Gian lận xuất xứ gia tăng do diễn biến thương mại ngày càng phức tạp
(HQ Online) – Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, điểm quan trọng trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hiện nay là phải đảm bảo đồng thời cả phòng chống gian lận xuất xứ cũng như tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu.
Bà đánh giá như thế nào về tình trạng, mức độ gian lận xuất xứ hiện nay, đặc biệt là đặt trong bối cảnh Việt Nam ký kết, thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA)?
– Trước đây, các hành vi gian lận thương mại trong xuất xứ hàng hóa diễn ra khá ít. Gần đây, hành vi này bắt đầu có gia tăng và phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên, phải nói rõ rằng, gian lận xuất xứ gia tăng không phải là do Việt Nam tham gia nhiều FTA hơn mà thực tế là do diễn biến thương mại ngày càng phức tạp hơn.
Xét về mục đích, trước đây các hành vi gian lận chủ yếu nhằm vào các loại C/O ưu đãi để hưởng chênh lệch thuế, ví dụ giữa thuế theo cam kết trong FTA so với thuế tối huệ quốc (MFN).
Ngày nay, trong bối cảnh các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng nhiều, gian lận thương mại chuyển sang cả loại hình C/O không ưu đãi nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Do bối cảnh thương mại ngày càng phức tạp và các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng ngày càng nhiều nên hành vi gian lận thương mại cũng nhiều hơn, phức tạp và tinh vi hơn.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)
Khi tham gia “cuộc chiến” chống gian lận xuất xứ hiện nay, nhìn từ góc độ Bộ Công Thương, đâu là những khó khăn, thách thức nổi cộm, thưa bà?
– Tiêu chí xuất xứ đặt trong bối cảnh các FTA giúp xác định chính xác hàng hóa nào sẽ được hưởng ưu đãi và hàng hóa nào không được hưởng, để dành ưu đãi theo cam kết cho đúng hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Bởi vậy, đảm bảo xuất xứ hàng hóa là việc rất quan trọng.
Trước đây, để chống gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp bao gồm: ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo các cơ quan, tổ chức cấp C/O; chủ động kiểm tra, xác minh hoặc phối hợp với các đối tác nước ngoài kiểm tra, xác minh…
Đến nay, các trường hợp gian lận xuất xứ thường xảy ra với những thị trường áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ như Hoa Kỳ, EU… Các trường hợp hiện nay đa phần quy về C/O không ưu đãi. Có nhiều trường hợp, nước đối tác không yêu cầu C/O do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp mà cho phép tự chứng nhận xuất xứ và thậm chí cho phép nhà nhập khẩu chứng nhận xuất xứ.
Doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm với cơ quan Hải quan nước nhập khẩu. Do vậy, khi có chuyện xảy ra, cơ quan chức năng sẽ khó vào cuộc nếu không có thông tin do Hải quan các nước cung cấp. Đó là một trong những điểm khó khăn nhất.
Bộ Công Thương cho rằng, nếu có yêu cầu của nước nhập khẩu là C/O phải do cơ quan có thẩm quyền cấp thì việc chủ động kiểm tra, giám sát, siết chặt công tác quản lý cấp C/O sẽ có hiệu quả hơn trong phòng chống gian lận xuất xứ.
Khó khăn thứ hai có thể kể đến là chế tài xử phạt của Việt Nam chưa đủ sức răn đe. Ví dụ, hành vi làm giả mức phạt chỉ vài chục triệu đồng. Các cơ quan chức năng cũng đang phối hợp với nhau để hoàn thiện hơn vấn đề này. Ví dụ, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng như các nghị định liên quan có thể có các điều chỉnh phù hợp hơn, mang tính răn đe hơn.
Thời gian qua, một số ý kiến cho rằng thời gian cấp C/O khá lâu đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Xin bà chia sẻ rõ hơn, hiện nay việc cấp C/O được Bộ Công Thương triển khai như thế nào để vừa đảm bảo chống gian lận xuất xứ vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong xuất khẩu hàng hóa?
– Hiện nay, Bộ Công Thương đang ủy quyền cho các cơ quan, tổ chức, các phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực của Bộ Công Thương cấp C/O ưu đãi theo các FTA. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đơn vị duy nhất ngoài ra được ủy quyền cấp C/O không ưu đãi và C/O form A hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Có 2 chiều trong hoạt động cấp C/O đó là phải phòng chống gian lận xuất xứ, đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu, tạo thuận lợi cho xuất khẩu.
Thực tiễn mục tiêu quản lý có 2 chiều như vậy nên các cơ quan quản lý xây dựng Danh mục cảnh báo các mặt hàng rủi ro. Đây là hoạt động tăng cường công tác cảnh báo của Bộ Công Thương, triển khai thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.
Với Danh mục này, cơ quan quản lý sẽ chú trọng, thậm chí phải tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất trước khi cấp C/O. Tuy nhiên, không thể 100% bộ hồ sơ doanh nghiệp đến, cơ quan quản lý đều có thể tiến hành kiểm tra được nên mới có câu chuyện quản lý rủi ro, câu chuyện phân luồng…
Với vấn đề phân luồng trong cấp C/O, ngay từ năm 2018, Bộ Công Thương cũng đã ban hành quy định cụ thể tại Thông tư 15/2018/TT-BCT. Ví dụ, doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí nào thì vào luồng Xanh; doanh nghiệp có nguy cơ như thế nào thì vào luồng Đỏ…
Xin bà cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đặc biệt chú trọng, nhấn mạnh vào các giải pháp như thế nào để ngày càng nâng cao hiệu quả của công cuộc chống gian lận xuất xứ?
– Tôi cho rằng chắc chắn phải có cảnh báo sớm đến cộng đồng doanh nghiệp. Như đã chia sẻ, đây là vấn đề Bộ Công Thương làm rất mạnh.
Về nội dung danh mục cảnh báo đưa ra là danh mục thế nào, Bộ Công Thương luôn cố gắng rà soát kỹ tiêu chí để làm sao cảnh báo đúng mặt hàng trọng điểm, thị trường trọng điểm có nguy cơ rủi ro gian lận xuất xứ, không cảnh báo tràn lan, tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền, làm sao để thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp không tiếp tay cho cái sai. Gần đây, cả từ phía cơ quan Hải quan và Bộ Công Thương đều đã có nhiều hành động tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu, không tiếp tay cho hành vi gian lận đó, phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn gian lận.
Về dài hơi hơn nữa là giải pháp liên quan đến công tác sản xuất, làm sao nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, phát triển các nguồn nguyên liệu trong nước để đảm bảo tiêu chí xuất xứ và tránh bị đánh thuế chống lẩn tránh.
Đương nhiên, bên cạnh các điểm nhấn nêu trên, những nội dung thường ngày như tăng cường kiểm tra, tăng cường hậu kiểm là biện pháp vẫn tiếp tục được triển khai.
Xin cảm ơn bà!
Nguyễn Thanh ( Theo nguồn báo hải quan 09:56 | 16/07/2020)
Link: https://haiquanonline.com.vn/gian-lan-xuat-xu-gia-tang-do-dien-bien-thuong-mai-ngay-cang-phuc-tap-130035-130035.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com