Hàng Trung Quốc đội lốt “Made in Vietnam” vào tầm ngắm của cơ quan quản lý

(TBKTSG Online) – Cơ quan quản lý đang thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn gian lận thương mại, lẩn tránh thuế, trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung tiếp tục leo thang.

Trung Quốc đã tăng cường giám sát hoa quả nhập khẩu thông qua những quy định khắt khe hơn. Ảnh: TH.

Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ đối với hàng hoá nhập khẩu theo đúng quy định về xuất xứ hàng hoá, ghi nhãn hàng hoá, đặc biệt với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tổng cục Hải quan lưu ý khi kiểm tra hồ sơ lô hàng, kiểm tra thực tế hàng hoá (nếu có) phải kiểm tra cụ thể tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa phải phù hợp với tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa trong bộ hồ sơ lô hàng nhập và giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có).

Nếu phát hiện hàng hoá nhập khẩu ghi nhãn “made in Vietnam”, cơ quan hải quan địa phương xác minh làm rõ, nếu có căn cứ hàng có chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa, tùy theo hành vi vi phạm cụ thể, tính chất, mức độ hành vi vi phạm để xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc xử phạt theo Nghị định 185/2013 của Chính phủ.

Cuộc thương chiến Mỹ – Trung leo thang đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại về tình trạng gian lận thương mại khi hàng hoá của Trung Quốc có thể tràn sang Việt Nam, lợi dụng nguồn gốc xuất xứ để tìm đường vào thị trường Mỹ. Tiếp theo sự dịch chuyển thương mại là luồng vốn đầu từ quốc gia láng giềng sang Việt Nam.

“Chuyển dịch thương mại bao giờ cũng nhanh hơn chuyển dịch về dòng vốn đầu tư FDI”, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói tại buổi họp báo kinh tế quí 1 tại Hà Nội. “Chỉ cần dịch chuyển một đơn hàng từ nước này sang nước khác là tăng trưởng thương mại diễn ra”.

Đối với riêng ngành gỗ, theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), đã có dấu hiệu cho thấy tình trạng gian lận thương mại, lẩn tránh thuế của các công ty Trung Quốc. Họ dùng Việt Nam làm nơi trung chuyển để né thuế xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ.

Ngày 20-11, Cơ quan Thương mại Mỹ ra thông báo với nội dung điều tra 5 công ty của Mỹ nhập khẩu ván ép từ Việt Nam. Đây là động thái của phía Mỹ khi họ nghi ngờ các công ty này nhập khẩu ván được sản xuất từ Trung Quốc, dán mác Việt Nam để xuất đi Mỹ.

Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương và Vifores đã khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ.

Không chỉ dịch chuyển về thương mại, đang có sự dịch chuyển về dòng vốn đầu tư từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam, điều này được ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc khu công nghiệp DEEP C Việt Nam nói. “Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc, mà chính doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm đường dịch chuyển sang Việt Nam”, ông Bruno Jaspaert nói và cho biết: số doanh nghiệp tìm hiểu thuê đất tại DEEP C tới nay đã tăng gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái.

Sự dịch chuyển này cũng thể hiện rõ qua con số thống kê. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 1,3 tỉ đô la Mỹ, chiếm 24,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Singapore với gần 700 triệu đô la, chiếm 13,1%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) đạt 693,4 triệu đô la, chiếm 13%.
Thùy Dung ( Theo nguồn thời báo kinh tế Sài Gòn online)

451 views