Hải quan quản lý chặt phế liệu nhập khẩu về cảng biển

(HQ Online)- Tổng cục Hải quan đã có công văn 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 về quản lý phế liệu NK từ nước ngoài vào Việt Nam, hướng dẫn các đơn vị hải quan địa phương tiếp tục “siết chặt” hoạt động vận chuyển, NK phế liệu, hàng hóa đã qua sử dụng có đặc trưng của phế liệu.

Hơn 3.500 container phế liệu đang tồn đọng tại cảng Cát Lái. Ảnh: Thu Hòa

 

Điều kiện không đủ – không cho dỡ hàng

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian gần đây hoạt động NK, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng tăng mạnh, diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm ảnh hưởng môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận.

Trong quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa, điều tra xác minh, cơ quan Hải quan đã phát hiện một số DN thực hiện những phương thức, thủ đoạn gian lận trong NK phế liệu như: Làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để hợp thức hóa hồ sơ NK phế liệu; khai sai tên hàng, mã số hàng hóa khác với tên hàng, mã số hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, nhiều DN đã chủ động lấy mẫu giám định để sử dụng kết quả giám định hợp thức hóa, chứng minh hàng hóa NK không phải phế liệu để khi NK không chịu các chính sách quản lý đối với phế liệu; hoặc NK các lô hàng rác thải về Việt Nam sau đó từ chối nhận hàng, để tồn đọng tại cảng biển Việt Nam nhằm thu lợi từ các đối tượng ở nước ngoài (qua việc sử dụng Việt Nam làm nơi chứa rác thải)…

Để Việt Nam không trở thành bãi rác của thế giới, không tốn kém chi phí tiêu hủy đối với hàng hóa là phế liệu, chất thải đưa vào lãnh thổ, đồng thời thực hiện đúng quy định về kiểm tra hải quan theo quy định tại Điều 31, 32, 33, 34 của Luật Hải quan 2014 và các quy định của pháp luật, đại diện Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã ban hành một số công văn hướng dẫn việc kiểm tra phế liệu NK chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng trong địa bàn hoạt động hải quan và quản lý phế liệu NK. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số vướng mắc, chồng chéo, gây nên lúng túng cho CBCC trực tiếp thực hiện.

Ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan:
Xử lý phế liệu tồn đọng đã được quy định tại Luật Hải quan và văn bản luật có liên quan
Việc xử lý hàng hóa là phế liệu NK tồn đọng được quy định rõ tại Luật Hàng hải, Luật Hải quan và các văn bản dưới luật. Luật Hàng hải quy định khi người nhận hàng không đến nhận, từ chối nhận hàng hoặc trì hoãn việc nhận hàng thì người vận chuyển có quyền dỡ hàng và gửi vào một nơi an toàn, thích hợp và thông báo cho người giao hàng biết. Mọi chi phí và tổn thất phát sinh do người nhận hàng chịu trách nhiệm chi trả.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày tàu biển đến cảng trả hàng, nếu không có người nhận số hàng gửi hoặc người nhận hàng không thanh toán hết các khoản nợ hoặc không đưa ra bảo đảm cần thiết thì người vận chuyển có quyền bán đấu giá số hàng đó để trừ nợ; nếu là hàng hóa mau hỏng hoặc việc gửi là quá tốn kém so với giá trị thực tế của hàng hóa thì người vận chuyển có quyền bán đấu giá trước thời hạn đó.
Tuy nhiên khi hàng hóa quá 90 ngày từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận thì lô hàng tiếp tục được xử lý theo Luật Hải quan. Riêng đối với hàng phế liệu, ô nhiễm môi trường không thể xác lập quyền sở hữu Nhà nước và xử lý theo các hình thức chuyển giao, tiêu hủy, bán trực tiếp được, mà phải buộc đơn vị tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Điểm b, Khoản 6 Điều 58 Luật Hải quan. Nội dung này được quy định rõ tại điểm c Khoản 2 Điều 14 Thông tư 203/2014/TT-BTC về hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan. Cụ thể: Riêng đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ hàng, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Để áp dụng các quy định của pháp luật về quản lý chất thải, phế liệu NK một cách nhuần nhuyễn vào thực tiễn, đại diện Vụ Pháp chế cho rằng, các đơn vị Hải quan địa phương cần phải chú ý đến các quy định như: Luật Bảo vệ môi trường, Danh mục phế liệu được phép NK từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đặc biệt, DN phải có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và trong hạn mức NK.

Trong quá trình tiến hành thủ tục nhập cảnh cho phương tiện vận tải vận chuyển phế liệu, hàng hóa đã qua sử dụng có đặc trưng của phế liệu, theo hướng dẫn tại công văn số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 về quản lý phế liệu NK từ nước ngoài vào Việt Nam, Tổng cục Hải quan yêu cầu chi cục hải quan nơi tiếp nhận và xử lý hải quan đối với hồ sơ tàu biển nhập cảnh thực hiện phân tích thông tin hàng hóa khai báo trên manifest theo đúng quy định tại Khoản 38 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

Trong đó, kiểm tra đầy đủ các thông tin cụ thể về DN (tên DN, mã số thuế, địa chỉ, số của giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…); về hàng hóa (loại phế liệu, mã HS tối thiểu 4 số…) khai báo trên manifest. Thực hiện rà soát, phân tích thông tin khai trên manifest trong thời hạn 4 giờ làm việc kể từ thời điểm tiếp nhận thông tin khai báo trên Hệ thống e-manifest và xử lý. Trường hợp không đủ điều kiện, chi cục hải quan thông báo ngay cho hãng tàu và DN kinh doanh cảng về việc không được phép dỡ hàng hóa đó xuống cảng; đồng thời yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và xử lý vi phạm theo quy định.

Đặc biệt, sẽ đưa vào diện kiểm soát trọng điểm nếu tàu biển có thông tin hàng hóa khai báo trên manifest là hàng đã qua sử dụng, không khai báo là phế liệu nhưng có đặc trưng của phế liệu và người NK không thuộc danh sách các DN đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nhưng chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Quản chặt hồ sơ, giấy tờ NK

Cơ quan Hải quan sẽ không thực hiện đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa là phế liệu nhưng DN NK không có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai kiểm tra tính hợp lệ, đối chiếu thông tin về Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, văn bản thông báo lô hàng phế liệu NK, Giấy xác nhận ký quỹ NK phế liệu, Hợp đồng ủy thác (nếu có), văn bản chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với lô hàng phế liệu NK và các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan.

Chi cục hải quan kiểm tra đối chiếu thông tin: Cơ quan cấp; số; ngày cấp; tên tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất/tên tổ chức, cá nhân nhận ủy thác NK phế liệu; tên và địa chỉ cơ sở sử dụng phế liệu để sản xuất/địa chỉ kho, bãi lưu giữ phế liệu NK; tên phế liệu; mã HS; khối lượng được phép NK; thời hạn hiệu lực của Giấy xác nhận NK phế liệu. Trường hợp DN NK ủy thác thì kiểm tra bản sao chứng thực của hợp đồng ủy thác NK ký với tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu NK làm nguyên liệu sản xuất đã được cấp Giấy xác nhận NK phế liệu; bản sao chứng thực Giấy xác nhận NK phế liệu còn hiệu lực của tổ chức, cá nhân ủy thác NK phế liệu.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu đơn vị Hải quan cửa khẩu kiểm tra thực tế hàng hóa đối với tất cả các lô hàng khai báo là phế liệu NK. Trong đó, việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện tại chi cục hải quan cửa khẩu nhập theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việc kiểm tra xác định tính chính xác giữa nội dung khai hải quan và thực tế hàng hóa NK được thực hiện bởi công chức hải quan của chi cục hải quan cửa khẩu nhập và cán bộ kiểm định của chi cục kiểm định hải quan (Cục Kiểm định hải quan).

Trong trường hợp có đủ cơ sở xác định lô hàng phế liệu NK không đáp ứng quy định của pháp luật hải quan và pháp luật bảo vệ môi trường thì xử lý theo quy định. Đối với hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục tại Quyết định 73/2014/QĐ-TTg nhưng chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cơ quan Hải quan xác định không đủ cơ sở để xem xét thông quan.

Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố nơi có hàng hóa là phế liệu, hàng hóa đã qua sử dụng có đặc trưng của phế liệu tồn đọng trong địa bàn hoạt động hải quan phải rà soát, thông báo cho DN/hãng tàu/đại lý hãng tàu phối hợp làm việc để xác định chủ sở hữu, phân loại theo chủng loại, số lượng, khối lượng, thành phần, tính chất, thời gian, địa điểm lưu giữ. Thu thập, phân tích thông tin, điều tra, xác minh, chủ động kiểm tra vắng mặt người khai hải quan theo quy định tại Điều 34 Luật Hải quan 2014 đối với các lô hàng có dấu hiệu vi phạm, có dấu hiệu lợi dụng hoạt động NK phế liệu để thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trên cơ sở kết quả nếu hàng hóa tồn đọng được xác định là tang vật thuộc vụ án hình sự thì xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; trường hợp được xác định không phải tang vật của vụ án hình sự thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định và buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Đảo Lê  (Theo nguồn Hải Quan)

 

759 views