Kiểm tra, giám sát hàng hóa tại biên giới đã hết chồng chéo?

(HQ Online)- Để minh bạch, rõ ràng các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, tránh chồng chéo trong việc thực thi nhiệm vụ giữa cơ quan Hải quan và Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư 44/2018/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09/2016/TT-BQP. Liệu Thông tư mới này đã gỡ được nút thắt chồng chéo trong quản lý của Hải quan – Biên phòng?

CBCC Hải quan – Biên phòng Nậm Cắn (Nghệ An) phối hợp kiểm tra hàng hóa, phương tiện XNC. Ảnh: H.Nụ. 

Nút thắt được mở…

Trước những quy định bất cập đã từng được cơ quan Hải quan, DN lên tiếng nhiều lần ngay khi Thông tư 09/2016/TT-BQP ngày 3/2/2016 của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền được ban hành, ngày 24/3/2018, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 44/2018/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09/2016/TT-BQP liên quan đến quy định về công tác phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa XNK của Bộ đội Biên phòng cửa khẩu; trình tự thực hiện thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.

Theo đó, các Điểm a, b, Khoản 2 Điều 12 của Thông tư 09/2016/TT-BQP được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa XNK của Bộ đội Biên phòng tại cửa khẩu, lối mở biên giới.

a. Đối với hàng hóa XK: Tại Ba-ri-e kiểm soát số 1, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu tiến hành kiểm tra giấy tờ của người, phương tiện vận chuyển hàng hóa đã được làm thủ tục xuất cảnh, nếu phát hiện hàng hóa XK có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phối hợp với cơ quan Hải quan cửa khẩu tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

b.  Đối với hàng hóa NK:

Tại Ba-ri-e số 1, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu tiến hành kiểm tra giấy tờ của người, phương tiện vận chuyển hàng hóa có đủ điều kiện vào lãnh thổ Việt Nam thì hướng dẫn người điều khiển phương tiện đưa phương tiện vào vị trí để cơ quan Hải quan cửa khẩu tiến hành làm thủ tục NK hàng hóa theo quy định.

Tại Ba-ri-e số 2, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu tiến hành kiểm tra giấy tờ nhập cảnh của người, phương tiện vận chuyển hàng hóa sau khi làm xong các thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam, nếu phát hiện hàng hóa NK có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phối hợp với cơ quan Hải quan cửa khẩu tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật”.

Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong đề xuất xác định phạm vi khu vực cửa khẩu phụ, lối mở biên giới Điểm b Khoản 3 Điều 15 Thông tư 09/2016/TT-BQP cũng được sửa đổi bổ sung: “b. Trên cơ sở ý kiến của các sở, ngành quy định tại Điểm a Khoản này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đề xuất với UBND tỉnh xem xét, quyết định”.

Liên quan đến thời gian làm việc tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, Thông tư 44/2018/TT-BQP cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 16 của Thông tư 09/2016/TT-BQP.

Cụ thể: “2. Thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền.

a. UBND tỉnh có cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền xin ý kiến Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính để thống nhất về việc thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền;

b. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính, UBND tỉnh có cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền trao đổi, thống nhất với chính quyền cấp tỉnh nước tiếp giáp có chung đường biên giới về việc thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền;

c. Căn cứ kết quả trao đổi, thống nhất với chính quyền cấp tỉnh nước tiếp giáp có chung đường biên giới về việc thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền, UBND tỉnh thông báo cho Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính, đồng thời chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan, Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Ban Quản lý cửa khẩu và UBND cấp huyện có cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền thực hiện”.

Động thái tích cực mà Bộ Quốc phòng tháo gỡ từ Thông tư 44/2018/TT-BQP có thể thấy, sự vướng mắc chồng chéo trong kiểm tra, giám sát hàng hóa tại cửa khẩu biên giới đất liền giữa 2 lực lượng Hải quan- Biên phòng cơ bản đã được tháo gỡ.

…nhưng vẫn còn “sạn”

Mặc dù Thông tư 44/2018/TT-BQP đã phân định rõ trách nhiệm của hai lực lượng Hải quan- Biên phòng trong việc kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa khẩu, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, Thông tư 44/2018/TT-BQP vẫn chưa “nhặt hết sạn” cho Thông tư 09/2016/TT-BQP.

Bởi tại Điều 9, Thông tư 09/2016/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, giám sát biên phòng tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền quy định tại Khoản 1 Điều 6 và Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP.

Theo đó, tại Điểm b, Khoản 2 Điều 9 quy định: Đối tượng kiểm tra, kiểm soát, giám sát biên phòng… là hàng hóa xuất, nhập, lưu kho bãi trong khu vực cửa khẩu và khu vực biên giới. Và cũng tại Điểm a, Khoản 3, Điều 9 Thông tư 09/2016/TT-BQP quy định: “Nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, giám sát biên phòng: a) Thực hiện thủ tục cho người, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh; phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa XNK…”.

Trong khi đó, căn cứ tại Điều 12 và Điều 16 Luật Hải quan thì cơ quan Hải quan chủ trì thực hiện thủ tục cho phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh. Do đó quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư 09/2016/TT-BQP là chưa phù hợp với quy định tại Luật Hải quan.

Được biết, trong quá trình lấy ý kiến tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09/2016/TT-BQP (tháng 6/2017), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) rà soát toàn bộ Thông tư 09/2016/TT-BQP, bãi bỏ các quy định liên quan đến kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa XNK của Bộ đội Biên phòng tại Điểm b Khoản 2 Điều 9 cũng như Khoản 3 Điều 12… để đảm bảo tính thống nhất của văn bản.

Và cho tới tận khi ban hành Thông tư 44/2018/TT-BQP, cơ quan soạn thảo cũng không tiếp thu ý kiến đóng góp nhằm sửa đổi, bổ sung hướng dẫn cụ thể hoặc bãi bỏ để phù hợp với các văn bản hiện hành.

Do đó, để minh bạch, rõ ràng các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, tránh chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ giữa cơ quan Hải quan và Bộ đội Biên phòng, nên chăng cơ quan ban hành văn bản cần rà soát toàn bộ lại một lần nữa Thông tư 09/2016/TT-BQP, bãi bỏ các quy định liên quan, đảm bảo tính thống nhất của văn bản nhằm đưa công tác phối hợp giữa hai lực lượng đi vào chiều sâu, cũng như cụ thể hóa quyền hạn của mỗi bên và phù hợp với quy định hiện hành, làm cơ sở để áp dụng vào thực tiễn.

Ngày 22/6/2017, Tổng cục Hải quan có công văn 4130/TCHQ-GSQL gửi Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 09/2016/TT-BQP.Theo đó, nội dung đóng góp của Tổng cục Hải quan tại Khoản 1, Điều 1 dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 09/2016/TT-BQP cơ bản đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến.

Tuy nhiên, những để nghị sửa đổi vào Điều 14 Thông tư 09/2016/TT-BQP liên quan đến việc quy định Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền chủ trì xử lý vi phạm liên quan đến XNK, phương tiện xuất nhập cảnh theo hướng Bộ đội Biên phòng phối hợp với cơ quan Hải quan xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến hàng hóa XNK, phương tiện xuất nhập cảnh theo quy định của pháp luật lại không được cơ quan soạn thảo tiếp thu và chỉnh sửa.

Tại công văn này, Tổng cục Hải quan nêu rõ, để minh bạch, rõ ràng các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, tránh chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ của 2 lực lượng, đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng rà soát toàn bộ Thông tư 09/2016/TT-BQP, bãi bỏ các quy định liên quan đến việc kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa XNK của Bộ đội Biên phòng tại Điểm b, Khoản 2, Điều 9; Khoản 3, Điều 14… để đảm bảo tính thống nhất của văn bản.

Đảo Lê ( Theo nguồn báo Hai Quan )
1863 views