Hải quan Đồng Nai gỡ vướng về cấp C/O, nhập khẩu máy móc, công nghệ cũ… cho DN Hàn Quốc

(HQ Online) – Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc năm 2019 tổ chức chiều 1/7, Cục Hải quan Đồng Nai đã giải đáp nhiều vướng mắc cho các DN Hàn Quốc liên quan đến cấp C/O, quy định nhập khẩu dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, chính sách thuế đối với nguyên phụ liệu gia công…

 Đồng Nai là điểm đến ưa chuộng của DN Hàn Quốc

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Phùng Thị Bích Hường cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính về cải cách hành chính nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá, tạo thuận lợi thương mại, thời gian qua Cục Hải quan Đồng Nai luôn tích cực hoàn thiện thể chế, pháp luật về Hải quan.

Cục Hải quan Đồng Nai luôn là một trong những đơn vị đi đầu trong việc tham gia xây dựng các dự thảo văn bản. Qua đó, đơn vị đã chuyển tải các khó khăn, vướng mắc, bất cập mà DN phản ánh để ban soạn thảo xem xét hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng tích cực đôn đốc và phối hợp các Bộ, ngành triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Đến nay đã có 13 bộ ngành tham gia kết nối với 173 thủ tục hành chính được thực hiện trên cơ chế một cửa quốc gia, tạo thuận lợi rất lớn cho DN.

Đối với Cơ chế một cửa ASEAN, từ 1/1/2018, Việt Nam chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D điện tử với 4 nước ASEAN là Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Đồng thời, Việt Nam đã triển khai thử nghiệm trao đổi C/O form D với 3 nước Brunei, Campuchia và Philippines.

Ngành Hải quan cũng chủ động phối hợp với các bộ ngành quyết liệt cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá XNK. Đến nay đã có 13 bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm được 5.279 mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.

Ngành Hải quan cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường năng lực quản lý. Tại Cục Hải quan Đồng Nai, Hệ thống quản lý hải quan tự động tại kho, bãi, cảng đã được triển khai hệ thống đến toàn bộ các cảng và kho ngoại quan, kho CFS. Thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, hướng tới tích hợp các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi cho người sử dụng.

Đề án nộp thuế điện tử cũng được thực hiện có hiệu quả với 39 ngân hàng tham gia phối hợp thu với cơ quan Hải quan, chiếm 93% tổng số thu ngân sách của ngành Hải quan. Qua đó giúp người nộp thuế có thể nộp thuế mọi lúc, mọi nơi, qua mọi phương tiện có kết nối internet, giảm thời gian nộp thuế, rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá.

Ông Park Hyun Bae, Chủ tich Hiệp hội các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Đồng Nai (KIAD) cho hay, Đồng Nai là một trong những điểm đến được ưa chuộng tại phía Nam của các nhà đầu tư Hàn Quốc, thể hiện qua việc ngày càng nhiều DN Hàn Quốc đầu tư vào Đồng Nai. Theo đó, các công ty đã đầu tư vào Đồng Nai đều có hoạt động sản xuất ổn định và gia tăng vốn đầu tư.

Ông Park Hyun Bae cũng khẳng định KIAD sẽ liên tục liên lạc và hợp tác với các cơ quan liên quan của Đồng Nai bằng cách thu thập ý kiến từ hơn 400 công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào Đồng Nai nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các thương nhân Hàn Quốc trong thời gian đầu tư tại Đồng Nai.

Gỡ vướng về C/O, nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng…

Trả lời câu hỏi của một DN về các quy định cụ thể đối với tiêu chí NK dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, căn cứ Quyết định 18/2019/QĐ-TTg thì cơ quan Hải quan chỉ làm thủ tục thông quan theo quy định khi hồ sơ nhập khẩu và tài liệu quy định đã nộp đầy đủ, hợp lệ và chứng thư giám định ghi kết luận dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đáp ứng theo quy định. Đồng thời, tổ chức giám định dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thực hiện việc chỉ định, thừa nhận và công bố công khai danh sách các tổ chức giám định đã được chỉ định, thừa nhận trên Cổng thông tin điện tử Bộ Khoa học và Công nghệ để DN biết, lựa chọn sử dụng.

hai quan dong nai go vuong ve cap co nhap khau may moc cong nghe cu cho dn han quoc
Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp. Ảnh:N.H

Theo đó, DN có thể theo dõi trên Cổng thông tin điện tử Bộ Khoa học và Công nghệ để lựa chọn tổ chức giám định được chỉ định và thừa nhận để giám định hàng hoá nhập khẩu của mình.

Hỏi thêm về vấn đề này, ông Park Hyun Bae đặt vấn đề về việc, nếu phía Hàn Quốc cũng có một tổ chức kiểm tra năng lực của dây chuyền sản xuất và có giấy xác nhận thì cơ quan giám định có căn cứ giấy này để xác nhận cho DN hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Phúc Thọ, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai cho hay, việc này thuộc chức năng của cơ quan giám định. Tuy nhiên, DN hoàn toàn có thể cung cấp các tài liệu liên quan đến thiết bị, dây chuyền để cung cấp thêm thông tin cho cơ quan giám định.

DN cũng hỏi về trường hợp DN muốn NK phụ tùng tàu biển (sản xuất được trên 10 năm) về sửa chữa với hình thức tạm nhập tái xuất, sửa chữa theo yêu cầu của khách hàng thì có thể gửi lại nước ngoài được không và nếu muốn kinh doanh ngành nghề này thì phải tham khảo quy định nào?

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, căn cứ Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 và Nghị định 69/2018/NĐ-CP, công ty được tạm nhập tái xuất linh kiện phụ tùng không có hợp đồng để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển theo yêu cầu của khách hàng, nhưng với điều kiện hàng hoá không thuộc danh mục hàng hoá cấm NK ban hành kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP.

Một DN khác cũng đặt câu hỏi về chính sách thuế đối với hàng gia công. Theo đó, trường hợp NK nguyên liệu theo hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài được miễn thuế. Theo đó, DN đặt câu hỏi về trường hợp DN không muốn áp dụng miễn thuế cho hàng gia công mà xuất trình C/O rồi áp dụng FTA sau thông quan thì có được hay không?

Cục Hải quan Đồng Nai cho hay, theo các quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Thông tư 38/2018/TT-BTC thì hàng hoá là nguyên phụ liệu gia công, sản xuất khi NK đã được miễn thuế nhập khẩu ngay tại thời điểm làm thủ tục hải quan.

Công ty có thể nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan hoặc tại thời điểm làm thủ tục thay đổi mục đích sử dụng. C/O chỉ áp dụng để DN hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định ưu đãi thuế quan đối với hàng hoá là nguyên phụ liệu NK gia công sản xuất ban đầu trong tình trạng chưa đưa vào sản xuất nhưng thay đổi mục đích sử dụng chuyển tiêu thụ nội địa.

Một DN khác đặt vấn đề về việc do người ký khác nhau nên C/O của DN không được chấp nhận. Theo DN này, do một vài trục trặc của văn phòng thư ký ASEAN nên những nội dụng thay đổi không được chuyển đến Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, DN này cho hay, những C/O được cấp lại từ việc gửi lại bản C/O chính cũng không được chấp nhận.

DN cho biết, theo Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc – nơi cấp C/O, trường hợp không có những thay đổi mang tính thực chất như mã số HS thì C/O bản sửa đổi sẽ không có những thay đổi như ngày cấp hay số tham chiếu, mã tham chiếu mà sẽ giống với C/O bản gốc.

Do đó DN hỏi, tiêu chuẩn giám định của Hải quan Việt Nam trong trường hợp không có những sửa đổi về nội dung mang tính thực chất như mã HS thì mã tham chiếu của C/O sửa đổi sẽ phải thay đổi vô điều kiện hay không?

Cục Hải quan Đồng Nai cho hay, căn cứ Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT quy định thực hiện Quy tắc xuất cứ trong Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc thì một bộ C/O chỉ mang một số tham chiếu và chỉ bao gồm 1 bản gốc và 2 bản sao carbon. Khi C/O DN bị lỗi, DN có thể liên hệ tổ chức cấp C/O để xử lý những sai sót trên C/O bằng một trong hai hình thức quy định tại Phụ lục V nêu trên.

C/O được cấp mới để thay thế C/O đã được cấp trước đó cũng phải mang một số tham chiếu mới. Trường hợp C/O được cấp mới có cùng số tham chiếu của C/O đã được cấp trước đó, cơ quan Hải quan sẽ tiến hành xác minh tính hợp lệ của C/O được cấp mới quy định tại Thông tư 30/2018/TT-BTC.
Nguyễn Hiền ( Theo nguồn báo hải quan 20:05 | 01/07/2019)

 

418 views