Hơn 40.000 doanh nghiệp rời thị trường quí 1-2021, tăng 15,6%

(KTSG Online) – Chịu ảnh hưởng từ diễn biến kéo dài của dịch bệnh Covid-19, hoạt động kinh doanh tiếp tục khó khăn đã dẫn đến việc hơn 40.000 doanh nghiệp rời thị trường trong quí đầu tiên của năm 2021, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung bình mỗi tháng qua có 13.400 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, vượt xa con số trung bình hàng tháng của năm 2020 (8.475 doanh nghiệp rời thị trường).

Bên cạnh đó, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước còn có 14.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều mặt bằng cho thuê trên các tuyến đường trung tâm ở TPHCM đã đóng cửa trong một thời gian dài, do  khách thuê trả mặt bằng. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quí 1-2021, có 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong số này, có đến 23.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước; 11.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,3%; và 5.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 26,4%. Tính ra, trung bình mỗi tháng qua có 13.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Điều này cho thấy, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới du lịch, lĩnh vực có sự tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác.

Trên thực tế, so với cùng kỳ năm 2020, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong quí 1-2021 tăng ở nhiều lĩnh vực như giáo dục và đào tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch; kinh doanh bất động sản; nghệ thuật, vui chơi và giải trí,…

Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bán lẻ trước đó cũng cho thấy gần 42% doanh nghiệp đang chịu tác động nghiêm trọng của Covid-19; 50% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.

Các doanh nghiệp cho biết họ luôn ở trong tư thế phập phồng lo sợ không biết khi nào có thể ổn định hoạt động trở lại dù đã nỗ lực tìm hướng đi trong tình hình khó khăn chung hiện nay.

Theo các doanh nghiệp, “bạo bệnh” do đại dịch Covid-19 gây ra trong hai đợt đầu chưa kịp hồi phục rồi lại bị dội tiếp căn bệnh của đợt dịch thứ 3 hồi trước Tết nguyên đán còn âm ỉ. Thế nhưng mấy ngày qua lại tiếp tục xuất hiện những ca mắc Covid-19 mới do một số người nhập cảnh trái phép làm cho tình hình càng phức tạp và khó khăn bủa vây họ nhiều hơn.

Giám đốc một doanh nghiệp du lịch lữ hành tại TPHCM đang lo lắng không biết 6 hợp đồng đã ký kết với các khách hàng để thực hiện vào tháng 5 tới có bị ảnh hưởng hay không, sau những ca dương tính với Covid-19 bắt nguồn từ những người nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam tuần vừa qua. Theo vị doanh nhân này, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, công ty ông đã đăng ký tạm ngưng hoạt động hơn 10 tháng nay và có ý định mở hoạt động trở lại khi một số khách hàng quen trước đây đã tự liên lạc lại với công ty để cung cấp dịch vụ tour. “Thật sự chưa biết sẽ ra sao nữa”, vị giám đốc doanh nghiệp này phập phồng lo lắng.

Doanh nghiệp du lịch là một trong những nhóm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020. Theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện và công bố vào trung tuần tháng 3, cho thấy có tới 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 trong năm 2020.

Cuộc khảo sát đã ghi nhận ý kiến của gần 10.200 doanh nghiệp trên cả nước đánh giá tác động của dịch bệnh, các giải pháp ứng phó và hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ trong năm 2020. Khảo sát nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã gây tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết bốn ảnh hưởng lớn của dịch bệnh tới hoạt động kinh doanh là khó tiếp cận khách hàng, thiếu hụt dòng tiền, phải giảm lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Cơn bão Covid-19 đẩy nhiều doanh nghiệp Việt Nam vào thế càng lúc càng khó chống đỡ. Trên thực tế, theo số liệu của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, trong năm 2020, cả nước có đến hơn 100.000 doanh nghiệp hoạt động quá khó khăn buộc phải rời thị trường, một con số kỷ lục từ trước đến nay. Và đây cũng là lần đầu tiên trong một năm số doanh nghiệp rời thị trường chạm đến mốc sáu con số.

Khảo sát của VCCI và WB ghi nhận rằng đa số doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kéo dài chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm gia hạn các khoản đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn trong năm 2021 và 2022.

Giới phân tích dự báo với tình dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế thì khả năng số doanh nghiệp rời thị trường sẽ tiếp tục tăng cao, nếu các chính sách hỗ trợ không kịp thời và nhanh chóng đi vào thực tế.

Lượng doanh nghiệp mới thành lập sụt giảm so với trước

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quí 1-2021, cả nước có 29.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 447,8 ngàn tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 245.600 lao động, giảm 1,4% về số doanh nghiệp, tăng 27,5% về vốn đăng ký và tăng 0,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đạt 15,3 tỉ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả 525,3 ngàn tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 9.600 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2021 là 973,1 ngàn tỉ đồng.

 

Lê Hoàng  ( Theo Nguồn Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Thứ Hai,  29/3/2021, 15:01)
Link:  https://www.thesaigontimes.vn/td/314941/hon-40000-doanh-nghiep-roi-thi-truong-qui-1-2021-tang-156.html?fbclid=IwAR31LTa_RbfEvRhZxHfpmEskWDFLHKVVHF8FYOf-IZOPGwPupm1se7vPMnQ
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

 

320 views