các vụ điều tra PVTM. Nếu như năm 2019 số lượng vụ việc là 16 thì năm 2020 con số này tăng 2,5 lần, lên 39 vụ. Điều đó đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho DN XK của Việt Nam để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Về thị trường điều tra, áp dụng biện pháp PVTM với Việt Nam, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, cách đây 5 năm chủ yếu là thị trường Mỹ, EU. Hiện nay, Mỹ cũng là nước có số vụ khởi kiện nhiều nhất, với 19 vụ. Số các nước điều tra ngày càng tăng, đặc biệt là Ấn Độ, Canada, Australia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ… Các nước trong khu vực cũng tăng cường điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM với Việt Nam, cụ thể là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc.

Ở góc độ mặt hàng bị khởi kiện, nhiều nhất là thép, chiếm gần 40% các vụ việc, tiếp theo là sản phẩm sợi (12%); sản phẩm cao su (trên 6%); máy móc thiết bị (6%)… “Điểm đáng lưu ý là gần đây phát sinh nhiều vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Đây không phải là loại hình mới mà là vụ kiện phái sinh từ vụ kiện PVTM đã áp dụng trước đó với nước khác. Điều tra chống lẩn tránh xuất hiện nhiều với mặt hàng sắt thép, nhôm, gỗ, sợi, lốp xe đạp…”, bà Phạm Châu Giang nhấn mạnh.

Từ góc độ DN, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá, hiện nay các DN vẫn còn thiếu chủ động trong việc chuẩn bị tham gia các vụ kiện; chỉ có DN bị kiện trực tiếp mới quan tâm, DN khác ít quan tâm. Ngoài ra, nguồn lực để theo đuổi các vụ việc như tài chính, mức độ hiểu biết pháp luật về các quy trình điều tra của DN rất hạn chế…

“Các DN phải cùng phối hợp, cung cấp thông tin cho Hiệp hội để tránh tốc độ tăng trưởng XK nóng sang các thị trường mới, đặc biệt khi các FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực. Điều này sẽ giảm thiệt hại khi các quốc gia khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp PVTM đối với sản phẩm thép XK của Việt Nam”, ông Nghiêm Xuân Đa nói.

Trầm lắng chưa hẳn hết lo

Theo kinh nghiệm thì sau 1 năm số vụ kiện PVTM dồn dập như 2020, 2021 sẽ không phải là năm quá căng thẳng. Khi các FTA có hiệu lực, DN cũng phải đi tìm bạn hàng, muốn gia tăng XK cũng phải có một khoảng thời gian thì các nước mới nghĩ tới việc áp dụng các biện pháp PVTM. Ví dụ, với Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực năm 2015 thì tới năm 2018-2019 các vụ kiện PVTM giữa các nước ASEAN với nhau mới nảy sinh. Bởi vậy, để nảy sinh các vụ kiện PVTM trong nội khối các nước ký kết FTA mới đây mà Việt Nam có tham gia dự kiến cũng phải 2-3 năm nữa. “Dự kiến, 2022-2023 sẽ là năm căng thẳng của kiện PVTM”, bà Phạm Châu Giang nhận định.

Một số chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện nay hàng Việt XK cũng đang đối diện nhiều khó khăn. Thứ nhất là định hướng bảo hộ của nhiều quốc gia. Họ sẽ thắt chặt điều tra PVTM, không cho gia hạn thời gian trả lời bảng câu hỏi, điều chỉnh văn bản pháp luật để sao cho áp được nhiều biện pháp PVTM với mức thuế cao hơn.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, một số vụ việc cơ quan điều tra nước ngoài cho rằng nền kinh tế Việt Nam không hoạt động theo nguyên tắc thị trường (nền kinh tế thị trường-NME). Do đó, cơ quan điều tra nước ngoài không sử dụng dữ liệu do DN XK cung cấp mà tìm kiếm, sử dụng các giá trị thay thế (chi phí) từ các nền kinh tế thị trường để tính toán. Điều này khiến biên độ bán phá giá bị đẩy lên cao, không phản ánh đúng thực tế hoạt động của DN. Các vụ việc điều tra sử dụng vấn đề kinh tế thị trường hầu hết đến từ các quốc gia như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada.

Đối với các quốc gia đã công nhận nền kinh tế thị trường, hiện nay các quốc gia này đang có xu hướng áp dụng vấn đề “tình hình thị trường đặc biệt” (PMS) trong điều tra chống bán phá giá với hàng XK của Việt Nam. Về bản chất, NME hay PMS đều hướng đến xác định việc các ngành sản xuất không hoạt động theo nguyên tắc thị trường để sử dụng giá trị thay thế từ nước ngoài để đẩy biên độ bán phá giá lên cao. Các quốc gia thường xuyên sử dụng nội dung PMS trong điều tra chống bán phá giá với hàng XK của Việt Nam là Australia.

Ở góc độ ngành hàng, gỗ đang là mặt hàng đặt trước nhiều mối lo gian lận thương mại, từ đó phải đối mặt với các vụ kiện PVTM. Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập không ít lần chia sẻ, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tạo ra cơ hội vàng cho các DN Việt nhằm thay thế các mặt hàng gỗ của Trung Quốc tại Mỹ. Tuy nhiên điều này cũng làm phát sinh ra các rủi ro về gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ, đầu tư “núp bóng” từ một số DN Trung Quốc hiện đang hoạt động tại Việt Nam.

“Chúng tôi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo tăng cường cơ chế về kiểm soát chống lẩn tránh, trốn xuất xứ; kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ thông tin, kỹ năng, kiến thức cho các Hiệp hội Gỗ về phản biện trong lĩnh vực này; kiến nghị Bộ Tài chính, đặc biệt là Tổng cục Hải quan, tăng cường kiểm soát việc NK bán thành phẩm đã qua sơ chế để sản xuất các mặt hàng gỗ đang bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ”, ông Đỗ Xuân Lập nói.

Tính đến nay, Việt Nam đã bị các nước điều tra 201 vụ việc PVTM với hàng hóa XK; kim ngạch bị điều tra khoảng 12 tỷ USD. Trong đó, 112 vụ chống bán phá giá; 23 vụ chống trợ cấp; 23 vụ chống lẩn tránh biện pháp PVTM; 43 vụ tự vệ.Thị trường có tần suất điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá với hàng XK Việt Nam thường xuyên hơn các thị trường khác là: Ấn Độ (19 vụ), Mỹ (19 vụ), Australia (11 vụ), Canada (9 vụ), Malaysia (9 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (8 vụ), EU (6 vụ), Brazil (6 vụ), Thái Lan (5 vụ), Indonesia (4 vụ), Hàn Quốc (3 vụ), Argentina (3 vụ). Đây đều là thị trường có dung lượng thị trường lớn, có ý nghĩa quan trọng với XK của Việt Nam.Trong các vụ kiện chống bán phá giá, thép chiếm đa số với 33 vụ việc, sợi 13 vụ, sản phẩm cao su 7 vụ, sản phẩm máy móc thiết bị 6 vụ, sản phẩm nông lâm thủy sản 5 vụ, còn lại là các sản phẩm khác.

Thanh Nguyễn  ( Theo nguồn báo Hải Quan Online 15:46 | 30/03/2021)
Link: https://haiquanonline.com.vn/kien-phong-ve-thuong-mai-sau-khoc-liet-den-hoi-tram-lang-143290-143290.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

 

315 views